"Cách đây 6 năm, cháu bị sốt rét, được y tá tiêm thuốc vào mông. Sau đó chỗ này trở nên chắc và to dần, đến nay đã bằng quả trứng gà nhỏ, không đau, không vướng. Có người khuyên cháu đi mổ lấy ra, có người lại can. Xin cho cháu một lời khuyên".
Chắc lần đó cháu đã được tiêm thuốc quinine vào mông, nhưng thuốc không khuếch tán và hấp thu hết, phần còn lại được vỏ bọc bao quanh.
Có hai thái độ khác nhau:
- Nếu thấy nó "không việc gì" và không băn khoăn nhiều về nó thì cứ để yên, nhưng tránh đừng táy máy kích thích nó.
- Nếu cứ muốn "dứt điểm" thì đến một cơ sở ngoại khoa tốt xin khám chữa. Bác sĩ sẽ chọc thăm dò, nếu thấy có chất dịch thì sẽ hút hết ra (một lần hay vài ba lần), hoặc rạch dẫn lưu. Khi không còn chất dịch bên trong, cái bọc tự nó sẽ tiêu dần.
Một thái độ dung hòa là đến cơ sở y tế xin chữa bằng lý liệu pháp.
416. Đái dầm
"Năm nay cháu đã 16 tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị đái dầm. Cháu rất xấu hổ. Xin cho biết cách chữa". Từ nay, cứ sau 4 giờ chiều, cháu nên hạn chế uống nước và không ăn trái cây loại chua, sữa chua... Bữa tối không ăn canh, không ăn rau cải xanh, cải bắp (nhưng sáng sớm phải lo uống bù, không để cho cơ thể bị thiếu nước).
Xem lại giờ hay "bị", để dự phòng. Ví dụ: Nếu hay đái dầm vào 2 giờ sáng thì để đồng hồ báo thức lúc 1 giờ và trở dậy đi tiểu; hôm sau, để báo thức lúc 1 giờ 15, hôm sau nữa lúc 1 giờ 30. Cứ kiên nhẫn tăng từng 15 phút một, đừng sốt ruột, cuối cùng điểm thức dậy sẽ là vào lúc trời sáng và thế là cháu đã thắng lợi. Tiếp tục vài ba quy trình như trên.
Khi kết quả đã thật bền vững mới có thể tính chuyện thử tăng dần chút ít nước uống và trái cây, canh... trong bữa chiều.