B. NỘI DUNG
1.2. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công
công bố và những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu giải quyết
1.2.1. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến đề tài luận án
Thứ nhất, các công trình đã khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ,
đặc biệt là sinh viên; đồng thời, khẳng định sự cần thiết phải trang bị cho họ hệ thống tri thức, bản lĩnh chính trị để họ đủ phẩm chất, năng lực trong hành trang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình đều đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ để họ trở thành con người toàn diện như niềm tin và sự kỳ vọng mà xã hội đã dành cho họ. Trước những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay, bản lĩnh chính trị của thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên trở thành vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là điểm tựa để họ vững tin trước những thử thách của cuộc sống. Đây được coi là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu các nội dung liên quan đến luận án.
Thứ hai, khái niệm bản lĩnh và bản lĩnh chính trị được các nhà khoa học
quan tâm bàn sâu. Bản lĩnh được khẳng định là phạm trù tổng hợp của nhiều đức tính, phẩm chất gắn liền với tính chủ thể, gắn liền với mỗi cá nhân; là kết quả của quá trình đào luyện và phấn đấu của chủ thể chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện trên giảng đường đại học.
Thứ ba, có khá nhiều công trình nghiên cứu về bản lĩnh chính trị gắn liền
với các chủ thể. Khi con người đạt đến một trình độ nhận thức nhất định và biểu hiện thông qua hành động phù hợp thì sẽ có bản lĩnh chính trị. Nghiên cứu bản
lĩnh chính trị của từng chủ thể mang tính đặc thù có thể thấy: 1) Bản lĩnh chính trị bao giờ cũng gắn liền với chủ thể, mang đặc trưng của chủ thể; 2) Bản lĩnh chính trị là phẩm chất quan trọng và cần thiết của mỗi cá nhân; 3) Bản lĩnh chính trị có cấu trúc bao gồm tổng hòa của nhiều đức tính, phẩm chất. Mỗi cấu trúc của bản lĩnh chính trị là một cái riêng sâu sắc mang tính chủ thể và tương đối hoàn chỉnh về mặt nội dung. Đây là một nguồn tư liệu quý giá để tác giả tham khảo khi xây dựng cấu trúc bản lĩnh chính trị của sinh viên.
Thứ tư, sinh viên là đối tượng được các nhà khoa học trong nước và ngoài
nước quan tâm nghiên cứu. Mặc dù các công trình nghiên cứu đề cập đến sinh viên trên nhiều phương diện khác nhau nhưng đều có chung nhận định, sinh viên là lực lượng mang lại sự kỳ vọng lớn lao cho đất nước với những đặc trưng nổi trội cả về ưu điểm lẫn hạn chế. Để sinh viên phát triển toàn diện theo đúng định hướng phát huy nguồn lực con người trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân sinh viên còn có sự tác động mạnh mẽ và nhiều chiều từ những yếu tố khách quan.
Như vậy, các nhà khoa học đã bàn đến một số nội dung liên quan đến bản lĩnh chính trị của sinh viên. Các công trình này trở thành những chỉ dẫn định hướng, cung cấp những cơ sở ban đầu cho việc nghiên cứu bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học về cả lý luận và thực tiễn. Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, nghiên cứu sinh trân trọng kế thừa và tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của những công trình đã công bố ở trên. Dựa vào phân tích trên có thể khẳng định, vấn đề bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học chưa trở thành đối tượng nghiên cứu của một công trình khoa học nào. Đây là một khoảng trống khoa học cần được bổ sung, nghiên cứu nhằm góp phần làm sáng tỏ vai trò bản lĩnh chính trị của sinh viên và sự cần thiết phải tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
1.2.2. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu giải quyết
Nghiên cứu về bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, góp phần quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động xung kích, tình nguyện, sáng tạo; phát huy tiềm năng và thế mạnh của sinh viên các trường đại học trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở kế thừa có
chọn lọc những kết quả nghiên cứu đã công bố, để làm rõ đề tài bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ, luận án cần tiếp tục giải quyết những vấn đề cơ bản sau:
Một là, luận giải khung lý thuyết khoa học về bản lĩnh chính trị của sinh
viên bao gồm: Khái niệm, nội dung, những yếu tố tác động bản lĩnh chính trị của sinh viên.
Làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về bản lĩnh chính trị và bản lĩnh chính trị của sinh viên; làm nổi bật những yếu tố tác động và sự cần thiết phải tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên. Đặc biệt, chỉ ra và phân tích cấu trúc bản lĩnh chính trị của sinh viên và sự ảnh hưởng của những yếu tố đó đến quá trình thực hiện vai trò và nhiệm vụ của sinh viên các trường đại học hiện nay.
Hai là, phân tích thực trạng, phân tích nguyên nhân của thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ.
Phân tích, đánh giá những điểm căn bản, khác biệt về thực trạng bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ qua các nội dung chủ yếu là lập trường chính trị, phẩm chất chính trị, năng lực chính trị, dũng khí chính trị. Dựa vào khung lý luận đã xây dựng, luận án chỉ ra nguyên nhân thực trạng, trên cơ sở đó, làm rõ hơn những vấn đề đặt ra nhằm tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ.
Ba là, xây dựng quan điểm và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường rèn
luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận và thực trạng bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ, luận án cần xây dựng quan điểm và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên. Luận án cần tập trung vào các giải pháp cơ bản để có thể giải quyết tốt những tiêu cực đã và đang tác động đến bản lĩnh chính trị của một số sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ hiện nay. Cần chú trọng và quan tâm đến các giải pháp nhằm khơi dậy và phát huy nghị lực vươn lên của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ trước những biến động phức tạp của tình hình chính trị - xã hội trong nước và thế giới.
Kết luận chương 1
Các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước đã có những đóng góp nhất định đối với vấn đề bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ. Bản lĩnh chính trị được khẳng định là tổng hòa của nhiều phẩm chất hay đức tính mang tính chủ thể, do đó, gắn liền với mỗi chủ thể. Các công trình cũng đã khẳng định, đối với mỗi người, bản lĩnh chính trị là đức tính cần thiết và do đó, cần xây dựng các giải pháp mang tính toàn diện để tăng cường giáo dục, rèn luyện, điều chỉnh nhận thức và hành vi đúng đắn cho mỗi chủ thể, mang lại ý nghĩa tích cực cho cộng đồng, cho đất nước.
Tuy nhiên, từ góc độ chính trị học, chưa có công trình nghiên cứu phân tích một cách có hệ thống cơ sở lý luận, đồng thời khảo sát đánh giá thực trạng để xây dựng quan điểm và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ. Do đó, luận án kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước và tiếp tục phát triển cơ sở lý luận về vấn đề bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ ở những chương sau của luận án là vấn đề hoàn toàn mới, không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố.
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
VỀ BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA SINH VIÊN 2.1. Một số khái niệm có liên quan
2.1.1. Khái niệm bản lĩnh chính trị
2.1.1.1. Bản lĩnh
Có nhiều quan niệm và cách tiếp cận khác nhau về bản lĩnh.
Trong Tâm lý học, bản lĩnh được hiểu là một phẩm chất của nhân cách mà thành phần cốt lõi là ý chí của con người được thể hiện ra trong hoạt động thực tiễn bao gồm các phẩm chất cơ bản như: tính mục đích, tính kiên định - vững vàng, tính kiên trì - bền bỉ, tính độc lập - tự chủ. Theo đó, nếu không có lòng dũng cảm, tính kiên trì và quyết tâm thì không thể xuất hiện bản lĩnh; ngược lại, nếu cả nể, tham lam và dễ dao động thì cũng không thể có bản lĩnh.
Theo Từ điển tiếng Việt, bản lĩnh là “đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, các hành động của mình” [168; tr.350]. Như vậy, hai yếu tố tạo nên bản lĩnh đó là ý thức và hành động của con người. Bản lĩnh được nói đến khi có sự vững vàng, tự chủ và từng trải của con người trong cuộc sống và hoạt động.
Bản lĩnh được xem xét trong mối quan hệ với các phẩm chất khác của con người bởi con người có bản lĩnh là lúc họ có khả năng và ý chí làm chủ cuộc sống của mình. Do đó, “bản lĩnh có thể hiểu là một phẩm chất xã hội cơ bản, tổng hợp của con người, phản ánh trình độ cao của việc làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân của con người, thể hiện sự vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, kiên định thực hiện mục đích đã chọn” [131; tr.33].
Bản lĩnh được biểu hiện ở trình độ làm chủ, khẳng định vai trò chủ thể của con người trong mối quan hệ biện chứng với thế giới và với chính mình. Về thực chất, bản lĩnh là năng lực làm chủ cuộc sống và hoạt động của con người: “bản lĩnh là một phẩm chất xã hội cơ bản, tổng hợp của con người, bảo đảm cho con người làm chủ cuộc sống và hoạt động của mình, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, kiên quyết đạt đến mục đích” [27; tr.31].
Quan niệm cho rằng, bản lĩnh là khái niệm thuộc phần người, tức là phần xã hội cho nên nó chỉ có ý nghĩa đối với con người sống trong xã hội. “Đây là phẩm chất có tính tổng hợp của con người, nó thể hiện ở tính kiên định và khả năng quyết định một cách độc lập thái độ, hành vi (hành động) của chủ thể
(người); không vì một tác động, áp lực bên ngoài nào làm thay đổi quan điểm, thay đổi chí hướng của mình; bằng ý chí và năng lực của mình, chủ thể quyết tâm thực hiện mục đích theo hướng kiên định của chủ thể” [144; tr.11].
Bản lĩnh là đức tính rất quan trọng đảm bảo cho thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Bản lĩnh là kết quả của quá trình rèn luyện trên nhiều lĩnh vực, giúp con người đứng vững trước những hoàn cảnh phức tạp và tình huống chính trị - xã hội có sự biến động. Bản lĩnh được khẳng định bao gồm những đặc điểm bên trong mang tính cốt lõi, đó là năng lực tiềm tàng và ổn định của con người. Bởi vậy, “bản lĩnh là yếu tố tạo nên giá trị của một con người, là mặt thực tiễn - hiệu quả của nhân cách. Bản lĩnh chỉ có ở con người, là sản phẩm của sự phát triển xã hội, là yếu tố để giúp con người thể hiện đúng mình, làm chủ bản thân mình trước những biến đổi đa chiều của cuộc sống xã hội” [143; tr.14-15].
Tiếp cận bản lĩnh ở các góc độ khác nhau chỉ là tương đối, bởi chúng có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, là tiền đề, điều kiện của nhau, xâm nhập vào nhau và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Bản lĩnh chỉ được hình thành và xuất hiện trong những hoàn cảnh cụ thể của con người như hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, nghiên cứu khoa học, thể thao, tôn giáo... Bản lĩnh thể hiện ở tính độc lập, tự chủ trong nhận thức, thái độ, hành vi; tính kiên định, vững vàng không vì một áp lực, một tác động bên ngoài nào làm thay đổi quan điểm, thay đổi chí hướng của mình; bằng ý chí và tài năng của mình để kiên trì, bền bỉ, quyết tâm thực hiện bằng được mục đích, lý tưởng mà mình đã chọn.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, bản lĩnh là phẩm chất tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo suy nghĩ, thái độ và hành động của chủ thể mà không bị dao động trước bất cứ tác động nào từ bên ngoài, là sự vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách và kiên quyết thực hiện mục đích đã xác
định ở một giai đoạn lịch sử cụ thể xác định.
2.1.1.2. Chính trị
Chính trị là một trong những lĩnh vực hoạt động cơ bản của đời sống xã hội kể từ khi xã hội phân chia thành giai cấp và nhà nước ra đời. Cho đến nay, có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau về chính trị.
Thuật ngữ chính trị (Politics) trong ngôn ngữ phương Tây ngày nay bắt nguồn từ chữ Hy Lạp có nguồn gốc là từ thành bang (Polis). Theo đó, chính trị là công việc của nhà nước.
Các triết gia như Khổng Tử, Platôn… đã tiếp cận từ “Chính trị” và các vấn đề chính trị cơ bản như quyền lực và tổ chức nhà nước. Nhà triết học Hy Lạp Arixtốt lại khẳng định, con người là động vật chính trị, mọi công dân có đạo đức (không phải là nô lệ hay phụ nữ) đều có quyền tham gia chính trị, nhưng một điểm chung lớn trong lý luận của các triết gia cổ đại này là quyền lực chính trị tốt nhất nên được nắm giữ bởi những ông vua thông thái. Vì thế chính trị ở đây có nghĩa là nghệ thuật cai trị và quản lý thành bang của một nhà lãnh đạo lỗi lạc, xuất chúng hay là khoa học giành và nắm giữ vương quyền trong thiên hạ.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, chính trị về thực chất bắt nguồn từ mối quan hệ về lợi ích giữa các giai cấp, các nhóm xã hội, các quốc gia dân tộc. Trong đó, trước hết và cơ bản nhất là lợi ích kinh tế. Từ đó ta thấy, cái chi phối trực tiếp chính trị chính là quan hệ giai cấp và vấn đề trung tâm then chốt nhất trong chính trị là vấn đề quyền lực nhà nước. Vấn đề quan hệ giai cấp và vấn đề quyền lực nhà nước là hai vấn đề cơ bản nhất của chính trị. Hay nói cách khác, chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, các dân tộc, các lực lượng xã hội trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước.
Gắn với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước ta, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chính trị luôn gắn liền với đạo đức, và Người đặc biệt nhấn mạnh đạo đức: “Mục tiêu của chính trị là hành động vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ. Nội dung cơ bản trong quan niệm về chính trị là đoàn kết và đạo đức. Chính trị là đoàn kết. Chính trị - sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước là sự đoàn kết...” [113; tr.263].
Một cách tiếp cận khác, Từ điển Triết học định nghĩa: “Chính trị là sự