Gay cấn cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Venezuela

Một phần của tài liệu BCA034 (Trang 33 - 35)

TTXVN (AP, Caracas) - Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe đối lập tại Venezuela đang thúc giục quân đội cho phép viện trợ nhân đạo với niềm tin rằng điều này có thể phá vỡ thế cân bằng quyền lực kéo dài một tháng qua tại quốc gia Nam Mỹ bất ổn này. Tuy nhiên, những chỉ huy quân sự cấp cao không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ phá bỏ lòng trung thành đối với Tổng thống Nicolas Maduro và hàng ngũ binh sĩ bất mãn vẫn chưa hành động.

Ngày 28/2, phát biểu trước cộng đồng người Venezuela sống lưu vong tại Nam Florida (Mỹ), Trump đã cảnh báo binh sĩ Venezuela rằng việc họ ủng hộ Maduro có thể mang lại hậu quả thảm khốc. Trump nói: “Các bạn sẽ mất tất cả”.

Đáp lại lời đe dọa của Trump, Bộ trưởng Quốc phòng (Venezuela) Vladimir Padrino Lopez ngày 29/1 đã xuất hiện trên truyền hình để đưa ra một tuyên bố ngắn gọn rằng quân đội Venezuela quả thực đã sẵn sàng “hy sinh” tất cả, thậm chí cả mạng sống của họ để bảo vệ Maduro. Ông nói: “Họ (người Mỹ và phe đối lập) sẽ phải bước qua xác chúng tôi”.

Dưới đây là một nhận định về cuộc đấu tranh của phe đối lập để giành chiến thắng trước quân đội Venezuela đang trong thời điểm khủng hoảng.

Tại sao quân đội Venezuela lại quan trọng đến vậy?

Quân đội Venezuela đã từng giữ vai trò như trọng tài truyền thống trong các cuộc tranh chấp chính trị ở Venezuela và dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez lẫn Tổng thống đương nhiệm Maduro, quân đội đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động ở trong nước. Quân đội cũng đóng vai trò chính trong vụ lật đổ nhà độc tài Marcos Perez Jimenez năm 1958 và theo Hiến pháp, quân đội không có bổn phận phải trung thành với bất cứ đảng chính trị hay hệ tư tưởng nào.

Phe đối lập tin rằng việc quân đội công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời là điều cốt yếu để buộc Maduro phải từ bỏ quyền lực và củng cố một chính phủ chuyển tiếp. Theo Hiến pháp, Tổng thống Venezuela giữ vai trò như Tổng tư lệnh, và do đó, nếu không có sự công nhận này, việc Guaido tự tuyên bố là tổng thống hợp pháp của Venezuela hầu như hoàn toàn mang tính tượng trưng.

Với khoảng 200.000 binh sĩ và 1,7 triệu dân quân, lực lượng vũ trang Venezuela không chỉ kiểm soát hỏa lực quốc gia mà cả nhiều lĩnh vực chủ chốt khác của nền kinh tế, điều này khiến việc nhận được sự ủng hộ của quân đội là rất quan trọng. Cho dù Maduro đã mất đi phần lớn sự ủng hộ của công chúng, các nhà phân tích cho rằng chừng nào ông còn duy trì được sự ủng hộ của quân đội, chừng đó ông không thể bị “hạ bệ”.

Tại sao quân đội không lật độ chế độ?

Các quan chức quân sự hàng đầu của Venezuela có nhiều thứ để mất nếu Maduro từ bỏ quyền lực. Bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và nghi ngờ từ lâu có dính líu đến những băng đảng buôn lậu ma túy, nhiều người có vẻ lo sợ cuộc đời của họ sẽ kết thúc sau song

sắt và không tin vào đề nghị ân xá của phe đối lập. Phil Gunson, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Crisis Group có trụ sở ở Caracas, nói: “Hoàn toàn không thể tin rằng ân xá là một đề xuất khả thi...Nhiều người trong số họ cho rằng đó là một cái bẫy”.

Trong khi đó, những sĩ quan thấp cấp hơn đang chịu tình cảnh thiếu lương thực và thu nhập quá ít ỏi như phần còn lại của đất nước. Nhưng theo các nhà phân tích, họ thiếu sự tổ chức để tiến hành một cuộc nổi dậy quy mô.

Gần 10 sĩ quan đã cam kết ủng hộ Guaido, tuy nhiên, họ thường không chỉ huy số lượng lớn binh sĩ hoặc đang sống lưu vong. Mặc dù đã có một vài cuộc nổi loạn quy mô nhỏ trong những năm gần đây nhưng tất cả đều thất bại và những người đã cố gắng tiến hành một cuộc đảo chính đã bị bỏ tù hoặc đã chết. Chẳng hạn như, trong số những khách mời tới nghe bài phát biểu của Trump hôm 19/2 ở Nam Florida, có mẹ của Oscar Perez, một sĩ quan cảnh sát đã qua đời sau một nỗ lực suốt nhiều tháng để phát động một cuộc nổi dậy. Gunson nói: “Vấn đề lớn mà họ phải đối mặt là nếu một nhóm nhỏ xuất hiện thì họ sẽ phải trả giá như rất nhiều người khác”.

Tại sao đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Venezuela lại quyết định chiến thắng của phe đối lập?

Vì đang kiểm soát biên giới quốc gia, quân đội sẽ quyết định liệu có cho phép viện trợ nhân đạo mà Guaido cam kết đưa vào nước này được tiến hành hay không.

Phe đối lập đang đi nước đôi dựa trên một tiền đề đơn giản: Nếu binh sĩ để hoạt động viện trợ diễn ra, về cơ bản tức là họ đã công nhận Guaido là Tổng tư lệnh của Venezuela. Phe đối lập tin rằng quân đội sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng lực lượng để ngăn chặn một đám đông quần chúng đang cố gắng giành lấy hàng viện trợ.

Eric Farnsworth thuộc Hội đồng châu Mỹ và xã hội châu Mỹ, một cơ quan tham vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng để thực hiện bước đó, quân đội sẽ cần phải chắc chắn rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ họ. Theo ông, trong khi Trump và những người khác đang đưa ra những lời hùng biện mạnh mẽ, tìm cách đảm bảo với những người chấp nhận rủi ro rằng họ sẽ được trả công, thì quân đội có thể vẫn hoài nghi liệu đó có phải chỉ là lời nói.

Quân đội sẽ phá vỡ bế tắc?

Số phận của Venezuela lúc này vẫn chưa rõ ràng. Trong khi phe đối lập đang hy vọng rằng nếu quân đội chấp nhận cho hàng viện trợ vào nước này vào ngày 23/2 tới đây như đề nghị của Guaido, điều đó sẽ đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt, thực tế là cuộc xung đột có khả năng sẽ kéo dài. Trong ngắn hạn, hàng viện trợ tập hợp tại biên giới Colombia và tại 3 địa điểm đã được lựa chọn khác, đang đặt Maduro vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên, theo Farnsworth, điều này có thể không gây ảnh hưởng như một số người hy vọng. Chuyên gia này cho rằng chỉ có một điều quan trọng là khi hàng viện trợ được đưa vào Venezuela, phải đảm bảo rằng số hàng này sẽ được phân phát công bằng. Farnsworh nói: “Sẽ có một vài thách thức rất lớn về mặt hậu cần”. Theo ông, “nếu không có một kế hoạch đáng tin cậy cho việc phân phối hàng viện trợ và làm cho nó có ý nghĩa thì việc đưa hàng viện trợ vào có thể sẽ phản tác dụng”.

Cũng có khả năng là ngay cả khi hàng viện trợ được đưa vào Venezuela, công chúng hoặc đa số binh sĩ vẫn không cho rằng đó là một tín hiệu rõ ràng về việc quân đội hiện đang ủng hộ Guaido với tư cách Tổng thống Venezuela. Gunson nhận định: “Cả hai phía chắc chắn sẽ tuyên bố giành chiến thắng sau ngày 23/2”, ám chỉ thời điểm mà Guaido ấn định để đưa các đoàn xe cứu trợ vào Venezuela. “Và trừ khi có một sự tuyệt giao rõ ràng giữa quân đội và Maduro, tôi nghĩ rằng cuộc chiến giành quyền lực và ưu thế sẽ còn tiếp tục”.

Một phần của tài liệu BCA034 (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w