Mục đích, yêu cầu về hợp đồng tín dụng tại chi nhánh

Một phần của tài liệu Đề tài: " Chế độ pháp lý và thực tiễn về việc ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng tại chi nhánh ngân hàng No& PTNT Láng Hạ. " pps (Trang 41 - 42)

II. THỰC TIỄN KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH LÁNG HẠ

1. Mục đích, yêu cầu về hợp đồng tín dụng tại chi nhánh

1.1. Mục đích

Sau khi báo cáo thẩm định tín dụng của cán bộ tín dụng được phê duyệt, cán bộ tín dụng tiến hành soạn thảo hợp đồng tín dụng sau khi đã tham khảo với cán bộ pháp chế và với các ngân hàng khác. Các điều khoản về cho vay hoặc cấp tín dụng được coi là hợp pháp khi được thể hiện bằng văn bản theo đúng pháp luật. Một hợp đồng tín dụng được soạn thảo kỹ càng, tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như các quy chế nội bộ của ngân hàng sẽ không những tạo thuận lợi cho quá trình cấp vốn, giải ngân mà còn là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng trước pháp luật.

Chỉ khi hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay được ký kết đầy đủ bởi người đại diện có thẩm quyền của ngân hàng và của bên vay; các điều khoản về bảo đảm, thế chấp cùng các điều kiện của các khoản vay được thực hiện thì các khoản rút vốn, sử dụng tiền vay mới được phép giải ngân.

1.2. Các yêu cầu

Hợp đồng tín dụng là một văn bản thoả thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng trong đó đặt ra các nghĩa vụ của mỗi bên, đặt ra các đảm bảo nhất định và thường quy định những kiểm soát và hạn chế nhất định đối với bên vay. Hợp đồng tín dụng là văn bản pháp lý thể hiện mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và người đi vay. Đó là cơ sở pháp lý quy định cụ thể các điều khoản và các điều kiện thực hiện việc cho vay, cấp tín dụng, quản lý khoản vay, thu hồi nợ và xử lý các khiếu kiện, tranh chấp. Vì vậy, hợp đồng tín dụng cần đảm bảo những yêu cầu sau:

- Văn phong rõ ràng, chặt chẽ và nội dung phán ảnh đầy đủ các điều khoản, điều kiện tín dụng, quyền nghĩa vụ của các bên, các cam kết chung giữa các bên.

- Tuân thủ tuyệt đối các quy định về tín dụng và quản lý hiện hành; kết cấu logic, thống nhất và đảm bảo tính thực thi.

- Các điều khoản, điều kiện của hợp đồng được soạn thảo và thực thi trên cơ sở thống nhất chung giữa ngân hàng và bên vay; chỉ có hiệu lực cam kết khi đã được ngân hàng và bên đi vay ký kết đầy đủ trong một thời hạn xác định.

- Cán bộ tín dụng phải kiểm tra cần thận mức độ chính xác các điều khoản trong hợp đồng tín dụng với các điều khoản của văn bản bổ sung, sửa đổi.

- Sau khi soạn thảo xong văn bản bổ sung, sửa đổi hợp đồng tín dụng, cán bộ tín dụng cần chuyển qua bộ phận pháp chế, quản lý rủi ro kiểm tra và phê duyệt trước khi chuyển cho khách hàng.

Một phần của tài liệu Đề tài: " Chế độ pháp lý và thực tiễn về việc ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng tại chi nhánh ngân hàng No& PTNT Láng Hạ. " pps (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(87 trang)
w