Khi đọc và suy gẫm Tin Mừng, chúng ta có ấn tượng sâu đậm về lòng nhân ái của Chúa Giêsu: Ngài ôm chúc lành cho các em bé12; Ngài có các bạn hữu ở Bêtania và tương giao thân tình nồng nhiệt với họ; Ngài đã cảm thương bạn hữu mình đến độ sa nước mắt bên mồ Ladarô13; Ngài cũng nếm cảm nỗi đói khát, cô đơn và buồn sầu của tha nhân… Là hiện thân của Ngài, linh mục phải có lòng nhân ái như Ngài.
Lòng nhân ái của Chúa Kitô được nhìn thấy rõ rệt nhất nơi tấm lòng trắc ẩn của Ngài. Trắc ẩn không chỉ là thương hại, song cảm nếm nỗi đau khổ của người ta, cùng chịu đau khổ với họ và tìm cách giúp họ: Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông đói mệt đi theo Ngài trong hoang địa14; Ngài cảm thương cứu giúp người góa phụ đang khóc thương đứa con trai duy nhất chết15, mà bà đã không xin phép lạ song chính Ngài quyết định làm thế; Ngài cảm nhận được lòng thống hối của người đàn bà tội lỗi sa nước mắt rửa chân Ngài như dấu chứng của một trái tim chứa chan lòng mến. Lòng trắc ẩn của Ngài đã thúc đẩy Ngài đi đến gặp gỡ, đụng chạm đến những người phung hủi mà xã hội loại trừ và liệt vào hạng ô uế không thể đụng chạm đến được16. Lòng nhân ái của Chúa Giêsu thúc đẩy Ngài đến với tất cả mọi người đau ốm, khốn khổ, nghèo hèn và bị áp bức, tội lỗi cũng như thánh thiện. Tiếp xúc với đám đông, Ngài vẫn không bao giờ quên các cá nhân và nhu cầu của họ: Ngài dừng lại với anh chàng ăn xin mù Bartimê17; bị đám đông chen lấn xô đẩy, Ngài vẫn cảm nhận được đức tin của người phụ nữ đang cố kín đáo chạm đến mép áo Ngài để được chữa lành18; Ngài cảm kích lòng quảng đại của bà góa nghèo dâng cúng trọn số tiền bà đang có để sống19.