Hiện trạng môi trường làng nghề Phúc Lâm

Một phần của tài liệu BÁO CÁO “ỨNG DỤNG MỘT SỐ SẢN PHẨM SINH HỌC, HÓA HỌC VÀ THỰC VẬT XỬ LÝ NƯỚC THẢI LÀM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI LÀNG NGHỀ PHÚC LÂM HUYỆN VIỆT YÊN, BẮC GIANG (Trang 64 - 69)

V. KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN XỬ LÝ NƯỚC THẢI LÀNG NGHỀ PHÚC LÂM

5.1. Hiện trạng môi trường làng nghề Phúc Lâm

5.1.1. Hiện trạng về kinh tế xã hội, sản xuất và môi trường làng nghề Phúc Lâm – Bắc Giang

Nghề giết mổ trâu bò, gia súc bắt đầu hình thành ở thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang từ trước những năm 1980, cùng với cơ chế thị trường, nghề giết mổ trâu bò có điều kiện phát triển, làng nghề Phúc Lâm cũng ngày càng mở rộng về quy mô giết mổ.

Tính đến năm 2011, thôn Phúc Lâm có 2056 nhân khẩu và 502 hộ, trong đó 50 hộ chuyên giết mổ trâu bò, 10 hộ chuyên ướp, muối da, trung bình mỗi hộ có khoảng 5 nhân khẩu. Thông thường, có khoảng 2-3 người trong gia đình trực tiếp tham gia giết mổ, và thuê thêm khoảng 3-5 người tùy theo quy mô, và số lượng trâu bò giết mổ. Trung bình trong thôn mỗi ngày giết mổ 150 con. Theo kết quả điều tra sơ bộ, lượng chất thải rắn bao gồm phân, lông da, xương, mỡ thừa với khối luợng rất lớn.

Hình 26: Hoạt động giết mổ trâu bò của một hộ trong thôn Phúc Lâm

Bảng 13. Lượng chất thải rắn do hoạt động giết mổ tại 50 hộ sản xuất ở Phúc Lâm

Thông số Phân (kg/ngày) Lông, da ( kg/ngày) Xương (kg/ngày) Mỡ thừa (kg/ngày) Tổng cộng 3475 3905 3411 370 Trung bình 1 hộ 69,5 78,1 68,22 16,82 Lớn nhất 300 250 301 20 Nhỏ nhất 20 30 20 10

Nguồn: Kết quả điều tra Viện MT năm 2011

Trong 50 hộ giết mổ trâu bò, chỉ có 1 hộ xây dựng bể biogas, lượng phân còn lại sau khi giết mổ được các hộ dùng vòi xịt và cào đẩy ra cống rãnh của thôn. Do địa hình ở Phúc Lâm thấp, hệ thống kênh rạch, ao hồ hẹp, khả năng thoát nước kém nên nước thải cứ ứ đọng lại khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Hầu hết các ao, hồ ở Phúc Lâm đã trở thành những ao, hồ “chết”. Lông và da; xương; mỡ thừa được thu gom và đem bán.

Hình 27: Lượng phân sau khi giết mổ sẽ được cào và xịt xuống cống rãnh của thôn

Chất thải từ làng nghề là những chất thải của các hợp chất hữu cơ, chất vô cơ mà còn có cả vi sinh vật gây bệnh cho động vật và con người. Những chất thải từ các cơ sở giết mổ động vật khi ra ngoài môi trường gặp nhiệt độ phù hợp các chất thải này mau chóng bị phân hủy lên men, thối rữa do các vi khuẩn lên men Bacputripacien và vi khuẩn phân giải protein và các Bazơ hữu cơ khác. Các chất hỗn hợp này bốc mùi phát tán vào môi trường, những phần còn lại thì gây ô nhiễm nguồn nước, đất, gây bệnh lây lan sang con người và gia súc, gia cầm vật nuôi.

Bên cạnh đó một nguyên nhân chính khác dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là việc gây ô nhiễm nguồn nước ở Phúc Lâm do lượng muối và dịch thải ra trong công đoạn ướp da trâu bò. Theo điều tra, để ướp mỗi bộ da trâu bò cần ít nhất là 10 kg muối. Mỗi đêm Phúc Lâm giết mổ khoảng 100-150 con trâu bò thì đã có ít nhất 1-1,5 tấn muối được dùng cho việc tẩm ướp. Những bộ da trâu bò được ướp ít nhất là 1 tuần, nhiều là một vài tháng mới được xuất đi, muối, dịch ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Bảng 14. Số liệu điều tra tại các hộ chuyên ướp da ở Phúc Lâm

Đầu vào Đầu ra

Lượng da tươi (kg/ngày) Lượng muối trắng sử dụng (kg/ngày) Lượng da khô (kg/ngày)

Lượng nước thải do muối da (lít/ngày)

4.500 1.350 3.600 900

Nguồn: Số liệu điều tra 10 hộ ướp da tại thôn Phúc Lâm năm 2011

Riêng xương trâu bò trước khi bán cho các công ty làm thức ăn chăn nuôi gia súc phải được bóc sạch thịt. Vì số lượng xương quá nhiều, các hộ thường dồn xương vào các bao tải rồi thả xuống ao, kênh, mương, sau nửa tháng đến 1 tháng thịt rã ra mới vớt xương lên đem bán. Lúc đầu, ven con đường bê tông từ cổng làng vào sâu khoảng 300m, sau đó người giết mổ lại chuyển chỗ tập kết ra vệ đường 1A cũ, những bao tải chất đầy xương còn được chuyển qua đất của các xã bên cạnh gây ô nhiễm cho cả các xã lân cận.

Hình 29: Nước thải lẫn váng mỡ, máu, phân tại Phúc Lâm

Theo đánh giá thực tế, môi trường làng nghề Phúc Lâm chịu tác động với các nguồn chính là:

+ Nước thải sinh hoạt từ 502 hộ dân sinh hoạt hàng ngày (có 2056 khẩu) thải ra môi trường. Theo tiêu chuẩn quy định (TCVN 4513:1998) lượng nước cấp cho sinh họat là 100 lít/người/ngày. Nếu tính với hệ số thải là 0,80 thì hàng ngày trong thôn khối lượng nước thải phát sinh khoảng 0,1 x 2056 x 0,80 = 165 m3/ngày/đêm.

+ Nước thải sản xuất với lưu lượng ước tính khoảng trên 70-100 m3/ngày đêm được thải ra từ các hộ làm nghề giết mổ gia súc tập trung. Luợng nước thải này thông thường lẫn máu, phân và lông, váng mỡ… Nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất thải chung vào kênh mương của thôn ra các ao, hồ, đồng ruộng.

+ Chất thải rắn sinh hoạt từ 502 hộ dân sinh hoạt hàng ngày thải ra môi trường. Ước tính khoảng 1 tấn /ngày đêm, lượng rác thải này được thu gom và chuyển về bãi rác của huyện. Tuy nhiên, ở các ao làng, ven đồng vẫn thấy rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi.

+ Chất thải rắn sản xuất phát sinh từ các hộ làm nghề giết mổ gia súc ước tính khoảng trên 10 tấn /ngày đêm trong đó bao gồm: phân gia súc, lông, da, mỡ thừa, xương… Trong đó, da và xương được sơ chế và đem bán, còn lại hơn 3 tấn phân, lông lẫn máu được thải xuống cống rãnh của thôn ra các ao, hồ, ruộng xung quanh.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO “ỨNG DỤNG MỘT SỐ SẢN PHẨM SINH HỌC, HÓA HỌC VÀ THỰC VẬT XỬ LÝ NƯỚC THẢI LÀM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI LÀNG NGHỀ PHÚC LÂM HUYỆN VIỆT YÊN, BẮC GIANG (Trang 64 - 69)