Nhóm giải pháp về vốn đầu tư

Một phần của tài liệu PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở THỪA THIÊN HUẾ.DOC (Trang 83 - 84)

Lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng như ngân sách địa phương để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các điểm du lịch.

Ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương là một trong những nguồn lực tài chính quan trọng đối với phát triển DLST.

Ngân sách nhà nước là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội, định hướng phát triển sản xuất, điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và ổn định đời sống xã hội. Thông qua hoạt động chi ngân sách, Nhà nước sẽ đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng tại các điểm du lịch sinh thái. Ngân sách địa phương lại là công cụ điều tiết của riêng địa phương đó, thực hiện những chức năng có tính vĩ mô thấp hơn ngân sách nhà nước. Khi kết hợp, lồng ghép hai nguồn lực này với nhau, kết cầu hạ tầng được đầu tư bởi những nguồn lực tự có của địa phương hay nguồn lực trong nước, không phụ thuộc bởi sự đầu tư của nước ngoài.

Huy động vốn của các doanh nghiệp tư nhân và của chính người dân cho phát triển DLST

Với tính chất nhỏ lẻ của DLST ở Thừa Thiên Huế hiện nay, doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa là đối tượng rất thích hợp trong việc bỏ vốn đầu tư phát triển du lịch. Đây là những nguồn vốn nhỏ và vừa, rủi ro đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh tạo được cảm giác an toàn, kích thích sự đầu tư của doanh nghiệp.

Người dân địa phương là những người đầu tiên trực tiếp hưởng những lợi ích từ phát triển DLST. Hơn ai hết, họ nhận thấy được những kết quả tốt đẹp cả về kinh tế, xã hội và môi trường do sự phát triển của DLST mang lại. Càng đầu tư bao nhiêu, những lợi ích mà người dân nhận được càng tăng.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có một số biện pháp hỗ trợ những đối tượng này. Cụ thể:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch vay ưu đãi vốn phát triển ngành.

- Đưa DLST vào danh mục ngành nghề hưởng ưu đãi tín dụng ngân hang của tỉnh.

Thực hiện xã hội hoá du lịch

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới các hình thức khác nhau; thực hiện xã hội hoá đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hoá các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân và nhà nước; mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước như BOT, BTO, BT…

Điều chỉnh hệ thống chính sách về đầu tư.

Áp dụng trên điều kiện thực tế của Thừa Thiên Huế các quy định hiện hành của Nhà nước về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có chính sách và giải pháp tạo vốn phát triển du lịch, huy động các nguồn vốn để giải quyết các nhu cầu đầu tư, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nói chung và DLST nói riêng. Cụ thể:

- Vốn từ tích luỹ GDP du lịch, vốn từ vay ngân hang với lãi suất ưu đãi. - Tranh thủ các nguồn vốn từ quỹ tín dụng của Nhà nước trong điều kiện và quy định của các quỹ tín dụng cho phép.

- Áp dụng cơ chế đấu giá quỹ đất để tăng nguồn vốn xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch.

- Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: ODA, WB, ADB…

- Huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI.

Một phần của tài liệu PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở THỪA THIÊN HUẾ.DOC (Trang 83 - 84)