Bút pháp đối lập

Một phần của tài liệu BÚT PHÁP CHÂM BIẾM CỦA JONATHAN SWIFT QUA TRUYỆN NHỮNG CHUYẾN DU LỊCH CỦA GULLIVER (GULLIVER’S TRAVELS) (Trang 40 - 43)

Khi nói đến sự thành công trong nghệ thuật châm biếm, trào phúng của tác phẩm Gulliver du ký, người ta không thể nào không nhắc đến bút pháp đối lập. Bởi vốn dĩ đối lập là một thủ pháp quen thuộc trong hầu hết mọi tác phẩm có tính châm biếm, trào phúng. Miêu tả đối lập để thấy rõ sự bất nhất giữa bên trong với bên ngoài, giữa hình thức với nội dung, giữa lời nói và hành động, giữa ước muốn và thực tại. Sự bất nhất thậm chí là mâu thuẫn ấy tạo ra tiếng cười hài hước, và phía sau đó nữa là một sự châm biếm sâu sắc.

Trước tiên không thể không bàn về tâm thế của nhân vật Gulliver, khi đứng trước những người của xứ sở Lilliput thì cao ngạo, oai hùng. Nhưng khi y lạc vào thế giới của người khổng lồ thì lại trở thành trò hề, thành một món tiêu khiển của những người khổng lồ. Sự đối lập này khiến chúng ta ít nhiều liên tưởng đến thái độ của những kẻ cầm quyền trong bộ máy chính trị, thích thị uy với kẻ yếu nhưng lại dễ dàng luồn cúi trước những người có uy quyền hơn.

Sự đối lập tiếp theo đến từ những con người tí hon của xứ sở Lilliput. Lilliput nhỏ bé về cả kích thước lẫn những suy nghĩ thiển cận trong đầu nhưng lại mang tham

vọng rất lớn: bá chủ thế giới, mà trước tiên là âm mưu bành trướng lãnh thổ và thôn tính đất nước láng giềng Blefuscu. Hai quốc gia tí hon Lilliput - Blefuscu không thể dung hòa và bảo bọc nhau chỉ vì một mâu thuẫn cỏn con là đập trứng đầu to hay đầu nhỏ. Đây không còn là sự nhỏ nhen hay ti tiện, đây là tham vọng bá chủ, muốn thống trị tất cả. Hình tượng Lilliput với tham vọng bành trước cũng chính là hình ảnh của Anh Quốc thu nhỏ với những tính cách xấu xa: tham vọng, ngang ngược, hung hăng, hiếu chiến. Sự mỉa mai, châm biếm mà tác giả gợi ra cho người đọc được thể hiện ở chỗ một đất nước xa lạ chẳng có gì là giống với thế giới mà Gulliver từng sống, duy chỉ có giống một điều chính là âm mưu bành trướng, xâm lược, thôn tính. Điều nực cười này khiến người đọc tự đặt ra một câu hỏi: Phải chăng bành trướng, gây chiến là đặc tính cố hữu của mọi cường quốc trên cõi đời này?

Con ngựa vốn là vật cưỡi, vật cho sức kéo quen thuộc ở mọi đất nước và con người hiển nhiên là sinh vật thống trị chúng. Thế nhưng khi Gulliver đến với xứ Huin, cả Gulliver lẫn người đọc đều được chứng kiến một sự hoán đổi thú vị. Những con ngựa bỗng trở thành những chủ nhân đức hạnh, còn con người, hay nói đúng hơn là sinh vật gần giống con người trong thế giới này lại là nô bộc, trở thành vật nuôi trong nhà những chủ nhân Ngựa người.

Bàn về phẩm chất, những con ngựa ở xứ Huin là thú nhưng lại mang những phẩm chất của một con người: khôn ngoan, lịch thiệp, minh triết, đạo đức. Còn loài sinh vật mang tên Yahoo tuy mang dáng dấp của con người nhưng bản chất lại phi nhân tính: xấu xa, tham lam, đố kị, man rợ, ti tiện,... Sự đối lập này khiến người đọc hẳn phải tự đặt câu hỏi cho mình: Đâu mới là người, đâu mới là thú? Phải chăng đạo đức và nhân phẩm của con người một ngày nào đó sẽ tuột dốc không phanh đến ngang hàng thú vật?

Giống như những lần trước, mỗi khi đã học được ngôn ngữ của xứ sở mà mình đến, Gulliver lại bắt đầu ca tụng đất nước Anh Quốc của mình bằng tất cả niềm kiêu

hãnh, sự tự hào. Và lần đến xứ Ngựa người này cũng không phải là ngoại lệ. Gulliver tin rằng mình có thể đem sự văn minh của Anh Quốc để khai hóa và chinh phục xứ Huin. Nhưng kết quả thì sao? Dường như những Ngựa người thiện lành và cao nhã không có chút ý niệm nào về cái ác đã thuần hóa ngược lại Gulliver. Đúng, một con ngựa đã thuần hóa một con người bằng xương bằng thịt. Đến nỗi khi bị cộng đồng Ngựa người quyết định tống khứ anh ta khỏi xứ Huin, Gulliver “tuyệt vọng hoàn toàn” và “ngã lăn bất tỉnh nhân sự” (J. Swift, 2016, trang 326). Thậm chí trước khi đi Gulliver còn định cúi xuống hôn móng chân của Ngựa người chủ nhân để tỏ lòng biết ơn, thế nhưng anh ta lại cảm thấy may mắn khôn cùng khi Ngựa người nâng nó lên ngang môi anh ta. Gulliver cư xử như thể mình là một Yahoo chính hiệu. Khung cảnh này tạo ra một sự đối lập vừa hài hước vừa đáng suy ngẫm, nhìn cảnh tượng này, chẳng biết có ai còn nhớ anh ta từng là một con người, từng huênh hoang tự hào về đất nước của mình hay không? Gulliver từ một kẻ chinh phục xứ Huin nhưng cuối cùng, những Ngựa người xứ Huin đã chinh phục ngược lại anh ta.

Khi mới đặt chân đến xứ sở Ngựa người, Gulliver từng cảm thấy bị sỉ nhục khi bị so sánh với Yahoo, thế nhưng càng bị Ngựa người “thuần hóa”, chẳng biết từ lúc nào anh ta tự đồng nhất mình với đám Yahoo kia, tự xưng là “Yahoo” chúng tôi và có đôi lần buột miệng gọi Ngựa người là “chủ nhân”. Thậm chí anh ta còn quay sang ghét bỏ, kinh hãi loài người. Gulliver cảm thấy “thà nộp mình cho các thổ dân man rợ còn hơn

là sống giữa các Yahoo châu Âu” (J. Swift, 2016, trang 333)

Có thể thấy được rằng, bút pháp đối lập được sử dụng bao trùm cả tác phẩm

Gulliver du ký nhưng trong chương cuối cùng, sự đối lập này trở nên gay gắt, cao trào

hơn hẳn so với những cuộc phiêu lưu trước đó. Đối lập giữa ngựa và người, giữa bản chất của những Ngựa người và Yahoo - hình tượng đại diện cho con người ở xứ Huin, đối lập giữa tâm thế của Gulliver khi mới đến xứ Ngựa người và sau một thời gian dài bị “thuần hóa”. Sự đối lập đó như một biểu trưng nghệ thuật mà người đọc chỉ cần tìm

ra thì giống như đã tìm được chiếc chìa khóa, mở ra thông điệp về sự châm biếm, mỉa mai cũng như cảnh tỉnh trước sự xuống dốc của đạo đức con người mà nhà văn đã cài cắm trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu BÚT PHÁP CHÂM BIẾM CỦA JONATHAN SWIFT QUA TRUYỆN NHỮNG CHUYẾN DU LỊCH CỦA GULLIVER (GULLIVER’S TRAVELS) (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w