Vào tháng 4/2015, Viện Nghiên cứu kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) cho biết, chính sách phát triển điện hạt nhân trong quá khứ đã giúp Nhật Bản tiết kiệm được 33 nghìn tỷ Yên (tương đương 276 tỷ USD) tiền mua nhiên liệu hóa thạch và bởi mỗi năm tốn tới 3,6 nghìn tỷ Yên (30 tỷ USD) chỉ để nhập khẩu nhiên liệu. Trong khi đó, việc phụ thuộc vào năng lượng tái tạo cũng khiến hóa đơn tiền điện gia đình tăng lên 13,7%/năm.
Vào tháng 3/2017, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) loan báo, mỗi gia đình sẽ phải trả thêm mỗi năm 9.504 Yên (tương đương 83 USD) để hỗ trợ năng lượng tái tạo. Như vậy, trên toàn quốc, các hộ gia đình sẽ đóng góp thêm 2.140 tỷ Yên (18,77 tỷ USD).
Mùa hè 2018, khi nắng nóng và nhiệt độ tăng lên bất thường ở Đông Á, nhu cầu về điện của Nhật Bản lại càng tăng lên. Trong bối cảnh đó, kế hoạch năng lượng chiến lược lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050 được nội các Nhật Bản thông qua vào tháng 7/2018 đã đưa ra một cái nhìn mới về tương lai năng lượng Nhật Bản. Theo đó, quốc gia này chủ trương phát triển năng lượng dựa trên triết lý 3 E+S, viết tắt của các từ an toàn (safety), an ninh năng lượng (energy sercurity), môi trường (enviroment), hiệu quả kinh tế (econimic effeciency).
Có thể thấy, Nhật Bản đang hướng đến việc thiết lập một cấu trúc cung cầu năng lượng bền vững, ít đem lại gánh nặng kinh tế và thân thiện với môi trường. Trong cấu trúc mới này, điện hạt nhân "là nguồn điện phụ tải nền quan trọng đóng góp vào sự ổn định dài hạn" và "là sự lựa chọn khả thi để Nhật Bản cắt giảm khí thải carbon", do đó cần phải có những biện pháp cần thiết để điện hạt nhân đạt được mức 20 đến 22% tổng sản lượng điện năng đến năm 2030.