2.2.3.1. Khách du lịch
a, Số lượng khách du lịch
Như đã phân tích ở trên, DLST là một bộ phận của du lịch ở Thừa Thiên Huế. Du khách đến với DLST chủ yếu qua các tour, tuyến kết hợp với các loại hình du lịch văn hóa và lịch sử. Đó là sự kéo dài, mở rộng của các tour, tuyến nổi tiếng và quen thuộc với du khách. Vì thế lượng khách đến với DLST ở đây không nhiều, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng khách đến Huế.
Năm 2000, lượng khách DLST đến Thừa Thiên Huế là gần 45.000, chiếm 9,6% tổng lượng khách du lịch. Đây là một con số khiêm tốn, còn kém xa so với tiềm năng, thực trạng DLST mà tỉnh đang có. Năm 2005, lượng khách tăng lên đáng kể, đạt 147.000 lượt người, tăng gấp 4 so với năm 2000, chiếm 14% so với lượng khách toàn tỉnh. Có thể nói, lượng khách DLST đã có những bước tiến đáng kể, tăng nhanh về cả số lượng lẫn tỉ lệ so với tổng lượng khách du lịch đến Huế. Điều này có được là nhờ sự động viên, quan tâm của các cấp chính quyền, cũng như công tác xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp và địa phương tại địa điểm DLST.
Đến năm 2008, con số khách DLST là hơn 294.000 lượt, tăng gần gấp đôi năm 2005 và chiếm 17,5% tổng lượng khách đến tỉnh tham quan. Mặc dù đã có
tăng trưởng khá, nhưng lượng khách DLST đến Huế còn khá thấp, nhất là so với tiềm năng sinh thái phong phú như hiện nay.
b, Cơ cấu khách du lịch
Bảng 3: Số lượng và thị phần khách DLST đến Thừa Thiên Huế giai đoạn 2000 - 2008
Năm
Khách nội địa Khách quốc tế
Số lượng (người) Tỉ trọng (%) Số lượng (người) Tỉ trọng(%)
2000 25.500 56,67 19.500 43,33
2003 54.500 58,6 38.500 41,4
2005 98.250 66,84 48.750 33,16
2008 159.350 54,2 134.650 45,8
Cơ cấu khách du lịch qua các năm có một số thay đổi đáng kể. Giai đoạn 2000 – 2005, lượng khách nội địa đến với DLST ở Huế tăng mạnh về số lượng, tỉ trọng trong tổng khách du lịch tăng từ 56,67% năm 2000 lên 66,84% năm 2005. Điều này hoàn toàn phù hợp với cơ cấu khách du lịch chung của toàn tỉnh. Đến giai đoạn sau, cơ cấu khách du lịch đã chuyển dịch theo cơ cấu tích cực hơn, lượng khách du lịch quốc tế tăng khá, chiếm 45,5%, khách nội địa giảm xuống còn 54,2%. Điều này chứng tỏ DLST của tỉnh ngày càng tạo nên sức hút lớn đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
c, Thời gian lưu trú
Các điểm DLST thường nằm trong tour, tuyến mở rộng của các loại hình du lịch khác ở địa phương. Bên cạnh đó, các địa điểm này thường nằm khá xa so với trung tâm thành phố Huế cũng như các điểm du lịch trung tâm như lăng tẩm, chùa chiền… Vì vậy, khách DLST thường có thời gian lưu trú cao hơn so với khách du lịch ở các loại hình còn lại.
Theo số liệu thống kê cuối năm 2008, thời gian lưu trú của khách DLST ở tỉnh là 2,54 ngày với khách quốc tế và 2,43 ngày với khách nội địa. Tổng số ngày khách đạt hơn 200.000 ngày, trong đó khách nội địa chiếm hơn 120.000 ngày, và khách quốc tế là 80.000 ngày. So với số lượng khách thì thời gian lưu trú của
DLST chiếm tỉ lệ cao hơn trong tổng số ngày khách của du lịch Thừa Thiên Huế. Điều này được giải thích bởi những đặc thù của DLST.
Yếu tố mùa du lịch đối với khách nội địa và khách quốc tế không mang những nét riêng so với du lịch chung. Bởi nó không bị ảnh hưởng nhiều bởi những đặc điểm của DLST tại địa phương.
d, Thị trường khách DLST
Với mục đích khám phá thiên nhiên tươi đẹp cũng như những nét đặc sắc của con người Việt Nam nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng, rất nhiều du khách đã tìm đến với DLST của tỉnh. Ngoài một bộ phận lớn là khách nội địa, lượng khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Sự đa dạng của du khách được thể hiện rõ trong bảng sau.
Thị phần khách quốc tế của DLST
Bảng 4: Thị phần khách du lịch quốc tế của DLST tỉnh Thừa Thiên Huế Đơn vị: % Quốc tịch 2005 2006 2007 2008 Việt Kiều 9,44 7,74 6 4,1 Mỹ 6,83 5,84 5,46 6,16 Pháp 19,56 17,29 16,05 15,53 Anh 6,94 6,11 4,75 3,67 Nga 0,34 0,36 0,28 0,28 Đức 8,26 8,5 7,41 7,58 Canada 2,27 2,31 2,19 1,74 Trung Quốc 0,99 1,24 1,05 1 Đài Loan 0,58 0,29 0,17 0,12 Nhật 5,6 4,9 3,36 3,36 Úc 9,75 1,73 8,4 4,38 Thụy Sỹ 1,92 1,72 0,77 0,34 Thái Lan 4,68 13,01 24,79 20,11 Hà Lan 0 0 1,32 1,24 Ý 0 0,21 0,7 0,81 Quốc tịch khác 22,84 28,75 17,3 29,58
Tổng cộng 100 100 100 100 Dựa vào bảng trên có thể thấy DLST ở Thừa Thiên Huế đã thu hút được khách du lịch đến từ nhiều nơi trên thế giới. Trong đó thị trường các nước Đông Nam Á với Thái Lan dẫn đầu thị phần, tiếp đó là các nước châu Âu như Pháp, Anh… Những năm gần đây, thị trường khách DLST của tỉnh mở rộng thêm một số nước như Hà Lan, Ý… Tuy lượng khách đến chưa nhiều, nhưng sự tăng lên về số lượng quốc gia trong cơ cấu khách du lịch là một triển vọng lớn cho phát triển DLST tỉnh nhà.
2.2.3.2. Sản phẩm DLST
a, Các tour, tuyến và loại hình du lịch
Các tour, tuyến du lịch
Tour du lịch thu hút khách du lịch và phổ biến nhất hiện nay là Lăng Cô - Bạch Mã. Với hai địa điểm DLST hấp dẫn và khá nổi tiếng, đây là tuyến du lịch vàng đối với DLST nói riêng và du lịch ở Thừa Thiên Huế nói chung.
Ngoài Lăng Cô - Bạch Mã, hầu hết các tuyến DLST còn lại đều là những tuyến đơn lẻ, rời rạc, kết hợp ít các địa điểm DLST nhỏ với nhau, hoặc kết hợp với các loại hình du lịch khác. Có thể kể đến tuyến du lịch Thác Mơ - Thác Trượt với du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Nam Đông, tuyến hồ nước ngọt Suối Voi - Nhị Hồ, hay tuyền du lịch nghỉ dưỡng ở suối nước nóng Thanh Tân kết hợp với tham quan, khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới cùng các loại động thực vật ở xã Phong Mỹ, Phong Điền…
Các loại hình du lịch
Ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát triển đầy đủ các loại hình DLST. Phát triển nhất vẫn là DLST phổ biến (đại trà) với những yêu cầu và đặc tính dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện tài nguyên DLST cũng như khả năng tổ chức của các đơn vị kinh doanh du lịch. Hai loại hình còn lại là du lịch tiên phong và du lịch nhóm nhỏ vẫn chưa được đầu tư khai thác hợp lý, tương xứng với những điều kiện tự nhiên, DLDT mà Thừa Thiên Huế vốn có.
Các địa điểm DLST thường nằm ở những nơi hoang sơ, cách xa khu dân cư sinh sống. Một số khác nằm ở nơi có địa hình hiểm nghèo, giao thông cách trở, phương tiện đi lại khó khăn. Nên thực tế, các cơ sở lưu trú tại các địa điểm du lịch này rất nghèo nàn, chất lượng thấp và thường là không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách.
Khu vực vườn Quốc gia Bạch Mã là địa điểm có sơ sở lưu trú nhiều và chất lượng nhất trong các địa điểm DLST ở Huế. Vốn được chú ý đầu tư từ hơn 10 năm nay, tại đây đã có hàng chục khách sạn quy mô và nhiều nhà nghỉ chất lượng cao phục vụ nhu cầu tham quan hàng năm của khách du lịch
c, Cơ sở ăn uống và vui chơi giải trí
Do đặc thù của các điểm DLST, cơ sở ăn uống và vui chơi giải trí cũng còn thiếu, chưa phục vụ đầy đủ nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của du khách. Có thể điểm qua một số địa điểm vui chơi như: hồ Thủy Tiên thuộc khu vực đồi Thiên An, gần đồi Vọng Cảnh, hay khu suối nước nóng Thanh Tân. Tuy nhiên, đó chỉ là một số địa điểm hiếm hoi, nằm rải rác và không bám sát các điểm DLST tạo sự thuận tiện cho du khách.
Bên cạnh đó, các cơ sở ăn uống quanh khu vực DLST còn thiếu nhiều, chất lượng phục vụ còn kém và vẫn còn hiện tượng cò, ép giá đối với du khách. Một số địa điểm có vị trí địa lý không thuận lợi hoặc xa nơi dân cư thì các cơ sở ăn uống này càng ít và nếu có thì giá cả rất cao, chất lượng lại kém làm rất nhiều du khách không vừa lòng.
d, Vận chuyển khách du lịch
Các địa điểm DLST thường ở xa trung tâm thành phố Huế, đường xá đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở. Điều này ảnh hưởng lớn đến vấn đề vận chuyển khách du lịch. Các điểm du lịch đã được du khách biết đến như vườn Quốc gia Bạch Mã, suối Voi, thác Nhị Hồ,… đều đã có tuyến đường thuận lợi. Nhưng đối với các địa điểm du lịch tiềm năng thì đây là một trở ngại lớn trong việc thu hút khách du lịch. Hiện tại, tuyến đường đến các điểm này chủ yếu vẫn là đường đất heo hút, một số nơi khá hơn thì có thể là đường đổ bê-tông với chất lượng kém và rất nhỏ hẹp.
2.2.3.3. Kết quả kinh doanh du lịch sinh thái
Hàng năm, DLST đóng góp một phần rất bé vào doanh thu du lịch toàn tỉnh. Năm 2000, doanh thu DLST đạt 15.960 triệu đồng, chiếm 8,4% doanh thu du lịch toàn tỉnh, trong đó nộp gần 1.000 triệu cho ngân sách của tỉnh. Năm 2003, doanh thu tăng khá, đạt 28.560 triệu, chỉ chiếm 10,2% tổng doanh thu và chỉ nộp cho ngân sách 1.500 triệu đồng. Năm 2005, con số này là 70.642 triệu đồng, chiếm 13% tổng doanh thu du lịch của cả tỉnh. Năm 2008 vừa qua, doanh thu DLST tăng trưởng khá, đạt 1.738.120 triệu đồng, chiếm 15,2% tổng doanh thu.
So sánh kết quả kinh doanh của DLST với các loại hình du lịch khác của tỉnh ta thấy tỉ trọng của DLST thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng của doanh thu DLST chưa cao, và mặc dù tỉ lệ khách DLST so với tổng lượng khách du lịch đến Huế đã có tăng lên đáng kể, đạt 17,5% nhưng kết quả kinh doanh của nó chỉ chiếm 15,2%. Điều này chứng tỏ hoạt động kinh doanh sản phẩm DLST vẫn chưa thực sự hiệu quả.
2.2.3.4. Đầu tư phát triển DLST
Là một bộ phận trong du lịch Thừa Thiên Huế, ngành DLST cũng nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư phát triển. Hàng loạt dự án đang được đưa vào triển khai như hệ sinh thái Tam Giang - Cầu Hai, khu vui chơi Thác Mơ – Thác trượt, cụm du lịch Cảnh Dương – Lăng Cô - Bạch Mã… Nhưng ở các điểm du lịch tiềm năng thì vẫn chưa nhận được một sự đầu tư đáng kể nào.
Đầu tư cho cơ sở vật chất kĩ thuật và dịch vụ du lịch của du lịch Thừa Thiên Huế nói chung đang được quan tâm đúng mức trong các năm qua. Và hiện nay, cơ sở vật chất kĩ thuât, dịch vụ du lịch ở tỉnh đang tiếp tục được phát triển mạnh về số và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của khách. Nhưng đối với DLST, đây là một lĩnh vực đầu tư ít được quan tâm, dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển hành khách…
Nhìn chung, chỉ có khu vực Lăng Cô - Bạch Mã, nơi mà DLST phát triển mạnh, giao thông và phương tiện đi lại rất thuận tiện, đảm bảo đón đưa du khách hay di chuyển giữa các địa điểm du lịch. Hệ thống cơ sở ăn uống và vui chơi giải
trí ở đây tuy chưa nhiều nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu của du khách. Sản phẩm du lịch khá phong phú và đa dạng, khai thác tốt các tiềm năng du lịch ở đây.
2.2.3.5. Nguồn nhân lực DLST
Với tiềm năng và vị thế phát triển như hiện nay, DLST cần một nguồn nhân lực rất lớn, có tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ trong ngành. Nguồn nhân lực du lịch có trình độ hiện nay của tỉnh có thể kể đến các hệ đào tạo của trường Trung cấp Du lịch. Mỗi năm, trường đào tạo khoảng 1500 học sinh với nhiều chuyên ngành du lịch khác nhau cung cấp một lực lượng lao động khá lớn cho thị trường du lịch.
Do đặc thù riêng của DLST, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thường phải có sức khỏe tốt để có thể đưa du khách đến những địa điểm xa xôi hẻo lánh, có sự hiểu biết cơ bản về sơ cấp cứu, có kĩ năng cơ bản của một nhà thám hiểm… Thực tế, nguồn nhân lực của DLST còn rất thiếu, số lượng đạt được những yêu cầu trên càng hiếm hơn. Cũng như du lịch chung và các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử… nguồn nhân lực DLST có một số nhược điểm đáng chú ý:
- Trình độ, khả năng giao tiếp tiếng Anh chưa cao.
- Tác phong làm việc vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống, tính năng động và sáng tạo chưa cao.
2.2.3.6. Tiếp thị và xúc tiến tuyên truyền quảng cáo
Công tác tiếp thị và xúc tiến tuyên truyền quảng cáo về DLST ở Thừa Thiên Huế còn khá yếu và chưa thực sự hiệu quả. Một phần là do thiếu sự đầu tư của các doanh nghiệp du lịch, đồng thời sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với lĩnh vực này chưa đúng mức.
Chuyên mục “Ống kính du lịch” được phát đều đặn trên kênh HVTV của đài truyền hình Huế, nhưng thỉnh thoảng, chuyên mục này mới nhắc đến DLST. Bên cạnh đó, việc phát hành các ấn phẩm về DLST còn quá ít, chỉ tập trung ở những khu du lịch vốn đã nổi tiếng và quen thuộc với du khách. Tỉnh vẫn chưa có một trang Web riêng của DLST, nơi mà du khách hay bất cứ ai quan tâm có thể tìm kiếm thông tin về ngành du lịch này của Thừa Thiên Huế.