của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND
Quyết định và giám sát là hai chức năng cơ bản theo Luật định của HĐND các cấp. Để làm tốt chức năng quyết định, công tác thẩm tra phải được thực hiện tốt. Chủ thể thực hiện công tác thẩm tra là Thường trực, các Ban của HĐND trước khi tiến hành kỳ họp HĐND nhằm cung cấp thông tin để HĐND thảo luận và quyết định. Do vậy, làm tốt công tác thẩm tra sẽ giúp kỳ họp có chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND với Ủy ban Nhân dân và các cơ quan chuyên môn của UBND trong quá trình chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình trình HĐND đóng vai trò rất quan trọng; sự vào cuộc sớm của Thường trực, các Ban HĐND ngay từ đầu và trong suốt quá trình chuẩn bị tài liệu trình của các cơ quan chuyên môn và UBND góp phần nâng cao chất lượng văn bản và càng khẳng định vị trí, vai trò của HĐND hơn nữa.
Kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 ra đời đã khắc phục cơ bản những bất cập cập về thể chế trong lĩnh vực giám sát. Nội dung Luật không chỉ có tính hệ thống hóa mà còn quy định nhiều vấn đề mới, cụ thể.
Trong đó, đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc, làm rõ tính chất về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là giám sát của HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Đồng thời, bổ sung quy định về: chủ thể chịu sự giám sát; trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát; thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị giám sát đối với từng hoạt động giám sát; trình tự, thủ tục giám sát và đặc biệt làm rõ khái niệm “giám sát” quy định theo hướng không chỉ là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát” mà còn bao gồm cả việc “xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”. Những quy định mới này mang tính truy cứu đến cùng trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát của HĐND các cấp.
Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung về hình thức giám sát và quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành giám sát như: giám sát chuyên đề; báo cáo, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm; xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND; giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Bổ sung quy định trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát. Những quy định mới này mang tính truy cứu đến cùng trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát của HĐND các cấp nói chung và của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND nói riêng.
Để thực hiện tốt chức năng giám sát, công tác phối hợp giữa các chủ thể giám sát phải được thực hiện tốt. Chủ thể giám sát bao gồm HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND. Việc phối hợp tốt giữa các chủ thể giám sát giúp cho hoạt động giám sát của HĐND phát huy hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, việc kết hợp tốt giữa các hình thức và phương thức giám sát, giữa giám sát với khảo sát… giúp cho hoạt động giám sát của HĐND vừa bao quát, vừa chuyên sâu, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát. Những vấn đề quan trọng được phát hiện qua hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp nếu được đưa ra thảo luận, chất vấn, cần thiết thì ra nghị quyết tại kỳ họp làm cho kỳ họp sát thực tiễn hơn, hoạt động của HĐND hiệu quả hơn.
Ngoài ra, vai trò của các chủ thể giám sát trong việc thực hiện giám sát đến cùng bằng cách theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát và tái giám sát những vấn đề chậm chuyển biến, hạn chế tình trạng thường gặp hiện nay là "mới dừng lại ở việc ra kết luận giám sát mà chưa chú ý nhiều đến việc theo dõi các kết luận giám sát đó được thực hiện như thế nào”.
Đi sâu vào một trong những chức năng quan trọng của HĐND, Thường trực HĐND là quyền quyết định và giám sát về lĩnh vực tài chính – ngân sách địa phương. Với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch KT-XH ở địa phương và quyết định về ngân sách địa phương. HĐND, Thường trực HĐND là cơ quan vạch ra chiến lược phát triển, điều hòa và xoay sở giữa nguồn lực đang có và các kế hoạch phát triển cho phù hợp với nội lực lẫn nhu cầu.
Nếu nguồn lực của nhà nước không đủ đáp ứng thì chính quyền địa phương phải tìm kiếm các phương án, giải pháp để bổ sung nguồn lực cho sự phát triển. Nhóm doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận cần được “mời tham gia” để cung cấp các dịch vụ vốn đang do nhà nước đảm nhiệm. Qua đó, giảm bớt gánh nặng ngân sách. Xu hướng này không làm giảm đi vai trò của chính quyền địa phương mà thay đổi một phần nào vai trò, từ vị thế nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp sang vai trò “kiến thiết”.
Trong điều kiện nguồn lực đang khó khăn, việc giám sát chỉ tiêu ngân sách khắc khe là cần thiết và rất quan trọng. Cụ thể, việc nâng mức “khoán” ngay khi giao chỉ tiêu có thể mang lại cho ngân sách địa phương nhiều hơn. Ví dụ, ở một địa phương, liên quan đến việc chuyển nhượng quyền thu phí giao thông trên một xa lộ, UBND đã khoán 1.000 tỷ trên 10 năm, với mức tăng lưu lượng hàng năm là 3%, nhưng HĐND đã hoãn ra quyết định, tổ chức giám sát để làm rõ thêm. Nhờ đó, HĐND đã đưa ra một con số thuyết phục: lưu lượng thực phải đạt đến 7%/năm, và ngân sách đã được lợi hơn trước nhiều.