Một số nguyên nhân chính gây tử vong:

Một phần của tài liệu Mô hình nguyên nhân tử vong ở một số tỉnh tại việt nam năm 2008 (Trang 47 - 52)

CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN

4.1.2.Một số nguyên nhân chính gây tử vong:

Nguyên nhân tử vong ở các đối tượng trong địa bàn nghiên cứu phản ánh mô hình tương tự như các nước đang phát triển trong giai đoạn chuyển đổi dịch tễ học.Một vài thập kỉ trước đây, các bệnh nhiễm trùng đã là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu như bệnh lao, sốt rét và viêm phổi. Với những thành tựu của y tế, cũng như việc cải thiện của hệ thống y tế, giám sát bệnh dịch cùng với sự thành công của chương trình tiêm chủng, tử vong từ những bệnh này đã giảm một cách đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam lại phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe khác. Các số liệu từ bệnh viện cho thấy các bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây và hiện đang đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ba nhóm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (Bảng 2) lần lượt là các bệnh tim mạch (27,32%), bướu tân sinh (18,26%) và tai nạn thương tích (12,51%). Bên cạnh đó, các bệnh lí thuộc hệ hô hấp,

chủ yếu là các nhiễm trùng đường hô hấp dưới vẫn còn khá cao, chiếm 7,7%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu về tình hình nguyên nhân tử vong trong khu vực Đông Nam Á được ghi nhận ở báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu của WHO 2004 [39]. Tuy nhiên, kết quả nàycó sự khác biệt so với nghiên cứu của tác giả Trương Việt Dũng [8] nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả hai giới (nhóm tuổi ≥ 5 tuổi) đều là khối u chiếm 26,4% tổng số tử vong, trong đó ở nam giới cao hơn ở nữ giới (27,4% và 24,6%). Tiếp theo là các nguyên nhân do các bệnh hệ thống thần kinh (18,4%), tim mạch (14,7%).Sự khác biệt này có thể là do cỡ mẫu của các nghiên cứu trước đây chưa đủ lớn, các nghiên cứu chỉ tiến hành trong phạm vi một tỉnh nhất định có yếu tố phơi nhiễm gây nguy cơ tăng các bệnh u bướu.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó đứng đầu là bệnh lý mạch máu não (15,5%), tiếp theo là nhồi máu cơ tim cấp. Các bệnh lý mạch máu não và bệnh mạch vành cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước khu vực Châu Âu và Tây Thái Bình Dương [39]. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hơn một nửa trong số các THTV do các bệnh tim mạch đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp từ trước, điều này cho thấy cần sớm triển khai các chương trình can thiệp nhằm quản lí và theo dõi bệnh tăng huyết áp để hạn chế các tai biến xảy ra, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch, đồng thời phải tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu được sự nguy hiểm của nhóm bệnh tim mạch. Tỷ lệ tử vong do các bệnh về tim mạch ở cả hai giới không có sự khác biệt. Tỷ lệ tử vong cao nhất ở nhóm người cao tuổi (≥ 60 tuổi).

Bảng 2 cũng cho thấytử vong do ung thư chiếm 18,3%, đứng hàng thứ hai trong các nguyên nhân tử vong.Tỷ lệ tử vong do ung thư ở nữ giới thấp hơn ở nam giới ở hầu hết các nhóm tuổi. Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy trong số các THTV do ung thư, tỷ lệ tử vong do ung thư gan ở cả hai

giới là cao nhất (chiếm 27,6%), sau đó là ung thư phổi (21,2%) và ung thư dạ dày (12,2%). Ung thư vú và cổ tử cung là một trong 5 loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Tỷ lệ tử vong do hai loại ung thư phổ biến nhất là ung thư gan và ung thư phổi ở nam giới có sự chênh lệch so với nữ giới như ung thư gan: nam giới (31%) so với 17,6% ở nữ giới, ung thư phổi: nam giới: 23,1% so với 15,6% ở nữ giới. Điều này có thể được giải thích do thói quen lao động và sinh hoạt của nam giới: Làm việc nặng nhọc hơn, môi trường độc hại kèm theo thói quen hút thuốc lá ở nam giới.

Ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư có thể là do thói quen uống rượu, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở Việt Nam khá cao. Bên cạnh đó, người dân thường được chẩn đoán bị ung thư ở giai đoạn quá muộn vì vậy tỷ lệ tử vong cao.

Trong nghiên cứu này(Bảng 2), kết quả đã chỉ ra rằng tai nạn thương tích là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3. Tử vong do tai nạn thương tích luôn đứng đầu trong các nhóm nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (23,9%), nhóm tuổi từ 5-14 tuổi (55,7%) và từ 15-49 tuổi (31,4%). Nhìn chung tỷ lệ nam giới tử vong do các tai nạn thương tích nhiều hơn nữ giới (15,6% so với 8,1%, p <0,01). Trong các tai nạn thương tích, gặp nhiều nhất là tai nạn giao thông (45,2%), đuối nước (13,7%) và bị ngã (12,1%). Nhóm tuổi từ 15-49 tuổi có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất. Hiện nay, tai nạn giao thông là một vấn đề đang nổi cộm của y tế công cộng Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở độ tuổi thanh niên và lứa tuổi lao động, tương tự như nhiều nước đang phát triển khác [14]. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến gia đình có người tử vong cũng như sự phát triển kinh tế của toàn xã hội. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong một nghiên cứu tại Trung Quốc [22]. Một nghiên cứu của WHO cũng đã chỉ ra rằng, hơn 30% số trường hợp tử vong ở độ tuổi 15-49 tuổi ở các nước có thu nhập vừa và thấp ở các khu vực Nam Mỹ, Địa Trung Hải, Châu Âu là do tai nạn thương

tích [39]. Kết quả này có thể được giải thích một phần cũng vẫn là do tính đặc thù của nhóm tuổi, đây là lứa tuổi hoạt động kinh tế chủ yếu nên thường xuyên phải tham gia giao thông, thêm vào đó Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng do vậy số lượng và số loại phương tiện tham gia giao thông tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là xe máy, nhưng đường xá giao thông lại không đáp ứng được với sự gia tăng của này. Mặt khác ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém đặc biệt là ở độ tuổi vị thành niên và thanh niên cũng đã góp phần làm tỷ lệ tử vong do tai giao thông tăng lên. Kết quả này cũng cho thấy tai nạn giao thông chưa hề giảm mặc dù đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cho những người tham gia giao thông.

Trong khi đó, đuối nước thường gặp nhiều ở nhóm tuổi 5-14,kết quả này cũng phù hợp với một nghiên cứu theo dõi về tử vong trẻ em ở Bangladesh [20], đuối nước cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đặc biệt ở lứa tuổi từ 1 đến 4. Điều này có thể lý giải do đặc tính thích khám phá của trẻ em, thói quen tắm ao hồ, sông suối của các em. Điều này cho thấy sự cần thiết trong việc giáo dục nâng cao ý thức về mức độ nguy hiểm của việc cho trẻ em chơi ở ao hồ khi không có người lớn giám sát, cũng như thể hiện sự cần thiết trong việc tiến hành việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em vào trong chương trình dạy học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc. Ở nhóm người cao tuổi thì bị ngã lại là nguyên nhân thường gặp. Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự kết quả nghiên cứu trong nước của Lê Nam Trà năm 2005 [13] cho thấy với nhóm tuổi dưới 5 tuổi nguyên nhân tử vong do tại nạn thương tích chiếm 28,6%, tai nạn thương tích ở nhóm tuổi 5-14 là 71,4%. Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu khác trong nước như của Trương Việt Dũng [8], Nguyễn Thị Hảo [9], Trần Văn Học [10] và một số các nghiên cứu ngoài nước [14], [20], [23].

Nguyên nhân tử vong do các bệnh lý hô hấp đứng hàng thứ 4. Trong đó bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong, chiếm 4,8% nguyên nhân tử vong của cả 2 giới, không có sự khác biệt giữa 2 giới. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân tử vong ở khu vực Tây Thái Bình Dương [39]. Tình hình tăng nhanh của các bệnh lý hô hấp mạn tính cũng chỉ ra các nguy cơ về ô nhiễm không khí, khói bụi và môi trường làm việc độc hại, tác hại của thuốc lá và hút thuốc thụ động. Cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Số trường hợp tử vong do các bệnh nhiễm trùng vẫn còn cao, trong đó HIV/AIDS và bệnh lao là hai nguyên nhân phổ biến nhất. HIV/AIDS cũng là nguyên nhân gây tử vong chủ yếu trong nhóm bệnh nhiễm trùng và kí sinh trùng ở khu vực châu Phi (theo báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2004) nơi có nhiều nước thu nhập thấp [39]. Cũng trong nghiên cứu này, số trường hợp tử vong do HIV/AIDS ở nam cao hơn nhiều so với nữ. Tỉ lệ tử vong do HIV/AIDS cao ở nam giới là do nam giới thường có các hành vi có nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, cuộc sống buông thả hơn nữ giới. Bệnh lao là nguyên nhân đứng hàng thứ hai sau HIV, trong các nguyên nhân nhiễm trùng cho thấy bệnh lao hiện vẫn là một thách thức lớn của ngành y tế, đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức của ngành y tế cũng như của cả cộng đồng.

Kết quả của điều tra này phản ánh mô hình tương tự ở các nước đang phát triển trong giai đoạn chuyển đổi dịch tễ học. Với sự già hóa dân số, hiệu quả phòng và điều trị các bệnh lây nhiễm được cải thiện, lối sống thay đổi đã là những yếu tố góp phần vào giảm gánh nặng của những bệnh lây nhiễm, nhưng lại làm tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích. Các số liệu thống kê từ hệ thống các bệnh viện của Việt Nam cũng cho thấy các bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây và hiện đang đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây

tử vong. Kết quả cũng tương tự với một số các nghiên cứu trên thế giới. Một nghiên cứu tại Úc, nguyên nhân hàng đầu ở cả nam và nữ đều là bệnh tim mạch, thứ hai là ung thư [26].

Theo số liệu của Niên giám Thống kê Y tế Việt nam từ 2005 đến 2009 [3], [4], [5], [6], [7] các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh tim mạch liên tục là nguyên hàng đầu gây tử vong cho người lớn tại bệnh viện, bao gồm xuất huyết não, đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim cấp và tăng huyết áp. So sánh với Singapore, một quốc gia lân cận có hệ thống thu thập số liệu tốt cho thấy, bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong vào năm 1948, nhưng theo thời gian tử vong do các bệnh tim mạch đã tăng lên một cách nhanh chóng và đạt tới đỉnh vào những năm đầu thập kỷ 1980 (16). Theo số liệu công bố của WHO (2002) [23], tại Việt Nam trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, 7 nguyên nhân thuộc nhóm các bệnh không lây nhiễm, trong khi chỉ có 2 nguyên nhân là các bệnh lây nhiễm đó là nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và bệnh lao, đứng hàng thứ 4 và thứ 6.

Kết quả nghiên cứu này tử vong do thai sản chiếm tỉ lệ không đáng kể. Điều này là do những năm gần đây cùng với những tăng trưởng về kinh tế công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ cũng đã có những cải thiện rõ rệt, mặt khác việc xác định nguyên nhân gây tử vong trong quá trình mang thai sinh đẻ bằng phương pháp VA còn gặp khó khăn, vì vậy cần có các nghiên cứu sâu thêm ở phụ nữ mang thai và sinh đẻ để đưa ra kết luận có tính tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về bệnh tật, những bệnh không lây nhiễm tăng lên trong khi tỉ lệ một số bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS và lao vẫn còn cao.

Một phần của tài liệu Mô hình nguyên nhân tử vong ở một số tỉnh tại việt nam năm 2008 (Trang 47 - 52)