II. TỔNG QUAN VỀ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI VIỆT
1. Khái niệm, đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam
3.1.2. Xu hướng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian
Trước những khó khăn trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cách để vượt qua. Một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất chính là “tổ chức lại” doanh nghiệp. Đây là hướng phát triển tất yếu để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh tế có nhiều bất lợi và nâng cao năng lực của chính doanh nghiệp sau khi tổ chức lại.
Tổ chức lại doanh nghiệp được hiểu là việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức công ty, các nguồn lực, cơ chế điều hành quản lý, …để đưa công ty tới một tình trạng tốt hơn, Việc tổ chức lại doanh nghiệp có thể diễn ra trong toàn bộ doanh nghiệp hoặc chỉ một bộ phận trong doanh nghiệp.
Mua lại và sáp nhập (M&A: Merge and Acquisition) được xem như là một giải pháp tổ chức lại các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của nên kinh tế. Thực chất của hoạt động M&A là việc một doanh nghiệp giành quyền kiểm soát một doanh nghiệp khác thông qua việc sở hữu toàn bộ hay một phần doanh nghiệp, hoặc một hay nhiều doanh nghiệp sáp nhập lại với nhau
nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Tại Việt Nam, hoạt động M&A vừa mới xuất hiện trong mấy năm gần đây nhưng đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng cũng như giá trị các thương vụ. Theo báo cáo của hãng kiểm toán Pricewaterhouse Coopers (PwC), trong năm 2005 chỉ có 18 vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị là 245 triệu USD và năm 2007 số vụ M&A đã tăng mạnh cả về số lượng và giá trị, tổng số vụ M&A là 113 vụ, đạt tổng giá trị là 1,75 tỷ USD (gấp 7 lần so với năm 2006 và gấp 28 lần so với năm 2005). Trong nửa đầu 2008, hoạt động M&A có giảm do sự sụt giảm của nền kinh tế, tổng giá trị trong hoạt động M&A là 347 triệu USD với 48 thương vụ.
Về nguyên tắc, khi sáp nhập hoặc hợp nhất, giá trị của doanh nghiệp mới bao giờ cũng lớn hơn giá trị của các doanh nghiệp cũ. Với ưu thế như trên, M&A sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại trong thị trường do quy mô công ty lớn hơn, doanh nghiệp có khả năng mở rộng ngành nghề kinh doanh, tăng vốn đầu tư, tiết kiệm các chi phí do sắp xếp, bố trí hợp lý các nguồn nhân lực… Năm 2008, lạm phát tăng cao, nhập siêu đạt con số kỷ lục buộc Chính phủ phải thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này khiến cho doanh nghiệp trở nên khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc tiếp cận với một chi phí rất lớn. Và M&A chính là một hình thức huy động vốn đáp hiệu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, khi tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những vấn đề như phức tạp như độc quyền, thuế, kế toán, chuyển đổi tài sản, phân chia lợi nhuận, trách nhiệm đối với các khoản nợ….Những vấn đề trên là rào cản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiến hành mua lại và sáp nhập, do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thông tin, hiểu biết về các điều kiện thủ tục mua lại và sáp nhập doanh nghiệp,
khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này cũng chưa hoàn thiện, rõ ràng, vai trò kiểm toán chưa đầy đủ….
Do vậy, để tiến hành mua lại và sáp nhập được hiệu quả, các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về đối tác, về thị trường, khuôn khổ pháp lý và đặc biệt là phải nâng cao giá trị của bản thân doanh nghiệp trước khi tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất. Một vấn đề nữa cần lưu ý đối với doanh nghiệp là việc tiến hành sáp nhập hay hợp nhất với một doanh nghiệp khác không có nghĩa là giành quyền kiểm soát hay bị kiểm soát mà đó chính là việc tìm kiếm một đối tác để hợp tác cùng phát triển và cùng có lợi.
Đối với những doanh nghiệp không muốn bị kiểm soát hoặc lệ thuộc vào các doanh nghiệp lớn hơn, không muốn tiến hành hoạt động mua lại và sáp nhập, các doanh nghiệp này có thể tiến hành tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng đơn giản và hiệu quả. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khủng hoảng, thị trường và sức mua sụt giảm, chi phí sản xuất tăng do lạm phát và lãi suất đi vay đều ở mức cao, các doanh nghệp vừa và nhỏ phải tìm các để tái cơ cấu lại các nguồn lực hiệu quả hơn. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đều bắt đầu việc tổ chức lại doanh nghiệp từ bộ phận nhân lực, sau đó mới đến các bộ phận khác.
Xét ở khía cạnh tích cực, việc thay đổi và tổ chức lại nguồn nhân lực trong doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp có được những nhân viên giỏi hơn, khả năng làm việc hiệu quả hơn, từ đó có thể giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều coi việc tổ chức lại nguồn nhân lực chính là sa thải bớt nhân viên trong điều kiện “thắt lưng buộc bụng”. Đây là một quan điểm hết sức sai lầm bởi sa thải nhân viên có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một ít chi phí trong lúc khó khăn nhưng lúc cần, doanh nghiệp lại phải bỏ qua nhiều hơn số tiết kiệm được để tuyển dụng được những người cũ.
Do vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên chỉ tính tới việc tái cơ cấu nguồn nhân lực mà phải tìm cách để thay đổi được các nguyên tắc quản lý, cơ cấu lại các nguồn lực và xây dựng được chiến lược phát triển cho mình. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại; vì nếu làm được như thế, doanh nghiệp sẽ năng động hơn, khai thác được những mặt mạnh và lấp những khuyết điểm của mình.
Như vậy, xu hướng của các doanh nghiệp là tổ chức lại, tái thiết lại doanh nghiệp để đối phó, tồn tại và phát triển trong cơn bão suy thoái tài chính. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây là một xu hướng tất yếu và hợp lý trong điều kiện hiện nay.