"Trước đây tôi bị bướu cổ, đã được mổ (1 năm trước). Sau khi mổ, tôi nói rất khó nghe, giọng nhỏ, khàn, uống nước hay bị sặc; nội soi thấy dây thanh đới trái bị liệt, phễu sụp. Được một số cơ sở y tế cho chữa trị, luyện giọng, tôi đã đỡ mệt hơn khi nói nhưng giọng vẫn khàn và rất nhỏ, khó nghe. Là một cô giáo, tôi đã phải chuyển sang công tác thư viện".
Bạn bị tổn thương dây thanh đới trong phẫu thuật. Để tránh lỗi này, những phẫu thuật viên lo xa và thận trọng thường mổ gây tê tại chỗ, nhờ vậy, họ có thể hỏi han bệnh nhân để kiểm tra.
Trong phẫu thuật cắt bướu cổ, bệnh nhân còn có nguy cơ bị cắt nhầm tuyến cận giáp (nhỏ như hai hạt đỗ, nằm ngay sau tuyến giáp). Nếu tình huống này xảy ra, bệnh nhân sẽ thiếu canxi huyết vĩnh viễn, phải tiêm bổ sung định kỳ, nếu không thì co quắp hết tay chân.
Vì những nguy cơ đó mà phẫu thuật bướu cổ nhìn qua tưởng dễ nhưng sự thực lại rất tinh tế, đòi hỏi có đầy đủ kiến thức giải phẫu học và tay nghề vững vàng. Trước đây, những phẫu thuật viên còn non tuổi nghề không được làm phẫu thuật này.
Sở dĩ từ sau khi mổ, các bác sĩ vẫn tiếp tục chữa cho bạn là do họ hy vọng dây thanh đới của bạ chỉ bị đụng chạm hay chèn ép, có thể hồi phục phần nào. Bây giờ thì đã rõ: dây thanh đới trái đã bị cắt đứt.
Do vậy, hiện nay công tác thư viện là hợp với bạn nhất. Trong thư bạn ao ước được trở lại bục giảng, vậy chắc chắn nhiệt tình đó đối với học sinh sẽ được thể hiện trong những việc cụ thể hằng ngày bên các cuốn sách mà bạn cho các em mượn, kèm theo những lời khuyên bổ ích.
Với những tiến bộ của vi phẫu, phẫu thuật thần kinh và kỹ thuật nuôi cấy mô (tạo thêm được các loại tế bào mà bản thân bị thiếu, trong đó có tế bào thần kinh), bạn có thể hy vọng vào một ngày nào đó, chắc không xa lắm đâu, các nhà ngoại khoa giỏi giang của nước nhà có thể nối lại dây thanh đới cho bạn