Các biến nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Thị trường chứng khoán Việt Nam trong mối tương quan với các nhân tố kinh tế vĩ mô (Trang 32 - 33)

Đề tài này nghiên cứu mối tương quan của chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index (VNI) với các nhân tố kinh tế vĩ mô như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tỷ giá hối đoái VND/USD (FX) và lãi suất cho vay (LR).

Biến VNI đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam được lấy theo chỉ số VN-Index của phiên giao dịch cuối cùng trong quý. Theo nhiều cơ sở lý thuyết cũng như các kết quả nghiên cứu trước đây như của Atje và Jovanovic (1993) cũng như Levine và Zervos (1996), biến VNI được cho rằng sẽ có tác động cùng chiều và đáng kể đối với biến GDP, trong khi không có nhiều bằng chứng để có thể dự báo về tác động của biến VNI đối với các biến CPI, FX, LR.

Biến GDP đại diện cho mức độ tăng trưởng của nền kinh tế và được xác định bằng giá trị tổng sản phẩm quốc nội theo quý. GDP sử dụng trong bài nghiên cứu là GDP thực, được tính theo giá cố định của năm gốc 1994. GDP thực đã loại bỏ tác động của lạm phát nên sẽ phản ánh chính xác sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo nhiều cơ sở lý thuyết cũng như các kết quả nghiên cứu trước đây, biến GDP được dự báo sẽ chịu tác động của biến VNI cũng như các biến còn lại và theo kết quả nghiên cứu của Feridun (2006) chúng ta cũng có thể dự báo về tác động cùng chiều của biến GDP lên biến VNI.

Biến CPI đại diện cho mức độ lạm phát của nền kinh tế và được xác định bằng chỉ số giá tiêu dùng theo quý được tính trên cơ sở năm gốc là năm 2005 (CPI năm 2005 = 100). Biến CPI được dự báo sẽ có tác động ngược chiều đối với biến VNI, giống như kết quả thu được từ các nghiên cứu của Aliyu (2010) hay Francis và Tewari (2011).

Biến FX đại diện cho tỷ giá hối đoái VND/USD và được xác định bằng tỷ giá cuối quý theo số liệu công bố của IMF. Sự tăng lên trong biến FX, đồng nghĩa với việc giá trị của VND bị mất đi, được dự báo sẽ tác động cùng chiều lên biến VNI,

giống như kết quả nghiên cứu của Ajayi và Mougoue (1996) hay Sevuktekin và Nargelecekenler (2007).

Biến LR đại diện cho lãi suất và được xác định bằng lãi suất cho vay theo năm cuối mỗi quý. Trong các nghiên cứu trước đây, lãi suất tín phiếu kho bạc thường được chọn để đại diện cho lãi suất nhưng trong bài nghiên cứu này tác giả chọn lãi suất cho vay do tác động trực tiếp và to lớn của nó đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng cũng như thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung. Dựa trên kết quả nghiên cứu trước đây của Menike (2006) hay Mashayekh và cộng sự (2011), biến LR được dự báo sẽ có tác động ngược chiều lên biến VNI.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Thị trường chứng khoán Việt Nam trong mối tương quan với các nhân tố kinh tế vĩ mô (Trang 32 - 33)