Mục tiêu của luận văn là ứng dụng một số biện pháp nhằm phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt cho học viên nước ngoài (trường hợp học viên quân sự Lào học tiếng Việt trình độ cơ sở tại Trường Sĩ quan Lục quân 1). Chúng tôi tiến hành thử nghiệm dạy học nhằm kiểm chứng tính hiệu quả, độ khả thi của các biện pháp dạy học mà luận văn đề xuất ở chương 3. Chúng tôi sử dụng phương pháp thực nghiệm so sánh giữa hai nhóm đối tượng: thực nghiệm và đối chứng. Từ đó, kiểm tra khả năng thực thi những giải pháp mà chúng tôi đã đề xuất, kiểm chứng cách thức dạy học mới, đồng thời là cơ sở để có những điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu dạy học hiệu quả nhất.
3.2. Đối tượng, địa bàn, thời gian thực nghiệm
3.2.1. Đối tượng thực nghiệm
Đối tượng mà chúng tôi lựa chọn thực nghiệm là 80 học viên quân sự Lào được chia thành 4 lớp (L1, L2, L3, L4) đang học tiếng Việt cơ sở tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trong đó, L1, L3 là nhóm dạy đối chứng (ĐC) và L2, L4 là nhóm dạy thực nghiệm (TN).
Lớp Dạy ĐC Lớp Dạy TN Số lượng học viên Giáo viên phụ trách Số lượng học viên Giáo viên phụ trách L1 22 Trung tá,ThS Bùi Thị Mát L2 20 Thiếu tá, ThS Trịnh Phương Lan L3 19 Đại úy, ThS Phạm Thị Tâm L4 19 Thiếu tá, ThS Hồ Thị Dung Nhận xét chung:
- Về phía học viên: Học viên được chọn thử nghiệm và đối chứng trong trường có trình độ nhận thức tương đương, thể hiện ở điểm kiểm tra đánh giá đầu vào không quá chênh lệch nhau. Trong quá trình khảo sát, căn cứ vào tiêu chí đánh giá, cách xếp loại của các trường quân đội hiện nay, chúng tôi thu được kết quả theo 5 loại học lực: Giỏi (từ 8-10 điểm), Khá (từ 7-7.9 điểm), Trung bình khá (từ 6-6.9 điểm), Trung bình (5-5.9 điểm), Yếu (từ 3-4.9 điểm).
- Về phía giáo viên: chúng tôi lựa chọn những giáo viên đã có kinh nghiệm trong việc dạy học tiếng Việt cho học viên nước ngoài, có quá trình dạy học đối tượng được lựa chọn tham gia thử nghiệm từ 3 tháng trở lên, nắm vững đặc điểm tâm lí và thực tế năng lực ngôn ngữ tiếng Việt của học viên, nhiệt tình, có trách nhiệm với hoạt động.
3.2.2. Địa bàn thực nghiệm
Chúng tôi tiến hành thực nghiệm tại trường Sĩ quan Lục quân 1. Trường có uy tín và kinh nghiệm dạy học tiếng Việt cho học viên Lào, hàng năm đều có một số lượng lớn học viên Lào sang học tiếng Việt trình độ cơ
bản. Đây là những điều kiện cần và đủ để chúng tôi lựa chọn đơn vị trên làm địa bàn thử nghiệm cho luận văn.
3.2.3. Thời gian thực nghiệm
Chúng tôi tiến hành thử nghiệm trong các khoảng thời gian từ 01/3/2021 đến 30/3/2021. Mặc dù lúc này, kiến thức của học viên chưa thật sự phong phú nhưng họ cũng đã có thể tham gia các hoạt động giao tiếp liên quan đến những chủ đề quen thuộc như: giới thiệu bản thân, nghề nghiệp, gia đình, sở thích, thói quen,... Học viên Lào cũng đã được làm quen với các dạng bài tập (thông qua giờ luyện tập) hay bài kiểm tra tiếng Việt (thông qua các bài kiểm tra định kì vào cuối mỗi trình độ), có khả năng giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng. Vì vậy, việc tiếp nhận và giải quyết các bài tập trong phiếu thử nghiệm mà chúng tôi đưa ra hầu như không gặp khó khăn hay trở ngại nào đáng kể.
3.3. Nội dung, mục tiêu, phương pháp dạy học và cách thức tiến hành thực nghiệm
3.3.1. Nội dung dạy học
Chúng tôi tiến hành biên soạn các giáo án dạy học thử nghiệm 2 tiết với sự chọn lựa các đơn vị bài học và kiến thức là giáo trình:
- Giáo trình “TV cho người nước ngoài” (trình độ A2), Đoàn Thiện Thuật (cb), Đại học Quốc gia HN, Viện VN học và khoa học phát triển, NXB Thế giới, H.2009
- Giáo trình “Từ vựng TV thực hành” (Trịnh Đức Hiển (2006), NXB ĐHQGHN): bài “Thành ngữ” (trang 107)
3.3.2. Mục tiêu và phương pháp dạy học
Với nội dung dạy học như trên, chúng tôi đề ra các mục tiêu dạy học cần đạt của từng tiết học cùng với hệ thống phương pháp, biện pháp dạy học chủ đạo được sử dụng. Nội dung và mục tiêu dạy học là tương đồng, nhưng sự khác
biệt giữa lớp thử nghiệm và đối chứng nằm ở các phương pháp dạy học. Các giờ học thử nghiệm được tiến hành trong cùng một khoảng thời gian với các lớp đối chứng. Giáo án thể hiện rõ việc dạy học tiếng Việt theo hướng mới nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ cho học viên Lào, đồng thời đảm bảo các mục tiêu dạy học của chương trình. Giáo viên vận dụng tối đa các biện pháp dạy học: Tạo nhóm học tập; tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động ngoại khóa; tăng cường đổi mới từ cách dạy truyền thống sang cách dạy hiện đại, trong đó tăng cường phương pháp sử dụng hình ảnh; áp dụng kĩ thuật dạy học tích cực như 5W+1H và TPR, lập bản đồ tư duy... Các bài tập được giáo viên linh hoạt lựa chọn. Các giờ học đối chứng cũng dạy học cùng một nội dung trên trong cùng sách giáo trình, với cùng mục tiêu dạy học với lớp thực nghiệm, nhưng khác nhau về phương pháp, biện pháp dạy học và hệ thống công cụ bài tập. Các phương pháp dạy học ở lớp đối chứng là do giáo viên tự đề xuất, hệ thống bài tập sử dụng có sẵn trong sách giáo trình, giáo án cũng do giáo viên tự soạn.
3.3.3. Cách thức tiến hành thực nghiệm
- Bước 1: Xây dựng kế hoạch thực nghiệm
Gồm các hoạt động cụ thể: xác định mục tiêu, thời gian và địa bàn, nội dung, mục tiêu, phương pháp dạy học và cách thức thực nghiệm; chọn giáo viên và tổ chức phân nhóm học viên; trao đổi với giáo viên và học viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung, cách thức thực nghiệm và đề nghị được theo sát quá trình dạy học ở các nhóm.
- Bước 2: Thiết kế giáo án thực nghiệm.
Trong giáo án, chúng tôi chú trọng sử dụng các biện pháp mà luận văn đã lựa chọn. Đồng thời, chúng tôi cũng thiết kế các phiếu bài tập cho tiết học. Sau đó, chúng tôi chuyển giáo án cho các giáo viên để các thầy cô góp ý nhằm hoàn thiện giáo án.
- Bước 3: Dạy học thực nghiệm.
Các giáo viên ở các nhóm thực nghiệm tiến hành dạy học theo giáo án thực nghiệm.
- Bước 4: Tổng hợp, xử lí số liệu và đánh giá kết quả.
Chúng tôi tiến hành xây dựng bài kiểm tra nhằm kiểm tra đánh giá năng lực ngôn ngữ của học viên sau thực nghiệm ở cả nhóm thực nghiệm và đối chứng. Chúng tôi chủ yếu kiểm tra năng lực ngôn ngữ của học viên xoay quanh vốn từ về ăn uống, đây không chỉ là nhóm từ học viên vừa được học mà còn là nhóm từ được sử dụng phổ biến trong đời sống và có phạm vi ngữ nghĩa rộng, khả năng chuyển nghĩa linh hoạt. chúng tôi còn áp dụng phương pháp quan sát và đánh giá các sản phẩm học tập của học viên trong thực tế, đặc biệt gắn liền với kĩ năng hiểu từ ngữ khi nghe và sử dụng từ ngữ khi nói mà hai bài kiểm tra chưa có điều kiện đánh giá. Chúng tôi đã quan sát học viên giao tiếp trong giờ học ở trên lớp với các tình huống giả định và giao tiếp với các tình huống thực ở ngoài thực tế rồi ghi âm và quay phim lại các đoạn hội thoại hoặc đoạn thuyết trình, trong đó thể hiện rõ năng lực ngôn ngữ của học viên. Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết kế một phiếu đánh giá thái độ của học viên nhằm tìm hiểu mức độ hứng thú của học viên với bài học. Các số liệu được thống kê và được phân tích, đánh giá để rút ra những kết luận sư phạm cần thiết.
3.4. Giáo án thực nghiệm
Do khuôn khổ của luận văn nên chúng tôi chỉ có thể xây dựng 02 giáo án dạy thực nghiệm.
GIÁO ÁN 1