tự do hóa tài chính
1.1 Những mặt đạt được
Tiến hành cải cách, điều chỉnh chính sách lãi suất làm cho lãi suất trong nền kinh tế trở thành công cụ quan trọng của nhà nước nhằm thực thi chính sách tiền tệ, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát. Đặc biệt trong 2 năm qua đã điều chỉnh lãi suất giảm nhanh và mạnh so với thời kỳ chạy đua lãi suất huy động trước đó ( cuối 2011) của các NHTM. Tình trạng hỗn loạn về lãi suất huy động đã được ngăn chặn và chấm dứt, kể cả trên thị trường liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động từng bước ổn định. Rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm bớt với những chuyển biến tích cực như thanh khoản hệ thống dồi dào, tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng mạnh, cơ cấu động tiền trở nên hợp lý hơn (tín dụng Việt Nam tăng trong khi tín dụng ngoại tệ giảm).
Chính sách lãi suất qua các lần biến đổi đã tiến gần đến tự do hóa lãi suất, chuẩn bị cho sự hội nhập về lãi suất với nền kinh tế thế giới. Việc xóa dần chính sách ưu đãi về lãi suất đã dần tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện tốt công tác hoạch toán kinh tế và kinh doanh của mình được thuận lợi. Hệ thống NHTM tự chủ hơn trong vấn đề quyết định lãi suất huy động và cho vay, điều này dẫn đến xu hướng lãi suất có xu thế tăng cao hơn so với trước đây, sẽ tác động đến các doanh nghiệp, cá nhân, khiến họ thay đổi hành vi tiết kiệm, đầu tư của mình theo hướng có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và cơ bản hoàn thành hành lang pháp lý liên
quan đến xử lý nợ xấu. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu của 14 ngân hàng.
Bên cạnh lãi suất, tỷ giá hối đoái đã được điều chỉnh sát với thị trường. Nhờ đó đã mang lại những kết quả thiết thực và quan trọng cho ngoại thương Việt Nam. Kinh doanh xuất nhập khẩu được đẩy mạnh, đặc biệt là khuyến khích xuất khẩu góp phần tăng nhanh doanh số xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại. Việt Nam cũng chủ động trong việc dự trữ ngoại hối. Dự báo lạc quan, dự trữ ngoại hối Việt Nam vào cuối năm 2013 dự kiến khoảng 30 tỷ USD (Thời báo ngân hàng 22/11/2013 đăng trên http://www.sbv.gov.vn). Với cung ngoại tệ thuận lợi, tỷ giá VND/USD sẽ được ổn định trong biên độ giới hạn.
Vì tỷ giá và lạm phát có mối quan hệ tác động qua lại nên tỷ giá ổn định mới góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, duy trì tỷ giá ổn định tạo điều kiện NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Đó là chưa kể Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu vay nợ nước ngoài tương đối lớn. Do đó, tỷ giá ổn định sẽ tác động tích cực đến nợ nước ngoài của Việt Nam nói chung và nợ công nói riêng.
1.2 Những mặt hạn chế
Lãi suất cơ bản cần được xác định trên cơ sở lãi suất của thị trường liên ngân hàng sẽ phản ánh chính xác quan hệ cung cầu vốn trong nền kinh tế và các tổ chức tài chính trung gian. Trong khi đó, thị trường tiền tệ liên ngân hàng còn thấp kém , chưa phát triển, diễn biến lãi suất vẫn chưa phản ánh xác thực tương quan cung cầu trên thị trường và chưa có lãi suất chuẩn trên thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó NHNN chưa có cơ chế nắm bắt đầy đủ và kịp thời diễn biến của lãi suất liên ngân hàng.
Quá trình tự do hóa lãi suất dẫn đến tình trạng chạy đua lãi suất huy động vốn của các NHTM, với việc liên tục đẩy lãi suất tăng cao trong giai đoạn 2011 để lôi kéo khách hàng. Từ việc tăng lãi suất huy động sẽ kéo theo việc gia tăng lãi suất cho vay để đảm bảo lợi nhuận, tăng các loại phí cấp tín dụng và phí thực hiện giao dịch tiền tệ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như gián tiếp đến nền kinh tế. Cứ như thế sẽ
ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả hoạt động của các NHTM và làm gia tăng chi phí sử dụng vốn của nền kinh tế. Trong thời gian này, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay (do chi phí vốn cao và các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay) làm ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của các dự án, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, lợi nhuận giảm sút… Chính phủ và NHNN luôn theo sát và có những biện pháp kịp thời để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thị trường tiền tệ, thị trường lãi suất nhưng đó chỉ là những biện pháp tức thời, chữa cháy. Chưa làm tốt công tác dự đoán trước những xu hướng, biến động để có thể chủ động đề xuất những định hướng, phương án nhằm giảm thiểu những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra.
Riêng về tỷ giá, VND chủ yếu được đánh giá thông qua sự biến động của VND so với USD, điều này phản ảnh đúng thực trạng giao dịch ngoại hối của nước ta khi các hoạt động thanh toán bằng USD chiếm tỉ trọng cao trong các giao dịch thương mại, chuyển đổi... Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào một ngoại tệ để xác định giá trị bàn tệ thì quá mạo hiểm đối với hoạch định chính sách vĩ mô, dẫn đến tâm lý sùng bái USD và đô la hóa của đại bộ phân dân cư hiện nay. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam còn thấp, tác động tiêu cực đến nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất của chính NHNN, làm tăng nguy cơ lạm phát sớm quay lại, sẽ là rủi ro tỷ giá tiềm ẩn cho những năm tiếp theo.