Phương pháp lập bản thuyết minh báo cáo tài chính

Một phần của tài liệu Kinh tế tài chính - Chương 11 - Phương pháp lập báo cáo kế toán tài chính doanh nghiệp ppsx (Trang 30 - 32)

- Dòng tiền từ hoạt động tài chính

11.5.3. Phương pháp lập bản thuyết minh báo cáo tài chính

Bản thuyết minh báo cáo tài chính cần được trình bày một cách có hệ thống. Căn cứ vào thực tế áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam đã ban hành và chế độ kế toán doanh nghiệp áp dụng tại đơn vị để trình bày các thông tin được yêu cầu trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Việc lựa chọn số liệu và thông tin cần phải trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính được thực hiện theo nguyên tắc trọng yếu qui định tại Chuẩn mực số 21 “Trình bày báo cáo tài chính.”

Căn cứ vào qui định của các chuẩn mực kế toán cụ thể, doanh nghiệp dựa vào sổ kế toán tổng hợp và chi tiết để lấy số liệu và thông tin ghi vào các phần phù hợp của bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Khi lập và trình bày báo cáo tài chính cần tuân thủ một số yêu cầu sau đây:

- Bản thuyết minh báo cáo tài chính cũng phải trình bày các thông tin chung về doanh nghiệp như các báo cáo tài chính.

- Các nội dung thuyết minh báo cáo tài chính được trình bày bằng số và bằng lời (các phần mô tả mang tính tường thuật) một cách ngắn gọn, rõ ràng, và dễ hiểu nhưng phải đảm bảo đầy đủ để đáp ứng yêu cầu thuyết minh và giải trình cho người sử dụng hiểu được báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Phần trình bày bằng số phải thống nhất với số liệu trên các báo cáo tài chính.

- Phần trình bày đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp cần phải nêu rõ hình thức sở hữu doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, và các đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp trong năm tài chính có ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp cần trình bày rõ năm tài chính của doanh nghiệp (ngày bắt đầu và ngày kết thúc năm tài chính) và đơn vị tiền tệ sử dụng trong ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

- Phần III - Chuẩn mực và chế độ kế toán áp dụng, doanh nghiệp cần nêu rõ rằng doanh nghiệp lập báo cáo tài chính trên cơ sở tuân thủ hệ thống và chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam hay hệ thống kế toán được chấp nhận khác. Trong phần này cũng cần ghi rõ hình thức kế toán mà doanh nghiệp áp dụng.

- Phần IV – Các chính sách kế toán áp dụng, doanh nghiệp cần trình bày rõ các chính sách và nguyên tắc kế toán cụ thể được sử dụng trong kỳ kế toán (ví dụ: nguyên tắc ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền, nguyên tắc đo lường và ghi nhận hàng tồn kho, nguyên tắc ghi nhận và khấu hao TSCĐ, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, phương pháp trích lập các khoản dự phòng, v.v…)

- Các phần V, VI, và VII trình bày các thông tin bổ sung cho các khoản mục được trình bày trong mỗi báo cáo tài chính. Các phần này được đánh dấu thứ tự dẫn từ các báo cáo tài chính đến bản thuyết minh báo cáo tài chính theo từng khoản mục trên các báo cáo tài chính. Nội dung thông tin bổ sung bao gồm các thông tin chi tiết, thông tin bổ sung, và thông tin thuyết trình khác cần thiết cho việc hiểu đúng báo cáo tài chính. Nội dung cụ thể của thông tin trong các phần này do kế toán trưởng của doanh nghiệp

lựa chọn, quyết định trên cơ sở các qui định của các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hiện hành, và đặc điểm hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.

- Phần VIII - Những thông tin khác, trình bày một số thông tin khác bao gồm những khoản nợ tiềm tàng, khoản cam kết và những thông tin tài chính khác; những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán; tài sản, doanh thu, kết quả kinh doanh theo bộ phận (theo lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý); và những thông tin phi tài chính khác.

Một phần của tài liệu Kinh tế tài chính - Chương 11 - Phương pháp lập báo cáo kế toán tài chính doanh nghiệp ppsx (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w