Đánh giá cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng và tế nhị, nhạy cảm, phức tạp. Nó chẳng những là khâu mở đầu quyết định để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bố trí, sử dụng, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đánh giá cán bộ đúng thì sử dụng đúng, đánh giá sai thì sử dụng sai. Sử dụng sai cán bộ sẽ để lại hậu quả nhiều mặt, những người xấu, những kẻ cơ hội có cơ “chui sâu, leo cao”, người tốt, người giỏi không được đánh giá đúng mất dần động lực phấn đấu, tập thể tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thì tiềm ẩn những yếu tố mất đoàn kết, mất lòng tin vào lãnh đạo, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá không đúng, ảnh hưởng không tốt đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, phá vỡ quy hoạch, luân chuyển cán bộ không đạt được mục tiêu ban đầu, lãng phí đào tạo, bồi dưỡng; ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ, đông về số lượng nhưng không mạnh, không ngang tầm nhiệm vụ. Vì vậy phải đổi mới cách nhìn nhận về cán bộ, có phương pháp xem xét, đánh giá cán bộ với quan điểm khách quan, toàn diện lịch sử, phát triển. Nắm vững và dựa vào tiêu chuẩn chức vụ từng loại cán bộ, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ một cách cụ thể, khoa học, chính xác và thống nhất. Phải đánh giá toàn diện cả đức và tài, đặc biệt chú trọng về phẩm chất chính trị và năng lực trí tuệ của cán bộ, phải hiểu biết cả “sở trường”, “sở đoản” của cán bộ. Khắc phục tình trạng nhận xét
đánh giá cán bộ một cách chung chung trừu tượng, tuỳ tiện chủ quan theo kiểu “ưu ai nên tốt, ghét ai nên xấu”, xem xét phiến diện lúc nhấn mạnh mặt này, lúc nhấn mặt khác, lẫn lộn giữa điều kiện với tiêu chuẩn, đồng nhất bằng cấp học vị với phẩm chất, năng lực. Cần đánh giá bằng cấp học vị đúng với ý nghĩa của nó là hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Người cán bộ tốt nhất thiết phải là người hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đổi mới vấn đề bố trí sử dụng cán bộ. Trong bố trí sử dụng cán bộ, cần chú ý: Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, bố trí đúng người, đúng việc, đúng sở trường, thực hiện trẻ hoá đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính liên tục và phát triển. Đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần đúng lúc, giao việc đúng tầm, khuyến khích được cán bộ vươn lên đảm nhiệm công việc cao hơn. Tốt nhất nên giao việc vào lúc cán bộ đang có xu hướng phát triển, đừng để lúc cán bộ chững lại mới đề bạt thì sẽ không phát huy hết tài năng sáng tạo tinh thần hăng hái, nhiệt tình của mình để đạt hiệu quả cao trong công việc được giao. Do vậy việc bố trí sử dụng cán bộ phải xuất phát từ tiêu chuẩn cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của từng đơn vị. Tức là tuỳ việc mà đặt người chứ không phải vì người mà đặt việc, phải bố trí sử dụng đúng người đúng việc, đúng chuyên môn nghiệp vụ, không nên để cán bộ quá lâu ở một vị trí lãnh đạo, dễ làm cho cán bộ chững lại vừa gây lên ùn tắc của đội ngũ cán bộ.
Yêu cầu bố trí sử dụng phải thực hiện tốt tính kế thừa, tính liên tục và tính phát triển. Kết hợp giữa cán bộ già và cán bộ trẻ, giữa các độ tuổi, vừa trẻ hoá cán bộ vừa giữ gìn được chất lượng cán bộ. Chú trọng sử dụng những cán bộ có chất lượng qua rèn luyện thử thách trong khó khăn phức tạp, trong hoạt động thực tiễn và trong đấu tranh cách mạng.