Jonathan Swift đã vận dụng triệt để tất cả sự giàu có của ngôn từ, đem hết chất sâu cay và thâm thúy của từ ngữ để châm biếm những khối u nhọt xấu xí khuất lấp dưới vẻ ngoài hào nhoáng của một đế quốc rộng lớn. Huỳnh Như Phương trong cuốn
Tác phẩm văn học và thể loại văn học, khi bàn về ngôn ngữ và giọng điệu trong tác
phẩm văn học đã đưa ra nhận định:
“Giọng điệu là khái niệm gắn liền với vấn đề phong cách trong văn học. Giọng
điệu, bao gồm cách diễn đạt, từ ngữ, cú pháp, âm thanh, tốc độ, nhịp điệu, sự nhấn giọng…, biểu hiện một thái độ nhất định của người phát ngôn văn học đối với những nội dung được phát ngôn nhằm gửi tới người đọc, người nghe” (Huỳnh Như Phương,
2017, trang 91).
Ngôn ngữ và giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng để truyền đi thông điệp của nhà văn đến bạn đọc, nó được cấu thành từ nhiều thành tố khác nhau trong tác phẩm. Khám phá ngôn ngữ kể và giọng điệu là một trong những ngưỡng cửa đầu tiên trong công cuộc khai phá tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của nhà văn.
Trong Gulliver du ký, ngôn ngữ kể và giọng điệu của Swift được biến đổi linh hoạt tùy vào vấn đề mà tác giả đang muốn nhắc tới và không gian nghệ thuật mà nhà văn muốn xây dựng. Có lúc ngôn ngữ của tác giả mang màu sắc phi thường, huyễn hoặc khi khắc họa những xứ sở lạ thường, nghịch dị. Nhưng cũng có lúc, ngôn ngữ kể của tác giả trở nên thực tế, lạnh lùng như một thứ vũ khí, nó thẳng tay “giải phẫu” những thói hư tật xấu và bóc trần bộ mặt giả dối của xã hội Anh Quốc lúc bấy giờ.
Khi đặt chân đến xứ sở người khổng lồ, Gulliver đã không ngại ca tụng về đất nước mình, nào là về thương mại, về những cuộc chiến tranh trên đất liền lẫn trên biển, về những tôn giáo lẫn những đảng phái chính trị. Sau bài diễn văn ngợi ca, khoa trương về “đất nước vinh quang” của Gulliver, đức vua Brobdingnag lại cho rằng: “[…]
những trang lịch sử đó chỉ là một loạt những vụ âm mưu, nổi loạn, giết người, tàn sát, khởi nghĩa, trục xuất, nó là kết quả tệ hại của lòng tham, của óc bè phái, đạo đức giả, lừa lọc, tàn ác, điên rồ, thù hằn, thèm khát, xa hoa thiếu thật thà và tham vọng sinh ra.” (J. Swift, 2016, trang 138). Người phát ngôn của những tư tưởng châm biếm giờ
đây là đức vua xứ Brobdingnag, ông đã không ngần ngại nhận xét một cách thẳng thắn về những gì mình nhìn nhận được về một xứ sở lạ lẫm, qua lời kể của người bạn tí hon kia. Giọng điệu trào phúng ở đoạn này vô cùng thâm thúy, nhẹ nhàng mà đanh thép, như một gáo nước lạnh, như một cú tát trời giáng và như một chiếc gương soi, giúp Gulliver và cả người đọc thêm tỉnh táo để tự nhìn nhận lại về dân tộc Anh Quốc của mình.
Qua mỗi xứ sở, mức độ châm biếm của Jonathan Swift lại càng thêm phần sắc sảo, đặc biệt là khi đến xứ sở Ngựa người, sự trào phúng dường như được dồn lên đến đỉnh điểm. Mọi vấn đề trong cuộc sống, từ chính trị, luật pháp, y học đến nhân cách con người đều bị tác giả mỉa mai bằng một giọng điệu cực kỳ thâm thúy.
Khi mới đến xứ sở Ngựa người, lúc còn chưa muốn chối bỏ loài người, Gulliver còn huênh hoang khoe khoang về đất nước của mình trước mặt Ngựa người chủ nhân.
Bản chất quân phiệt, hiếu chiến, thích bành trướng của đế quốc Anh được Gulliver thể hiện một cách không ngần ngại với Ngựa người chủ nhân. Dưới lời kể của anh ta, chiến tranh gây ra cảnh tang thương, chết chóc được kể dưới một giọng điệu tự hào. Quả thật không phải tự dưng mà người đời có câu nói: "Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh", bất kỳ điều gì cũng có thể trở thành một sự khơi mào cho chiến tranh, dẫu đôi bên quan hệ huyết thống hay liên kết hôn nhân cũng không ngăn cản được những cuộc chiến xảy ra. (J. Swift, 2016, trang 287)
Nếu những cuộc chiến tranh ở nước Lilliput xảy ra từ những nguyên nhân vớ vẩn như đập trứng đầu to hay đầu nhỏ, mang giày gót thấp hay gót cao, thì ở xứ sở của Gulliver, để khơi mào một cuộc chiến, người ta trơ trẽn đến mức chẳng cần một lý do chính đáng mà thản nhiên khoác lên mình chiến tranh một cái vỏ bọc thật "nhân văn" làm sao: khai hóa văn minh. Đất nước của Gulliver và Lilliput dường như đang tranh nhau xem phe nào ti tiện và hiếu chiến hơn. Đó chính là giọng điệu tưởng chừng ngợi ca mà vạch trần, tưởng chừng tự hào mà lại là lên án của tác giả.
Luật pháp ở xứ Gulliver cũng tỏ ra không kém cạnh về độ phi lý, mục ruỗng so với các ngành nghề khác. Thế nên Gulliver vội vã tiếp lời:
Thật chẳng khôn ngoan chút nào nếu cũng với các đạo luật và quan tòa
ấy cần phải ba mươi hoặc bốn mươi năm để làm sáng tỏ cánh đồng mà tổ tiên của tôi đã khai phá sử dụng suốt sáu thế hệ có thuộc quyền sở hữu của tôi hay không, hay thuộc quyền sở hữu của một chủ đất xa lạ sống cách tôi ba trăm dặm. (J. Swift, 2016, trang 292)
Thì ra ở vương quốc của Gulliver, người ta cần phải dùng một thời gian dài gần bằng cả đời người chỉ để chứng minh sự đúng đắn của một điều là hiển nhiên (cánh đồng mà tổ tiên của tôi đã khai phá sử dụng suốt sáu thế hệ) thay vì một điều phi lý (thuộc quyền sở hữu của một chủ đất xa lạ sống cách tôi ba trăm dặm). Một mảnh đất được tổ tiên của anh ta khai phá và canh tác từ sáu thế hệ nay thì hiển nhiên phải thuộc
về anh ta, nhưng đằng này, luật pháp phải mất từ “ba mươi đến bốn mươi năm” để làm sáng tỏ điều đó. Jonathan Swift đã dùng một ví dụ nghịch dị đến độ hài hước để cho thấy được sự thối nát, nhàu nhĩ, mục ruỗng của nền luật pháp Anh Quốc - nền luật pháp giỏi biến sai thành đúng, nơi mà những điều luật được viết nên từ tiền.
Gulliver cũng hồn nhiên kể cho Ngựa người nghe về nền chính trị của nước mình. Thủ tướng của một quốc gia đáng ra phải là một người minh triết, thông tuệ, đằng này lại được Gulliver trình bày những “phương pháp để trở thành thủ tướng” (J. Swift, 2016, trang. 299) giống như cách nấu một món ăn hay làm một bài toán. Cách để trở thành thủ tướng là: “Thông thường là sự vu khống một cách nghệ thuật, sự cáo
giác khéo léo và sự phản bội” (J. Swift, 2016, trang 299). Những tính cách xấu, không
nên có dù ở một người bình thường chứ đừng nói đến một người cầm trịch sứ mệnh đất nước, thế nhưng lại được Gulliver nói ra một cách thẳng thừng, không ngần ngại hay che giấu.
Những lời “tự thú” tương tự như trên được tác giả xây dựng với một giọng điệu hồn nhiên, như thể Gulliver đang nói một chân lý khách quan, một điều gì đó cao cả lắm ở quốc gia mình. Chính giọng điệu hồn nhiên, thái độ mô tả lại những điều cực kỳ vô lý ở quốc gia mình với một giọng kể cực kỳ nghiêm túc của Gulliver đã là một đặc sắc nghệ thuật trên phương diện giọng điệu. Càng nói với một thái độ hồn nhiên thì tính châm biếm càng sắc sảo. Điều đó hé lộ rằng sự mục ruỗng, những nốt u nhọt đã tồn tại lâu đời trong xã hội Anh đến nỗi ai cũng mặc định rằng đó là một điều hiển nhiên. Càng mô tả với một thái độ nghiêm túc, tính hài hước càng được khắc sâu. Vì Gulliver trở thành một kẻ "vạch áo cho người xem lưng" mà chính anh ta cũng không hề hay biết. Từ mong muốn ban đầu là ca tụng, vinh danh đất nước của mình, Gulliver lạc vào con đường bôi tro trát trấu vào bộ mặt Anh Quốc tự lúc nào không hay.
Ngược lại, đến xứ sở Laputa, một số điều đúng đắn, tiến bộ lại được Gulliver nhìn bằng con mắt phê phán, nghi hoặc. Khi được chứng kiến những người thông
minh, đức hạnh, có năng lực, trong những nhà lập dự án chính trị, Gulliver cho rằng: "các giáo sư trong trường này theo cách nhìn nhận của tôi là những người hoàn toàn
bị mất trí" (J. Swift, 2016, trang 208). Lạ đời thay, việc tuyển chọn những người thông
minh, tài giỏi, có cống hiến xuất sắc, quan tâm đến lợi ích chung lại bị cho là mất trí. Giữa muôn vàn giả dối và thối nát, cái tốt bị xem như một điều đáng bị lên án. Ta có thể thấy được giọng điệu châm biếm của Jonathan Swift trong tác phẩm không đơn giản mà được vận động linh hoạt, đa điểm nhìn. Có lúc nhà văn trực tiếp phê phán cái xấu nhưng cũng có lúc vờ như đang phê phán cái tốt nhưng thật ra là để để vạch mặt cái xấu và thêm tôn vinh cái tốt lên. Ngôn ngữ và giọng điệu trong ví dụ vừa nói trên không chỉ mang sức trào lộng sâu sắc mà nó còn như một sự ngầm tiên báo của Jonathan Swift rằng: Khi con người sống quá lâu trong cái mục ruỗng, thối nát, nếu không đủ sức chống lại thì sẽ bị chúng đồng hóa, đến khi đó thì chẳng còn đủ lý trí phân định nổi phải trái đúng sai.
Thông qua việc xây dựng ngôn ngữ và giọng điệu của nhân vật, tác giả đã nhiều lần bộc thể hiện thái độ phê phán, chỉ trích. Ngòi bút của tác giả trong Gulliver du ký
đã vận dụng hết sự sắc sảo, thâm thúy của ngôn từ để vạch trần bản chất xấu xa của con người cũng như xã hội nước Anh lúc bấy giờ. Có lúc, sự châm biếm được thể hiện một cách gián tiếp từ điểm nhìn của Gulliver về những quốc gia lạ kỳ mà anh du hành qua như Lilliput, đất nước Đảo Bay; nhưng cũng có lúc, ngòi bút của tác giả không ngần ngại gì mà đã để nhân vật trực tiếp vạch trần bộ mặt của xã hội Anh Quốc như khi anh ta ở xứ sở Huin.