Trong thí nghiệm của Bơ-rao nếu ta cùng tăng nhiệt độ của nước thì chuyển động của các hạt phấn hoa càng nhanh, chứng tỏ các phân tử nước chuyển động càng nhanh và va đập vào các hạt phấn hoa càng mạnh. Nhiều thí nghiệm khác cũng chứng tỏ: nhiệt độ càng cao, các nguyên tử, phân tử chuyển động càng nhanh. Vì chuyển động của các nguyên tử, phân tử liên quan chặt chẽ với nhiệt độ nên chuyển động này được gọi là chuyển động nhiệt.
IV - VẬN DỤNG
C4 Đổ nhẹ nước vào một bình đựng dung dịch đồng sunfat màu xanh (h.20.4). Vì nước nhẹ hơn nên nổi ở trên thành một mặt phân cách giữa hai chất lỏng. Sau một thời gian, mặt phân cách này mở dần rồi mất hẳn. Trong bình chỉ còn một chất lỏng đồng nhất màu xanh nhạt. Nước và đồng sunfat đã hòa lẫn vào nhau.
73
Hiện tượng này gọi là hiện tượng khuếch tán.
Hãy dùng những hiểu biết của mình về nguyên tử, phân tử để giải thích hiện tượng trên.
C5 Tại sao trong nước, hồ, ao, sông, biển lại có không khí mặc dù không khí nhẹ hơn nước rất nhiều?
C6 Hiện tượng khuếch tán có xảy ra nhanh hơn khi tăng nhiệt độ không? Tại sao?
C7 Bỏ vài hạt thuốc tím vào môt cốc đựng nước lạnh và một cốc đựng nước nóng. Quan sát hiện tượng xảy ra và giải thích.
Ghi nhớ:
* Các nguyên tử, phân tử chuyển động không ngừng.
* Nhiệt độ của vật càng cao thì các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh.
- Ở nhiệt độ 0oC các phân tử hiđro chuyển động với vận tốc trung bình khoảng 1.700m/s, nghĩa là khoảng 6.120km/h, nhanh gấp hơn năm lần các máy bay phản lực hiện đại.
- Các phân tử khí chuyển động trong phòng với vận tốc trung bình từ 100m/s đến 2.000m/s. Tại sao khi mở lọ nước hoa ở đầu lớp thì phải vài giây sau ở cuối lớp mới ngửi mùi nước hoa? Đó là vì, các phân tử nước hoa không chuyển động thẳng từ đầu lớp đến cuối lớp, mà chuyển động dích dắc từng đoạn rất ngắn do bị va chạm vào các phân tử không khí, giống như một người đi trong đám đông, hết chạm phải người này lại va phải người kia.
74
Bài 21 - NHIỆT NĂNG
Trong thí nghiệm về thả quả bóng rơi (H.21.1), mỗi lần quả bóng nảy lên, độ cao của nó lại giảm dần. Cuối cùng không nảy lên được nữa. Trong hiện tượng này rõ ràng là cơ năng đã giảm dần. Vậy cơ năng đã biến mất hay đã chuyển thành một dạng năng lượng khác?
I – NHIỆT NĂNG
Các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động không ngừng, do đó chúng có động năng. Tổng động năng của các phân tử cấu tạo nên vật gọi là nhiệt năng của vật.
Nhiệt năng có quan hệ chặt chẽ với nhiệt độ. Nhiệt độ của vật càng cao thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh và nhiệt năng của vật càng lớn.