CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.1.1. Một số đặc điểm chung của các trường hợp tử vong
Trong thời gian 1 năm có tổng cộng 9960 trường hợp tử vong được ghi nhận trên địa bàn nghiên cứu. Trong số 9293 trường hợp hoàn thành được bộ câu hỏi Điều Tra Nguyên Nhân Tử Vong có 5459 đối tượng là nam chiếm 58,7%, nữ giới có 3834 trường hợp chiếm 41,3%.
Ở hầu hết các nhóm tuổi, số trường hợp tử vong ở nam giới đều nhiều hơn nữ. Điều này có thể giải thích do nam giới là lực lượng lao động chính trong xã hội, thường làm các công việc nặng nhọc và có mức độ áp lực cao, có nhiều hoạt động và mối quan hệ xã hội khác nữ giới. Mặt khác, do lối sống của nam giới khác nữ giới: Thói quen uống ruợu bia, nghiện thuốc lá, ma túy, sinh hoạt không điều độ, ít quan tâm chăm sóc sức khỏe... Bên cạnh đó còn có một số yếu tố sinh học khác với nữ đã từng được các y văn nghiên cứu như các yếu tố di truyền, các rối loạn về miễn dịch... Những yếu tố này làm cho số trường hợp tử vong ở nam giới cao hơn so với nữ giới.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, số trường hợp tử vong làm ruộng chiếm đa số. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu của Trương Việt Dũng [8] và Nguyễn Ngọc Hùng [11]. Điều này có thể giải thích là do đa số dân số trong địa bàn tiến hành nghiên cứu nói riêng và cả nước nói chung tỉ lệ nông dân chiếm đa số (khoảng 80% dân số).
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn số trường hợp tử vong thuộc vào nhóm trình độ học vấn ≤ THCS (55,7%), tiếp theo là nhóm người mù chữ chiếm 24,6%. Kết quả nghiên cứu này trùng hợp với
phần lớn nhóm người thuộc diện nghiên cứu là làm ruộng, ở nông thôn, có trình độ học vấn thấp.
Số trường hợp tử vong không đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế vẫn còn khá cao (70,3%), tuy nhiên, cũng phải tính đến những trường hợp đặc biệt như tử vong đột ngột hay bị tai nạn. Mặc dù vậy điều tra của chúng tôi phần nào phản ánh việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế còn chưa nhiều trong cộng đồng. Cần có các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này để tìm hiểu lý do.
Đa số trường hợp tử vong xảy ra tại nhà (77,6%) chỉ có 14,4% các trường hợp tử vong tại các cơ sở y tế, vì vậy nếu chỉ phân tích những số liệu tử vong từ các cơ sở y tế thì không đủ và không đại diện được cho mô hình tử vong ở cộng đồng. Kết quả này càng khẳng định thêm giá trị, ý nghĩa của việc sử dụng phương pháp VA để điều tra nguyên nhân tử vong trong cộng đồng tại Việt Nam.