Đi chùa đầu năm:

Một phần của tài liệu BÀI TIỂU LUẬN CHỦ ĐỀ: TẾT NGUYÊN ĐÁN (Trang 26 - 28)

a) Đi chùa đầu năm:

Đi chùa đầu năm dường như đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nhất là vào ngày mồng 1 Tết, người dân đã tổ chức đi chùa để cầu sức khỏe, cầu bình an và may mắn cho một năm sắp tới. Người dân Việt Nam đi chùa thường có quan niệm rằng, sau một năm cũ đã qua với bao nhiều bộn bề lo toan của cuộc sống, năm mới sẽ có nhiều điều may mắn hơn, hạnh phúc hơn. Cũng có những người đến chùa mong tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng tất cả đều hướng đến tấm lòng thành kính, thành tâm. Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người người Việt, họ tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.

b) Điểm khác biệt trong phong tục này giữa miền Nam và miền Bắc:

Cũng là lễ chùa đầu năm, nhưng cách thức và nghi lễ ở hai miền Nam - Bắc có những nét khác nhau. Đối với người miền Bắc, khi đi chùa đầu năm thường phải có đồ lễ, hoặc hương hoa. Theo lệ thường, mâm lễ bao giờ cũng đủ cả hương, hoa, tiền vàng và một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm vạn sự như ý. Đặc biệt, trong lời văn khấn của người miền Bắc thường có vần, có điệu, âm vực thì trầm bổng. Khi thể hiện, lời khấn nghe như thơ, như nhạc ngân nga trong không gian u huyền của đình chùa, tạo nên sự linh thiêng, hư ảo. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm. Còn đối với người miền Nam, việc hành lễ đơn giản hơn, đầu năm đi lễ chùa thường không phải đem theo đồ lễ, nếu có cũng chỉ là hoa quả chứ không bao giờ có đồ mặn (xôi thịt) như người miền Bắc. Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ. Người lên chùa ước gì thì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ bằng chữ nho. Cách khấn như thế người ta hay gọi là khấn nôm. Tuy phong tục tập quán giữa các miền có khác nhau, nhưng lễ chùa đầu xuân đã trở thành thói quen, thành nét văn hóa tâm linh của tất cả người Việt. Tại đây, mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đều bị xóa nhòa, tất cả gặp nhau ở miền tâm thức linh thiêng.

2.3.7. Hoá vàng:

Ngày mồng 4 tháng Giêng lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia. Tục hóa vàng ngày mồng 4 hoặc mồng 5, ngày ấy xấu hay là chạm phải tuổi chủ nhà thì hóa trước sau một ngày cũng được, có nhà để đến mồng 7 mới hóa vàng ; gọi là ngày cúng tiễn ông vải. Nhiều gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tục hóa vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hóa vàng thường gắn với đời sống thường nhật để thấy con người ở thế giới vô hình bên kia sống gần với dương gian.

2.3.8. Khai hạ:

Ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ cây Nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên Đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.

Một phần của tài liệu BÀI TIỂU LUẬN CHỦ ĐỀ: TẾT NGUYÊN ĐÁN (Trang 26 - 28)