B. NỘI DUNG
2.4. Sự cần thiết tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên
2.4.1. Xuất phát từ vị trí, vai trò của sinh viên trong xã hội
Ph.Ăngghen trong “Thư gửi đại hội quốc tế sinh viên xã hội chủ nghĩa” ngày 19/12/1893, đã cho rằng, để giải phóng giai cấp công nhân thì ngoài những
trạng sư, những chất liệu ưu tú ban đầu để tạo ra (những nhà hoạt động chính trị mà trước đây các cuộc cách mạng tư sản đã rất chú trọng điều đó) thì “còn cần những bác sĩ, kỹ sư, nhà hoá học, nhà nông học và các chuyên gia khác, thì vấn đề không những phải nắm lấy toàn bộ nền sản xuất xã hội và ở đây, thay cho những câu nói trên cần có những tri thức vững chắc” [105; tr.613-614]. Kế thừa tư tưởng của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc rằng: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và Người cũng khẳng định công cuộc xây dựng CNXH muốn thắng lợi thì nhất định phải có học thức. Ngay sau khi cách mạng vừa mới thành công, Người đã nghĩ ngay đến việc xây dựng đất nước hùng mạnh, sánh kịp với các nước khác mà lực lượng để làm công việc này không ai khác ngoài học sinh, sinh viên. Người chỉ rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” [107; tr.34-35]. Trong thư Gửi thanh
niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, tháng 1/1946, Người khẳng
định: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội" [97; tr.194].
Nhận thức rõ điều đó, từ khi Đảng ta lên nắm chính quyền, vai trò, vị trí của thanh niên, sinh viên luôn được Đảng ta đánh giá là một lực lượng quan trọng góp phần vào sự thành bại của cách mạng. Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII của Đảng ta khẳng định: Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người… Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên [30].
Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Nghị quyết khẳng định: Tiếp tục xây dựng thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; có đạo đức cách mạng, ý thức
chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể trở thành những công dân tốt của đất nước… [33].
Trong giai đoạn nào, thanh niên, sinh viên cũng được đặt ở vị trí trung tâm chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [37; tr.162].
Nói đến vị trí xã hội của sinh viên là nói đến chỗ đứng và mối quan hệ của họ trong xã hội. Tuy nhiên, vị trí xã hội của sinh viên chỉ là tương đối vì trên thực tế, sinh viên chưa có một vị trí thực trong xã hội bởi lẽ họ chưa có nghề nghiệp ổn định, chưa có một vị trí độc lập trong hệ thống sản xuất xã hội. Vị trí thực của sinh viên chỉ được khẳng định khi họ trở thành những trí thức trẻ, những người lao động tự chủ, những chuyên gia lành nghề trên một lĩnh vực hoạt động nào đó theo ngành nghề đã lựa chọn. Để có vị trí thực đó phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực phấn đấu và nghị lực vươn lên của bản thân trong suốt quá trình học tập, rèn luyện trên giảng đường đại học.
Sinh viên là lực lượng xã hội đang trưởng thành, đang phát triển để trở thành những chủ nhân tương lai đóng góp vào nguồn nhân lực cho đất nước. Sinh viên còn là nguồn dự trữ đáng kể để bổ sung vào đội ngũ trí thức - những người lao động trí óc có nhiệm vụ truyền bá, nghiên cứu, phát minh khoa học, đưa khoa học phục vụ cuộc sống. Trí tuệ là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, dân tộc. Đất nước Việt Nam có phồn vinh và vững mạnh trong tương lai hay không là phụ thuộc phần lớn vào thế hệ trẻ, vào lực lượng sinh viên.
2.4.2. Góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí” [116; tr.40]. Người còn nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải
có con người xã hội chủ nghĩa” [115; tr.604]. Mục đích cuối cùng của giáo dục toàn diện là nhằm tạo ra lớp người có năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu thời đại, trong đó đức và tài là hai mặt không thể thiếu. Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học - kĩ thuật, lao động và sản xuất” [115; tr.647]. Những luận điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới XHCN, con người phát triển toàn diện được tiếp thu và thể hiện nhất quán trong quan điểm của Đảng ta về giáo dục con người toàn diện.
Quan điểm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là mục tiêu chiến lược vừa trước mắt vừa lâu dài của Đảng ta: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội” [31; tr.114]; “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” [32; tr.106]; “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc” [39; tr.231].
Sinh viên là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là lực lượng ưu tú làm chủ tương lai của nước nhà. Luật Giáo dục (2019) chỉ rõ, mục tiêu giáo dục đại học là “đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc; có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ Nhân dân” [134].
Rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên hướng đến xây dựng hình mẫu sinh viên toàn diện phù hợp với các tiêu chí con người toàn diện hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực chất, đó là quá trình giáo dục lớp sinh viên có trình độ nhận thức đầy đủ về các quy luật của hoạt động chính trị - xã hội, có cái nhìn khách quan, chân thực về thế giới với những mâu thuẫn vốn có và cách thức giải quyết các mâu thuẫn nội tại để thúc đẩy xã hội phát triển.
Người sinh viên phát triển toàn diện không những phải nắm vững tri thức khoa học, tri thức khoa học xã hội và nhân văn mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Quá trình rèn luyện bản lĩnh chính trị giúp sinh viên khẳng định bản thân và hòa nhập vào xã hội hiện đại, góp phần phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, nâng cao khả năng thích ứng với xu thế đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế.
2.4.3. Giúp sinh viên đứng vững trước những tác động tiêu cực từ mặt trái nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự chống phá của các thế lực thù địch
Từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, CNXH rơi vào thoái trào, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đứng trước nhiều thử thách, khó khăn. Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa đã tạo môi trường quốc tế thuận lợi, nhưng đồng thời, nền hòa bình thế giới cũng đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ. Đó là những âm mưu và hành động của các thế lực phản động can thiệp thô bạo đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhiều nước trên thế giới bất chấp các chế định hành xử của luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc của Liên hợp quốc. Vấn đề biển Đông đã và đang ảnh hưởng đến hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á cho thấy sự bất ổn về chính trị luôn tiềm ẩn và có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đặc biệt hướng tới lĩnh vực chính trị, tư tưởng và đạo đức thực chất là nhằm vào thế hệ trẻ: “Thế hệ trẻ là một trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch: sinh viên là đối tượng mà các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hoà bình”, nhằm mục tiêu chống phá cách mạng trong hiện tại và tương lai” [75]. Với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, chúng đã len lỏi vào các ký túc xá, giảng đường, đến các hội thảo khoa học... lôi kéo, kích động, nhằm tạo ra sự bất ổn về chính trị tư tưởng, làm cơ sở cho những vụ gây rối trật tự an ninh trong đời sống sinh viên và trong xã hội. Nhưng với đặc tính nhanh nhạy và bản lĩnh vững vàng, nhiều sinh viên đã phát hiện và đấu tranh trực diện đối với các hoạt động tuyên truyền, kích động của chúng một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, không ít sinh viên còn hiểu biết mơ hồ về chính trị, bị các thế lực thù địch lôi kéo, làm lệch lạc về tư tưởng. Vì vậy, nếu không được định hướng đúng đắn, không được chú ý mạnh mẽ cả
về nội dung và phương thức tiến hành rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội trong đó có sự dao động về bản lĩnh chính trị của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên nhằm khắc phục những hạn chế, lệch chuẩn, giúp họ “phòng ngừa”, “miễn dịch” trước những loại vi rút có hại lây lan và có nguy cơ gặm nhấm thực thể xã hội như hiện nay. Nâng cao bản lĩnh chính trị của sinh viên để họ biết tận dụng những cơ hội, biết sử dụng những lợi thế của mình để tự tin trên con đường nắm bắt tri thức khoa học, tăng cường sức mạnh của ý chí và củng cố lập trường, niềm tin. Với ưu thế của tuổi trẻ, họ sẽ đứng vững để không sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống. Trước những luồng văn hóa khác nhau, họ biết chọn lọc, tiếp thu những giá trị chân chính để hoàn thiện bản thân.
Kết luận chương 2
Sinh viên là lực lượng xã hội quan trọng góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, là nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước. Đối tượng giáo dục của trường đại học là sinh viên, chất lượng giáo dục của trường đại họclà người học không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những biến thiên của đời sống xã hội, có định hướng đúng đắn trong suy nghĩ và hành động vì mục tiêu đã định.
Bản lĩnh chính trị của sinh viên là một khái niệm vừa trừu tượng nhưng cũng vừa rất cụ thể do bốn thành tố cơ bản cấu thành, đó là lập trường chính trị, phẩm chất chính trị, năng lực chính trị, dũng khí chính trị. Bản lĩnh chính trị của sinh viên bị tác động bởi tác động của các chủ thể đào tạo, bồi dưỡng; tác động của môi trường văn hóa, kinh tế, xã hội; tác động của yếu tố tâm sinh lý lứa tuổi và bản thân tự rèn luyện. Những yếu tố này tác động, thẩm thấu vào quá trình giữ vững lập trường chính trị, trau dồi năng lực chính trị và phẩm chất chính trị, rèn luyện dũng khí chính trị của sinh viên. Đáp ứng sự kỳ vọng lớn lao của xã hội dành cho sinh viên, việc rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên là rất cần thiết nhưng cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức cần sự quan tâm, định hướng của các trường đại học và sự ý thức của chính bản thân sinh viên.
Chương 3
THỰC TRẠNG BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÙNG BẮC TRUNG BỘ HIỆN NAY