2. Để đảm bảo việc thực hiện các chủ trương,
QUAN HỆ ĐỐI TÁC CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA
TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới chuyển động theo hướng đa cực, vấn đề xây dựng và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện trong bối cảnh toàn cầu hóa được nước ta đặc biệt quan tâm. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định “lợi ích quốc gia, dân tộc vừa là
mục tiêu, vừa là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại”. Việc tìm hiểu sự phát triển quan hệ đối tác chiến
lược và đối tác toàn diện giữa nước ta và các nước trong thời gian gần đây sẽ giúp có được nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề quan trọng này trong chính sách đối ngoại của nước ta.
Xây dựng các quan hệ đối tác trong bối cảnh toàn cầu hóa
Về lý thuyết, quan hệ đối tác của một quốc gia được xây dựng từ các cấp độ đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. Đối tác chiến lược hay đối tác chiến lược toàn diện chỉ quan hệ ngoại giao giữa hai nước với nhau, theo đó hai bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, đồng thời qua đó hướng đến sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. Cặp quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới hiện nay có 4 đặc trưng: (1) mức độ và khuôn khổ hợp tác phụ thuộc vào ý chí chính trị và nguyện vọng hợp tác của các bên; (2) hướng đến xây dựng lòng tin chiến lược; (3) có xu hướng hợp tác tập trung vào lĩnh vực hẹp phù hợp với chiến lược phát triển của đối
tác và không đi đến liên minh về quân sự; (4) sự hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và gắn kết lợi ích tương đối bền vững.
Đối với Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, một mối quan hệ đối tác chiến lược được xác định khi và chỉ khi phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và hướng đến lợi ích quốc gia, cụ thể bao gồm các vấn đề về an ninh, phát triển và nâng cao vị thế quốc gia. Về khía
cạnh an ninh, quan hệ đối tác chiến lược đó sẽ giúp cho
Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực trong việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường chiến lược có lợi cho sự phát triển quốc gia. Về khía cạnh phát triển, mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện, được thể hiện trên các lĩnh vực: quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA), chuyển giao công nghệ và phát triển văn hóa - xã hội. Nếu các tiêu chí đó chưa đạt được thì phải xét đến quy mô và mức độ phát triển. Còn về vị thế quốc gia, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, với các nước lớn hoặc đối tác quan trọng, qua đó có vị thế và ảnh hưởng quan trọng trong đời sống chính trị thế giới và khu vực.
Với việc lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga năm 2001, Việt Nam là một trong năm nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này. Cho đến năm 2014, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện với 2 quốc gia là Nga và Trung Quốc và quan hệ đối tác chiến lược với 11 quốc gia là Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italia, Inđônêxia, Thái Lan, Xingapo và Pháp. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với 11 quốc gia, trong đó: có Ôxtrâylia, Niu
Dilân, Đan Mạch, Hoa Kỳ... Ở mức độ thấp hơn, chúng ta đã lập đối tác chiến lược về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với Hà Lan và quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch. Ngoài ra, khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang có những chuyển biến tích cực.
Như vậy, cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành việc xác lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cùng với các mối quan hệ truyền thống, đặc biệt với các nước bạn láng giềng Lào, Campuchia, các nước trong ASEAN, các khuôn khổ quan hệ này, ở những mức độ khác nhau, đã góp phần tích cực triển khai hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Phục vụ lợi ích quốc gia
Việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các quốc gia đối tác chiến lược và đối tác toàn diện phù hợp với lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới chính là sự thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Về cơ bản việc triển khai các quan hệ đối tác chiến lược hướng đến lợi ích quốc gia thể hiện trên những điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng tầm vị thế quốc gia, xây dựng lòng tin chiến lược từ các đối tác và thể hiện vai trò đối với các vấn đề toàn cầu. Thông qua khuôn khổ quan hệ đối tác
chiến lược hoặc đối tác toàn diện, Việt Nam nâng tầm vị thế của mình trong quan hệ bình đẳng với các đối tác. Các nước đối tác ủng hộ và đánh giá cao tiếng nói cũng như đóng góp của Việt Nam vào việc giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng quốc tế. Nhiều nguyên thủ quốc gia của các nước đối tác đã chọn Việt Nam là một trong những nước tới thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại của các nước đối tác, Việt Nam đã được đặt ở vị trí quan trọng trong chính sách của các nước đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Liên hợp quốc và các tổ chức liên chính phủ. Quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các đối tác quan trọng làm gia tăng xu hướng hợp tác và cam kết chính trị ở các cấp cao nhất tôn trọng lựa chọn thể chế chính trị của Việt Nam, qua đó tăng cường hiểu biết, thu hẹp và kiềm chế bất đồng cũng như giảm thiểu những căn nguyên hiểu lầm chiến lược. Những năm gần đây, chúng ta đều có trao đổi đoàn ở cấp cao nhất với tất cả các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện cùng các cơ chế đối thoại được tăng cường và lập mới, sự tin cậy chính trị được gia tăng.
Mặt khác, với sự ủng hộ và đồng thuận của các đối tác quan trọng, Việt Nam đã phát huy đáng kể vai trò tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và đóng góp hiệu quả đối với các quan tâm chung của quốc tế như biến đổi khí hậu, thực
hiện an sinh xã hội, nhân quyền, văn hóa, an ninh và tội phạm xuyên quốc gia...
Thứ hai, phục vụ mục tiêu phát triển quốc gia. Ngoại
giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa được kết hợp một cách chặt chẽ trong việc thiết lập và triển khai các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, góp phần to lớn vào phát triển đất nước những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện cũng tạo ra nhiều cơ hội cho tăng cường hợp tác phục vụ phát triển. Trước hết, có thể khẳng định đầu tư trực tiếp từ các nước đối tác chiến lược và đối tác toàn diện là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của nước ta. Hầu hết các dự án trọng điểm quốc gia là dự án hợp tác với các đối tác này.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch với xu hướng tăng đều ổn định. Hợp tác kinh tế phát triển với các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, cải thiện sức cạnh tranh qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây vừa là động lực, vừa là định hướng quan trọng để Việt Nam tái cơ cầu nền kinh tế, phát huy các lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hay toàn diện cũng tạo điều kiện để Việt Nam tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực có ý nghĩa quan trọng như FTA với Liên minh hải quan Nga - Bêlarrút - Cadắcxtan, Hàn Quốc; hướng tới kết thúc đàm phán FTA với EU; thúc đẩy đàm phán TPP... Các mạng lưới
đối tác FTA là cơ sở để tạo nền tảng quan hệ với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, hiện chúng ta đang cùng với các đối tác tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân, gắn kết văn hóa, hợp tác lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các sự kiện Tuần/Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng như nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam được tổ chức gây ấn tượng mạnh. Một số đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... mở rộng việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam, ban hành nhiều quy định, chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài.
Thứ ba, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Trong khuôn khổ đối tác chiến lược, Việt Nam đã cùng với các bên trực tiếp liên quan, cũng như các đối tác có quan tâm tới hòa bình, ổn định trong khu vực tìm kiếm các biện pháp xử lý ổn định, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Có thể nói, lập trường nhất quán của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp được tất cả các nước, nhất là các nước đối tác, ủng hộ và đồng tình.
Từ việc nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam trong vòng hơn một thập kỷ qua, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Một là, xây dựng và phát triển các quan hệ đối tác
chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam hiện nay là điểm nhấn đối ngoại, sự phát triển cao hơn và thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác
và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Thực tế đã chỉ ra các quan hệ trong phạm vi đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã đáp ứng tối đa mục tiêu đối ngoại và phục vụ lợi ích phát triển quốc gia.
Hai là, việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược và
đối tác toàn diện với các cường quốc và đối tác quan trọng, cùng chia sẻ nhiều lợi ích và tầm nhìn dài hạn, có quan hệ ngoại giao rộng mở và quan hệ kinh tế hai bên cùng có lợi sẽ là điều kiện và là mạng lưới quan hệ thuận lợi để Việt Nam hình thành các liên minh hoặc đồng minh trong tương lai giúp bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia một khi chúng ta có đủ thực lực và hội tụ các điều kiện thuận lợi.
Tóm lại, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn được khẳng định là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong chặng đường ba thập kỷ đổi mới vừa qua. Việc thiết lập, xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các cường quốc và các đối tác quan trọng đã đưa vị thế quốc tế của Việt Nam lên một tầm cao mới và phục vụ tối đa lợi ích quốc gia. Dù còn có những hạn chế trong việc xây dựng và phát huy các mối quan hệ này, nhưng chắc chắn rằng sự mở rộng quan hệ đối tác luôn hướng đến lợi ích quốc gia, và sự thay đổi tích cực diện mạo, thế và lực của Việt Nam hiện tại đã cho thấy đường lối, mục tiêu đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.