Nghệ thuật tổ chức thời gian kỳ ảo trong Liêu trai chí dị

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong liêu trai chí dị của bồ tùng linh (Trang 37 - 45)

7. Bố cục khoá luận

2.1.2. Nghệ thuật tổ chức thời gian kỳ ảo trong Liêu trai chí dị

Thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học bởi nó thể hiện thực chất sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Dù là thời gian cõi âm, cõi tiên hay thời gian mộng nhà văn đều dụng công để xây dựng, mỗi kiểu thời gian lại được tổ chức theo những phương thức nhất định sao cho tối ưu và đạt hiệu quả cao nhất. Sử dụng yếu tố kỳ ảo như một phương tiện hữu hiệu, thời gian kỳ ảo trong Liêu trai cũng được xây dựng

một cách đặc biệt và độc đáo.

Trong Liêu trai chí dị, thời gian kỳ ảo được nhà văn xây dựng theo kết cấu vòng tròn: thời gian thực – thời gian ảo – thời gian thực. Và ở mỗi kiểu thời gian kỳ ảo khác nhau, Bồ Tùng Linh đều có sự kết hợp với các phương tiện nghệ thuật khác để xây dựng thời gian kỳ ảo đặc biệt trong tác phẩm của mình.

2.1.2.1. Nghệ thuật tổ chức thời gian cõi âm

Thời gian cõi âm trong Liêu trai chí dị chính là cách nhìn nhận, đánh

giá của tác giả về thế giới của những người đã khuất, từ đó lý giải hoạt động nhân vật trong thế giới của màn đêm vì thế nó không giống như phần lớn kiểu thời gian đặc trưng trong tiểu thuyết trung đại (thời gian tuyến tính) trong các câu truyện về thế giới âm phủ của Liêu trai, hầu như tác giả đều sử dụng kết cấu thời gian đảo ngược, không tuân theo trình tự quá khứ - hiện tại - tương lai.

Với cách tổ chức dựa trên những giấc mộng của nhân vật thời gian không chỉ trở nên phi tuyến tính mà điểm nhìn trần thuật cũng có sự thay đổi. Lúc này điểm nhìn trần thuật dịch chuyển từ tác giả sang nhân vật, để nhân vật tự kể về những sự kiện. Vì vậy cảm nhận thời gian cũng mang tính chất chủ quan chứ không đơn thuần là khách quan. Khi nhân vật bước vào cõi âm trong giấc mộng hay chính là đến với tương lai của mình thì trật tự thời gian lúc này không còn tuyến tính mà bị đảo lộn theo trình tự hiện tại-tương lai- hiện tại. Trong truyện Tục hoàng lương, ông hiếu liêm họ Tăng nằm ngủ thiếp đi một lát mà thấy được cả hai số kiếp của mình. Một kiếp được làm tể tướng, vì gây nhiều tội ác khi xuống âm phủ phải chịu rất nhiều hình phạt khác nhau. Thời gian Tăng sinh chịu đau đớn dưới cõi âm, rồi sau đó bắt đầu thai làm con gái kẻ ăn mày đều là thời gian của tương lai. Khi Tăng tỉnh dậy cũng là lúc quay trở về thực tại, nhưng quãng thời gian cõi âm mà Tăng trải qua đã khiến những suy nghĩ của kẻ ngông cuồng, kiêu ngạo đổi khác.

Không chỉ đảo ngược trật tự thời gian mà nhà văn khi xây dựng thời gian cõi âm còn tổ chức thời gian với tốc độ - nhịp điệu khác nhau, tùy theo dụng ý nghệ thuật. Thời gian cõi âm có khi được miêu tả nhanh chóng với các sự kiện dồn dập. Trong truyện Liên Toả khi Dương Vô Úy xuống âm phủ

khẩn trương. “Bỗng thấy nàng đến trao cho con dao, rồi cầm tay dẫn đi đến một tòa nhà, hai người bước vừa mới bước vào đóng cửa thì nghe bên ngoài có kẻ cầm đá động vào cửa rầm rầm... Vương mở cửa chạy luôn ra, trông thấy một người đội mũ đỏ, vận áo xanh, râu tua tủa như lông chim ở hai bên mép. Vương thét đuổi nó đi, nó vác đá ném lại rào rào như mưa, trúng ngay cánh tay, chàng bị thương, không cầm dao được nữa. Giữa lúc nguy cấp, xa trông thấy một người vai mang cung tên đi săn, nhìn kĩ chính là Vương sinh. Chàng kêu gào cầu cứu, Vương giương cung chạy tới bắn vào bắp đùi tên lính. Bồi thêm nhát nữa, nó ngã chết liền”. Chỉ trong khoảnh khắc mà bao nhiêu sự kiện dồn dập diễn ra khiến cho thời gian bị kéo căng ra hết mức. Người đọc thấy thời gian trôi qua vùn vụt. Các phó từ chỉ thời gian như: “bỗng” “giữa lúc nguy cấp”, “đoạn”, “vừa đến”, “vừa mới”,... chỉ sự nhanh chóng của thời gian được tác giả sử dụng hết sức hiệu quả, tái hiện thời gian nhanh chóng, gấp rút nơi cõi âm. Kiểu đẩy nhanh thời gian này ở cõi âm thường gắn với những vụ xử án, nhằm rút ngắn tới mức tối đa thời gian thực hiện công lý.

Cũng có khi thời gian cõi âm được miêu tả hết sức chậm rãi, thư thả. Thời gian hành pháp bị kéo dài ra nhằm thể hiện sự tàn khốc, dã man, đáng sợ, của những hình phạt nơi âm ti và sự hôi hám của những kẻ cần cán cân công lý. Trong truyện Lý Bá Ngôn, khi Lý Bá Ngôn được đưa xuống âm phủ làm Diêm vương, tác giả đã đưa thêm những đoạn miêu tả khung cảnh công đường nơi âm phủ để thời gian cõi âm chậm lại: “Đoàn hộ tống đón ông đi, vào một tòa cung điện, đem mũ áo mới ra mặc. Hai bên nha dịch đứng hầu, mười phần cung kính, nghiêm túc”. Hay khi xử phạt, tác giả đã miêu tả hình phạt để thấy được sự tàn khốc của những hình phạt ấy. Tội “nướng” được miêu tả như sau: “dưới thềm có một cây cột đồng rỗng, cao khoảng 8-9 thước, chu vi đầy một ôm, trong ngoài cùng đốt than củi, cột đỏ rực. Một bầy quỷ sứ vác gậy đánh phạm nhân phải leo lên cột đồng. Y hai tay ôm cột níu lên, hai

chân quặp lấy cột đẩy tới, cứ từng nấc, từng nấc choài lên. Vừa đến đỉnh cột bỗng một làn khói phun vọt, một tiếng nổ uỳnh như pháo đại, phạm nhân ngã lộn xuống, sõng xoài trên mặt đất, một hồi sau mới tỉnh dậy”. Rõ ràng, khi xét xử, sự việc nguy cấp cần phải đi nhanh nhưng ngòi bút tác giả lại cố tình chậm lại miêu tả chi tiết những hình phạt, kìm hãm tình tiết, kìm hãm thời gian, vì vậy nhịp điệu thời gian chùng xuống trước khi bị kéo căng ra. Khi hình phạt được thi hành, thời gian chậm rãi giúp người đọc cảm nhận rõ ràng sự thảm khốc trong hình phạt và bộ mặt thối nát của quan lại cầm quyền.

Tài năng của nhà văn họ Bồ không chỉ dừng lại ở đó. Cái tài của ông là trong cùng một truyện, cùng một lúc sử dụng nhiều kiểu thời gian, khi đẩy nhanh, khi hãm chậm, dan xen tài tình để thể hiện ý đồ của mình. Trong truyện Cầm Sắt, khi Vương sinh lạc vào chốn cửu u, nhà văn đã miêu tả rất

rùng rợn cảnh tượng hãi hùng để cho thấy hiện thực xã hội thối nát, bất công nơi dương thế, mà chốn âm phủ là chiếc gương soi chiếu rõ ràng nhất. Thời gian cõi âm dãn ra, chậm lại, để từng chi tiết in sâu vào tâm trí người đọc. Nhưng khi bọn cướp đến lùng bắt Cầm Sắt thì nhà văn lại đẩy nhanh thời gian đến mức tối đa bằng việc sử dụng liên tiếp, dồn dập các sự kiện trong một thời gian rất ngắn. Cuốn người đọc vào vòng xoáy của sự kiện, tạo nên sự hấp dẫn lạ thường. Tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao, gây ấn tượng mạnh với độc giả. Khiến cho cả độc giả và nhân vật đều cảm thấy đau đớn, phẫn uất.

Với trình tự kể bị xáo trộn, đảo ngược cùng với tốc độ, nhịp điệu thời gian trần thuật không bằng phẳng mà có sự dồn ép kéo căng, thời gian cõi âm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Đồng thời làm tăng sức hấp dẫn, uyển chuyển, kỳ ảo cho cõi âm nói riêng và toàn cõi Liêu trai nói chung.

2.1.2.2. Nghệ thuật tổ chức thời gian cõi tiên

Thời gian cõi tiên là một hình tượng thời gian đậm chất kỳ ảo. Thời gian cõi tiên là kiểu thời gian phi hiện thực song lại có khả năng phản ánh

cuộc sống, tâm hồn của con người, của những nhân vật Liêu trai ở một góc

nhìn khác biệt, thể hiện khát vọng bất diệt của con người về một cuộc sống hạnh phúc, hoan lạc, trường tồn.

Trong tổng số 78 câu truyện được khảo sát, thời gian cõi tiên được xuất hiện 15 lần, chiếm 19,2%. Có thể thấy số lần xuất hiện của thời gian cõi tiên là tương đối nhiều, và mỗi lần xuất hiện lại có sự biến đổi khôn lường, mang theo một ý nghĩa, một quan niệm nhất định nào đó của nhà văn về cuộc đời.

Thời gian cõi tiên trong Liêu trai được Bồ Tùng Linh tổ chức theo ba giai đoạn: Giai đoạn mở đầu: thời gian trước khi bước vào cõi tiên. Giai đoạn diễn biến: thời gian vui thỏa, thưởng thức cõi tiên. Giai đoạn kết thúc: cuộc sống nơi cõi tiên chấm hết, nhân vật trở về với thực tại. Cách tổ chức thời gian này xuất hiện ở tất cả các môtip truyện: người trần lạc lối vào cõi tiên, các nàng tiên nữ giáng trần, hay những con người xuất thế đắc đạo... Ví dụ truyện Bạch Vu Ngọc, thời gian mở đầu là một đêm trăng sáng Ngô Thanh

Am gặp Bạch Vu Ngọc, hai người nói chuyện vui vẻ, tâm đầu ý hợp. Sau khi chia tay Ngô nhớ Bạch, đi ngủ liền mộng thấy tiểu đồng của Bạch đến đón đi. Thời gian diễn biến chính là khoảng thời gian Ngô Thanh Am được lên cõi tiên và vui thú cuộc sống ở đó. Ngô được thưởng rượu, ngắm cảnh, vui thú với các nàng tiên xinh đẹp tuyệt trần, được ân ái gối chăn với cô tiên áo tím. Và thời gian kết thúc khi tiểu đồng của Bạch đưa Ngô về với cõi trần. Trình tự thời gian này xuất hiện ở rất nhiều truyện khác: Phiên Phiên, Phấn Điệp, Thiên cung....

Tổ chức thời gian cõi tiên, nhà văn không đảo ngược trật tự thời gian, trong trình tự kể song tốc độ - nhịp điệu thời gian trần thuật lại có sự biến đổi nhất định. Trong truyện Phiên Phiên, La Tử Phù được Phiên Phiên đưa tới

động tiên, bảo chàng cởi áo rách ra khe suối tắm thì khỏi mụn nhọt, lại kéo màn, quét chiếu giục chàng đi nằm. Lấy mấy tàu lá to như lá chuối cắt và may

thành áo, lại dọn cơm, cắt lá thành hình bánh, hình gà đều như vật thật... Nhịp điệu trần thuật nhanh khiến cho thời gian bị co lại, tâm lý nhân vật không được đề cập đến. Những đoạn miêu tả cũng được lược đi tối đa, chỉ còn các sự kiện dồn dập nối tiếp nhau, tạo ra một chuỗi sự kiện căng cứng, người đọc chỉ còn thấy nhân vật đi đâu, làm gì, chứ không thấy miêu tả nhân vật như thế nào. Tác giả thường sử dụng các từ chỉ thời gian: giây lát, đoạn, chốc lát,.. để dồn nén thời gian đến mức tối đa. Bên cạnh việc đẩy nhanh, dồn nén thời gian, trong không ít truyện, nhà văn lại kìm hãm, kéo dài thời gian với ngòi bút miêu tả hết sức thư thái, chậm rãi. Trong truyện La Sát hải thị, thời gian cõi tiên được kéo dãn tối đa khi tác giả miêu tả rất nhiều. Miêu tả hậu cung của công chúa: giường bằng san hô chạm đồ bát bảo, tấm màn che ngoài kết bằng ngọc minh châu, viên nào viên nấy to như cái đấu; chăn mền nệm gối đều bằng thứ rêu mềm mại, thơm tho. Trong cung có một cây ngọc, mình đầy một ôm, sáng ngời và trong suốt như lưu ly trắng, giữa có ruột màu vàng lợt, nhỏ thua cánh tay, lá cây giống như bích ngọc, dày bằng đồng tiền. Đến mùa hoa nở chi chít, cứ mỗi cánh hoa rơi xuống đất, kêu một tiếng keng, lượm lên xem như mã não đỏ, có chạm trổ và trong sáng khác thường. Thỉnh thoảng có loài chim lạ, tới đậu trên cây hót véo von, lông vàng ánh, đuôi dài hơn mình.Thời gian được kéo giãn, tạo một cảm giác thư thái, nhàn nhã tận hưởng cuộc sống nơi tiên giới, cảm nhận thấu đáo cõi tiên với những hạnh phúc bất diệt mà con người khao khát. Với cách tổ chức thời gian cõi tiên đa dạng và linh hoạt, Bồ Tùng Linh đã đem đến cho người đọc những cảm nhận thời gian khác nhau.

2.1.2.3. Nghệ thuật tổ chức thời gian cõi mộng

Thời gian mộng là một biểu hiện của thời gian kỳ ảo trong Liêu trai chí

dị. Đây là kiểu thời gian xuất hiện với tần suất khá lớn. Với những tác dụng

nghệ thuật Liêu trai, thời gian mộng là kiểu thời gian được Bồ Tùng Linh chú ý tổ chức xây dựng và thành công.

Có thể thấy rằng, tất cả các giấc mộng đều được tổ chức theo kết cấu: trước mộng (thực) - trong mộng (ảo) - sau mộng (thực). Theo đó thời gian mộng chính là trong mộng và đó là thời gian ảo, thời gian phi thực tại, còn thời gian trước mộng và sau mộng là thời gian thực tại. Kiểu kết cấu trước mộng - sau mộng là kiểu thời gian đối xứng trên trục thực ảo. Với kiểu kết cấu này, thời gian mộng luôn đi kèm trước và sau nó là những khoảng thời gian thực tại. Bởi vậy, thời gian mộng là giây phút nhân vật thoát ra khỏi những quy luật thời gian hiện thực để thể nghiệm tất cả các giá trị của cuộc sống. Thời gian mộng là lát cắt của thời gian hiện thực mà ở đó - trong lát cắt ngắn ngủi con người được sống hết mình, với chính mình, được trải nghiệm những điều chưa từng hoặc không thể xảy ra ở hiện thực.

Vương Tử An (Vương Tử An), danh sĩ đất Đông Xương, trầy trật trong sự lều chõng. Vào trường thi hương xong, rất mực tin tưởng, gần đến ngày treo bảng xướng danh, uống rượu say mèm, nằm mộng thấy người vào bẩm: “Ngài đỗ tiến sĩ rồi”, lát sau lại có người bẩm “Ngài được bổ vào viện Hàn lâm”. Rõ ràng giấc mộng chính là mơ ước của Vương Tử An, nhưng chưa xảy ra trong thực tại. Trong Liêu trai, không hiếm những cuộc tình giữa người và ma bắt đầu từ trong mộng và kết thúc bằng những hoài niệm đẹp của nhân vật về những đối tượng trong mộng (Liên Hoa Công Chúa, Tân thập tứ nương,

Trúc Thanh...)

Bồ Tùng Linh tổ chức thời gian mộng với dụng ý sử dụng thời gian đặc biệt này để làm tấm gương soi chiếu, khám phá đời sống bên trong nhân vật với những góc khuất và khao khát cá nhân. Tác giả đã khéo léo lựa chọn thời điểm mộng cũng như quy tụ trong mộng nhiều kiểu thời gian. Các giấc mộng thường diễn ra vào ban đêm. Buổi đêm là thời điểm con người đối diện với

chính mình, là lúc con người sống thật với lòng mình nhất. Đêm là thời điểm đặc biệt của một ngày, sau một ngày hoạt động bên ngoài, con người trở về với lòng mình. Cho nên khi đêm đến mọi khao khát, mơ ước, mọi tâm tư, tình cảm, mọi vấn đề thuộc về bản chất con người được che đậy sâu bên trong trỗi dậy và được phản ánh trong mộng. Trong truyện Phượng Dương sĩ nhân,

người chồng đi du học xa bặt tin đã lâu, người vợ ở nhà mòn mỏi ngóng trông và trong một đêm bóng trăng lung linh, người phụ nữ nhớ chồng da diết và từ đó giấc mộng hình thành. Trong giấc mơ, người phụ nữ được gặp lại chồng, thỏa lòng mong nhớ. Tuy nhiên giấc mộng ấy không chỉ phản ánh nỗi nhớ mà còn thể hiện cả những tâm tư, hờn ghen, băn khoăn sâu kín của người phụ nữ. Sâu thẳm trong tâm hồn người phụ nữ ấy là nỗi băn khoăn, hờn ghen, nghi ngờ về sự thủy chung của chồng mình. Tâm lí ấy không phải bây giờ mới có, nó không phải là ảo, mà là tâm lí thực, nhưng thường ngày bị người vợ dằn xuống, kìm lại. Còn giờ, trong đêm khuya thanh tịnh, một mình đối mặt với chính mình, mọi tâm tư, suy nghĩ đều được phơi bày. Cho nên, trong giấc mộng người vợ mơ được gặp chồng của mình, nhưng sau đó chồng lại yêu thương người đẹp khác mà không để ý đến mình. Đó chính là sự ghen tuông, nghi ngờ chồng mình không chung thủy của chị vợ. Cơn ghen đó bùng lên, chị ta muốn trả thù, và người em trai xuất hiện, đã giúp chị ta hả cơn giận.

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong liêu trai chí dị của bồ tùng linh (Trang 37 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)