Đề tài thu thập, kế thừa được toàn bộ số liệu phân tích, lẫy mẫu về chất lượng môi trường (môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước) tại 39 làng nghề từ nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang ” do Trung tâm Môi trường Tài nguyên miền núi –Trường Đại học Nông lâm thực hiện. Nhiệm vụ đã tiến hành lấy mẫu, phân tích các thành phần môi trường tại các làng nghề trong thời gian 2 đợt/năm: Đợt 1: Tháng 5, 6; Đợt 2: Tháng 9, 10 năm 2018.
- Số lượng mẫu: 02 mẫu nước mặt, 02 mẫu khí xung quanh và 02 mẫu đất/ làng nghề/đợt lấy mẫu. Tổng sốlượng mẫu quan trắc và phân tích là 234 mẫu/đợt lấy mẫu; Tổng sốlượng mẫu thu thập 02 đợt là 468 mẫu.
- Vị trí lấy mẫu:
+ Đối với nước mặt: Mẫu được lấy tại điểm giữa các ao, hồ, mương, kênh... trong khu vực có tiếp nhận nước thải sản xuất của làng nghề. Các điểm lấy mẫu cần đại diện cho chất lượng môi trường nước mặt của làng nghề, trong đó có ít nhất một điểm là nơi thoát nước cuối cùng của làng nghề ra môi trường tiếp nhận xung quanh của toàn khu vực.
+ Không khí xung quanh: Được đo, lấy mẫu tại chính giữa các khu vực sản xuất và có ít nhất một điểm nằm cuối hướng gió của làng.
+ Mẫu đất: Lấy tại các khu vực không được bê tông hóa, gần các khu vực sản xuất của làng nghề.
(Danh mục vị trí lấy mẫu tại các làng nghề được đính kèm phụ lục)
- Chỉ tiêu theo dõi: Nhiệm vụ tiến hành phân tích các chỉ tiêu sau:
+ Nước mặt:
Nhóm làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ và sản xuất giấy (25 làng nghề): pH, COD, BOD5, TSS, N-NO3-, P-PO43-, Coliform.
Nhóm làng nghề dệt, nhuộm (12 làng nghề): pH, COD, BOD5, TSS, CN-, Cl-, Cr6+.
Nhóm làng nghề cơ khí (2 làng nghề): pH, TSS, Fe, Pb, Cd, Zn, Cu, dầu mỡ.
+ Môi trường đất: Cd, Pb, Cu, Zn.
+ Môi trường không khí xung quanh: SO2, CO, NOx, Bụi tổng số.