Những hình tượng châm biếm

Một phần của tài liệu BÚT PHÁP CHÂM BIẾM CỦA JONATHAN SWIFT QUA TRUYỆN NHỮNG CHUYẾN DU LỊCH CỦA GULLIVER (GULLIVER’S TRAVELS) (Trang 36 - 40)

Văn học tái tạo cuộc sống thực thông qua những hình tượng, hình tượng trong văn bản văn học càng giàu sức chứa, giàu sức đại diện bao nhiêu thì tác phẩm văn học càng gần gũi với cuộc sống và dễ chạm đến trái tim người đọc bấy nhiêu. Vì vậy, khám

phá tác phẩm luôn đi đôi với việc khám phá thế giới hình tượng rộng lớn mà nhà văn đã cất công gầy dựng nên.

Thế giới hình tượng của một văn bản có thể được thể hiện trên vô số bình diện khác nhau, thế nhưng đối với trường hợp tác phẩm Gulliver du ký, hai bình diện của thế giới hình tượng cần quan tâm và bàn luận nhất là hình tượng không gian và hình tượng

con người.

Về hình tượng không gian, tác phẩm Gulliver du ký kể về cuộc hành trình phiêu lưu của Gulliver đến những xứ sở lạ kỳ, nên hiển nhiên bình diện hình tượng không gian phải là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Mỗi không gian hay nói cách khác là mỗi

xứ sở mà Gulliver đi qua đều là sự xây dựng có chủ đích của nhà văn, và là sự ẩn dụ cho một nhóm người hay một cái xấu nào đó mà nhà văn muốn châm biếm. Những không gian mà Gulliver đi qua trong tác phẩm được tác giả miêu tả một cách kỳ công, đó không chỉ như một không gian tượng trưng mà còn là một tín hiệu nghệ thuật. Hình tượng không gian ấy kết hợp với nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ và rất nhiều thành tố khác, trở thành cầu nối để tác phẩm có thể phát ngôn lên tư tưởng, thái độ của nhà văn.

Bàn về hình tượng không gian trong tác phẩm nghệ thuật, Huỳnh Như Phương cho rằng hình tượng không gian là đôi lúc không phải là sự miêu tả không gian đơn thuần ngoài thực tại, đó có thể là một ký hiệu nghệ thuật để thể hiện tâm trạng hay để đánh giá nhân vật đó về mặt đạo đức, thẩm mỹ (Huỳnh Như Phương, 2017, trang 37). Đồng thời hình tượng không gian luôn là tín hiệu hé lộ tâm lý, tình cảm, ước mơ, khát vọng của những con người sống bên trong không gian đó.

Jonathan Swift đã tận dụng những không gian mà Gulliver đi qua để tạo nên tiếng cười về những con người nơi vương quốc đó, nhưng thật ra là châm biếm nền chính trị - xã hội nước Anh mục ruỗng thời bấy giờ. Cuộc phiêu lưu dài mười sáu năm bảy tháng của Gulliver được đánh dấu mốc mở đầu bằng lần lạc chân vào xứ sở tí hon. Sau một chuyến đắm tàu, chàng bác sĩ kiêm thủy thủ lạc vào xứ sở tí hon Lilliput. Thế

giới Lilliput được miêu tả khá chật chội, nhỏ bé với người khổng lồ với “người bé xíu cao độ 6 inch”, vương quốc tựa “một khu vườn, đồng ruộng mỗi bề bốn mười foot, có rào bao vây, trông như những đuống hoa” (J. Swift, 2016, trang 98). Sự nhỏ bé về kích

thước vật lý của vương quốc lẫn con người xứ Lilliput như một báo hiệu cho người đọc về sự hạn hẹp trong tư duy, sự ti tiện trong tâm hồn. Quả thật vậy, có lẽ vì là người khổng lồ, được chiêm ngưỡng mọi thứ từ trên cao, Gulliver nhìn thấy rất rõ những điều xấu xa và phi lý của con người Lilliput. Đầu óc họ hạn hẹp đến mức luôn tự cho rằng trên đời chỉ có hai quốc gia hùng mạnh đó là Lilliput của họ và Blefuscu. Cái nhìn thiển cận, như con ếch ngồi trong đáy giếng nhỏ chẳng biết điều gì về thế giới bên ngoài, xem thế giới chỉ rộng bằng chiếc vung trên đầu của họ khiến chúng ta liên tưởng đến xã hội Anh và giới cầm quyền với những ảo tưởng về đế chế hùng mạnh của mình.

Từ biệt xứ sở người tí hon Lilliput, Gulliver tiếp tục cuộc hành trình và lạc vào xứ sở Brobdingnag. Trái ngược với xứ sở tí hon, nơi đây toàn những con người khổng lồ. Ở đây ai cũng cao lớn như gác chuông nhà thờ, mọi động vật và cây cối đều có kích thước khổng lồ. Hình tượng to lớn, khổng lồ luôn gợi cho chúng ta sự rộng mở, khai phóng, tiến bộ. Và đúng thật vậy, ở xứ sở khổng lồ Brobdingnag, Gulliver gặp được những con người nhân hậu. Gulliver khi hầu chuyện đức vua và hoàng hậu thì không tiếc lời ca tụng đất nước mình. Nhưng Gulliver giờ đây trong mắt những người khổng lồ giống y hệt những người xứ Lilliput trong mắt anh. Gulliver dễ dàng thấy được những khía cạnh xấu xa, phi lý, ti tiện của người tí hon thì những người Brobdingnag cũng dễ dàng nhận ra những điều tàn ác, điên rồ, thù hằn ở đất nước của anh. Xứ sở người khổng lồ là một biểu tượng của sự minh triết, dễ dàng nhìn ra những điều xấu xí của đất nước mà Gulliver đang ca tụng bằng những ngôn từ mĩ miều. Xứ sở người khổng lồ Brobdingnag là một sự xây dựng hình tượng không gian có chủ ý của tác giả để ẩn dụ cho một cái nhìn thấu suốt và anh minh, cười vào cái xấu xí, bỉ ổi của nền chính trị - xã hội Anh Quốc.

Phiêu lưu qua những xứ sở khác nhau, Gulliver luôn gặp được nhiều người bạn mới với nhiều cá tính, phẩm chất khác nhau. Mỗi con người cũng là sự hé lộ về xứ sở mà Gulliver đang đặt chân đến, thế nên bình diện hình tượng con người cũng là một yếu tố không thể không nhắc tới khi nhắc đến nghệ thuật châm biếm của tác phẩm.

Đến với xứ đảo bay Laputa, Gulliver được gặp những nhà sử học, nhà triết học, nhà khoa học chẳng khác gì những kẻ khờ dại, mất trí. Ngay từ lời giới thiệu về hòn đảo bay lơ lửng đã là báo hiệu cho một xứ sở với những con người mơ mộng hão huyền, đầu óc phi thực tế. Con người ở đây có sự say mê với những vấn đề vĩ mô, trừu tượng không thể nào xây dựng nhà cửa một cách thẳng thớm. Ở xứ sở này con người luôn luôn bất an, hốt hoảng, chẳng bao giờ có được một tâm hồn thư thái. Swift đã xây dựng hình tượng con người mơ mộng hão huyền, phi thực tế. Những con người ở xứ sở này trở thành một biểu tượng nghệ thuật, ẩn dụ để mỉa mai thứ khoa học giả hiệu, xa rời cuộc sống ở nước Anh vào thế kỉ XVIII.

Hay khi đến xứ Huin, nghe Ngựa người kể về những sinh vật mang hình dạng giống con người chính là những con Yahoo. Những con Yahoo ở xứ Huin là những đầy tớ cho những con ngựa đức hạnh, loài sinh vật giống con người này hội tụ đủ tất cả sự tội lỗi và xấu xa của con người: độc ác, tham lam, đố kị, hèn hạ, phi nhân tính,... Tuy ở xứ sở Huin, những con Yahoo không được xem là con người, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nhận việc tác giả khắc họa những con Yahoo man dại cũng không nằm ngoài ngoài ý đồ xây dựng hình tượng con người. Hình tượng những con Yahoo trong tác phẩm được xem như một ẩn dụ cho giai cấp tư sản Anh thế kỉ XVIII, đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh báo cho sự xuống cấp của đạo đức con người. Sức châm biếm dần lộ rõ ra khi người đọc càng đuổi theo những con chữ trên trang giấy thì càng thấy sự tương đồng của những con Yahoo với đồng loại của mình - con người. Như thể nhìn vào một tấm gương soi, chúng ta thấy được từ sinh vật Yahoo những tội lỗi và tật xấu của loài người, đây không chỉ là phê bình, châm biếm hay trào phúng, mà hình

tượng con người trong thế giới Ngựa người còn biểu hiện cho một tinh thần phản tư vô cùng sâu sắc.

Như vậy, thông qua nghệ thuật xây dựng những hình tượng, cụ thể là hình tượng không gian và hình tượng con người, Jonathan Swift đã khéo léo đan cài yếu tố châm biếm, hài hước mà không làm mất đi chức năng vốn có của những không gian, con người trong tác phẩm. Để tên tuổi được tôn vinh như một nhà văn châm biếm, đả kích xuất sắc của thời đại, không thể nào phủ nhận công lao của tác giả trong nghệ thuật xây dựng hình tượng không gian lẫn hình tượng nhân vật, bút pháp này không chỉ có trong

Gulliver du ký mà còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của Jonathan Swift.

Một phần của tài liệu BÚT PHÁP CHÂM BIẾM CỦA JONATHAN SWIFT QUA TRUYỆN NHỮNG CHUYẾN DU LỊCH CỦA GULLIVER (GULLIVER’S TRAVELS) (Trang 36 - 40)