Điều trị THA là cần cả một quá trình lâu dài, nghiêm túc, tuân thủ điều trị bằng thuốc và cả lối sống sinh hoạt, tinh thần và thể chất của bệnh nhân. Thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và phòng ngừa biến chứng do THA gây ra. Ở
nghiên cứu này, các đối tượng được khảo sát hầu hết bắt đầu điều trị ngay khi được chẩn đoán THA. Thời gian mắc bệnh THA càng lâu thì thời gian điều trị càng kéo dài. Kết quả ở nghiên cứu cho thấy đa số bệnh nhân mắc bệnh THA trên 5 năm chiếm hơn một nửa (61,33%). Còn lại là giai đoạn 1-5 năm. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu “Mối liên quan giữa tăng huyết áp và trầm cảm kèm rối loạn lo âu: Kết quả từ một mẫu đại diện trên toàn quốc ở người lớn Nam Phi” của tác giả Anna Grimsrud cùng cộng sự năm 2009 [22]. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở đối tượng nghiên cứu khá tốt 89%, điều này cho thấy rằng đa số bệnh nhân có tuân thủ điều trị uống thuốc mỗi ngày và lối sống sinh hoạt kèm theo. Kết quả này cao hơn kết quả nghiên cứu của tác giả Bùi Thị Thúy Vân ở bệnh nhân THA tại Bệnh viện quận 2 là 71% [17]. Tuy có sự chênh lệch nhưng cũng thể hiện được ý thức quan tâm sức khỏe ở đối tượng nghiên cứu.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiền sử gia đình có liên quan đến chất lượng cuộc sống của người THA. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra có 59% tiền sử gia đình bệnh nhân có người bị THA. Ở những bệnh nhân THA thường có bệnh mạn tính đi kèm đặc biệt ở những người lớn tuổi. Cụ thể ở nghiên cứu này tỷ lệ là 68,33%, trong đó bệnh đái tháo đường (47,8%) và bệnh về khớp (49,76%) chiếm tỷ lệ cao nhất và gần tương đương nhau còn lại là các bệnh khác như viêm dạ dày, nhồi máu cơ tim...kết quả này gần bằng với kết quả nghiên cứu trước đó của tác giả Lý Thị Phương Hoa [6].