IV. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG XANH TẠI VIỆT NAM
2. Thực trạng phát triển ngân hàng xan hở Việt Nam
2.1. Hoạt động cấp tín dụng xanh
Khoảng 1 năm trở lại đây, cụm từ "tín dụng xanh" mới trở nên quen thuộc hơn với giới tài chính ngân hàng. Khảo sát về áp dụng “tín dụng xanh” trong ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có 19 tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong số đó có 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động “tín dụng xanh”, 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho “tín dụng xanh”, 17 tổ chức tín dụng đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế. Các con số đầu tư tài chính trong ngành tài chính xanh của lĩnh vực ngân hàng cũng hết sức khả quan.
Cuối tháng 6/2019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,36% so với cuối năm 2018; trong đó tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,34% tổng dư nợ tín dụng
đối với nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2018. Trong đó dư nợ tín dụng trung - dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung - dài hạn từ 9- 12%/năm. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh với 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.
Những cái tên được gắn nhiều với tín dụng xanh có thể kể đến như VietinBank, Vietcombank, Agribank, HDBank, Nam A Bank, VPBank, Sacombank, …
a. Nhóm NHTM Nhà nước
a1. Agribank
Agribank đã triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...
Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội…
Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án
Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên… Mới đây, Agribank được chỉ định là Ngân hàng phục vụ dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR)
Đặc biệt, để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, bắt đầu từ tháng 11/2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”.
Kết quả, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch năm 2017 đạt 5.705 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 11.565 tỷ đồng với 3.877 khách hàng tại 24 chi nhánh. Đến 30/6/2018, dư nợ đạt 5.180 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 16.505 tỷ đồng tại 30 chi nhánh trên toàn quốc. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ lĩnh vực này tiếp tục ổn định và đạt 5.221 tỷ đồng, doanh số cho vay chương trình này đạt trên 20.000 tỷ đồng.
a2. Vietinbank
Ngân hàng đã chủ động bố trí các nguồn vốn để cấp tín dụng cho các dự án xanh. Cụ thể, tính đến hết quý III/2019, VietinBank đã ký kết trên 600 nghìn hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ là hơn 16 nghìn tỷ đồng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào tài trợ cho năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và quản lý nước sạch.
Vietinbank cho vay các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng theo Chương trình tín dụng môi trường EIB; Chương trình tín dụng GCPF; Chương trình cho vay dự án năng lượng tái tạo REDP.
a3. Vietcombank
Cuối tháng 6/2019, ngân hàng đã được 4 ngân hàng của Nhật hợp tác tài trợ một khoản tín dụng lên tới 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỷ đồng) thời hạn 14 năm để cho vay lĩnh vực năng lượng xanh. Khi các khoản vay này được triển khai, cùng với nền tảng sẵn có,
Vietcombank chắc chắn cũng sẽ là một thành viên quan trọng trong nhóm dẫn đầu mảng tín dụng xanh.
b. Nhóm NHTM Tư nhân
b1. Techcombank
Techcombank là một trong 2 ngân hàng thương mại có hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội sớm nhất. Techcombank sử dụng bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội của IFC.
Techcombank đã ký hợp đồng hợp tác tín dụng với IFC tài trợ các dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Theo đó, Techcombank và IFC sẽ tài trợ vốn cho các doanh nghiệp thay đổi trang thiết bị, nâng cấp công nghệ và hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, mở rộng sản xuất, cắt giảm chi phí, giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn được các chuyên gia kỹ thuật của IFC đưa ra đánh giá về hiệu quả sử dụng năng lượng, tư vấn cách thức cải tiến, thay thế máy móc dây chuyền để có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn và được tư vấn các đơn vị cung cấp thiết bị phù hợp. Ngoài ra, ngân hàng Techcombank cùng với ngân hàng ACB, VIB còn đóng vai trò hỗ trợ thẩm định tài chính và cung cấp tín dụng tại Quỹ Ủy thác tín dụng xanh do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thành lập. Mục đích hoạt động của quỹ là hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư công nghệ sạch của doanh nghiệp trong nước, đồng thời, khuyến khích các khách hàng phát triển các sản phẩm đầu tư mang lại lợi ích môi trường dành cho cộng đồng.
b2. Nam A Bank
Nam Á Bank là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình tín dụng xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Nam A Bank đã ký kết với Qũy Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai chương trình tín dụng xanh tại Việt Nam.
Trong đó, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng.
Cụ thể, Nam A Bank giải ngân bằng VND cho khách hàng cá nhân và khách hàng pháp nhân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm trong thời gian lên đến 24 tháng. Đây là mức lãi suất hấp dẫn và được điều chỉnh ưu đãi linh hoạt theo từng thời kỳ. Hoạt động này nằm trong dự án cộng đồng “Tôi chọn sống xanh” mà Nam Á Bank đã và đang triển khai trong năm 2019, với nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường.
b3. HDBank
Ngân hàng xanh là mục tiêu chiến lược HDBank hướng đến, trong đó tín dụng xanh là xu thế chung hiện nay. Theo đó, HDBank đang đi đầu trong việc triển khai tích cực chương trình tín dụng xanh, hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tín đến ngày 30/09/2019, HDBank đã dành khoảng 10.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án điện mặt trời thương mại và điện mặt trời áp mái tại Việt Nam với tổng quy mô dự án đạt 725 MWp.
Ngoài ra, HDBank còn dành riêng 10.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với mong muốn thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo bước phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, đồng thời góp phần kiến tạo một quốc gia khỏe mạnh hơn, hội nhập hơn.
tháng 9/2019, tại Singapore, HDBank là ngân hàng thành viên đầu tiên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận giải Tài trợ xanh cho những thành tích nổi bật trong tài trợ thương mại xanh khi tham gia Chương trình tài trợ thương mại của ADB.
tại HDbank, nếu như năm 2018, ngân hàng này chỉ tài trợ cho 22 dự án tiết kiệm năng lượng, đầu tư năng lượng tái tạo… với dư nợ hơn 1.800 tỷ, chiếm 1,62 tổng dư nợ thì đến cuối tháng 9/2019, con số này đã lên đến 82 dự án tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 7.900 tỷ đồng, chiếm hơn 6% tổng dư nợ.
Giữa tháng 1/2020, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ký kết hợp đồng cho vay tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín, bao gồm Quỹ đồng cho vay được quản lý bởi IFC, Ngân hàng Bocom Trung Quốc, Tổ chức tài chính phát triển Đức DEG, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Tổ chức tài chính quốc tế đa phương IIB, Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc và Ngân hàng Thai Kiatnakin Bank Public Company Limited. Đây là giao dịch vay hợp vốn xanh đầu tiên, mở ra cơ hội tiên phong trong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về cho vay xanh tại Việt Nam.
Theo đại diện VPBank, một phần ba gói tài chính này sẽ được dành riêng cho các dự án thân thiện với khí hậu. Điều này sẽ tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, nhất là doanh nghiệp có dự án phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng năng lượng hiệu quả, xây dựng các tòa nhà xanh, giao thông xanh, xử lý và quản lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Ngoài việc nhận được khoản tài trợ, VPBank cũng nhận được tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia IFC trong việc xây dựng khung chính sách về tín dụng xanh và công cụ tài chính bền vững, thiết lập hệ thống theo dõi, quản lý và báo cáo về tình trạng sử dụng vốn cho các dự án xanh và sẽ được chứng nhận bởi một tổ chức quốc tế uy tín.
Việc hỗ trợ của IFC sẽ giúp VPBank trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng một bộ tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về tín dụng xanh, gửi tín hiệu tích cực đến thị trường cũng như cho các nhà đầu tư quốc tế.
Đánh giá về xu hướng chung của hoạt động tín dụng thời gian tới, giới chuyên gia đều có chung nhận định rằng tín dụng xanh sẽ chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong cơ cấu tín dụng của mỗi nhà băng. Đó không chỉ là hành động thiết thực, trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường, mà những khoản vay này còn có độ an toàn hơn so với nhiều lĩnh vực khác, qua đó giúp ngân hàng tiếp tục gia tăng hiệu quả hoạt động song hành với kiểm soát chặt chẽ rủi ro theo đúng chủ trương của cơ quan quản lý.