Bạo lực về tinh thần là loại hình bạo lực không sử dụng đến vũ lực để tác động lên thể xác của nạn nhân mà chỉ tác động lên tinh thần của nạn nhân như: chì triết, mắng chửi, lăng mạ, sỉ nhục, tỏ thái độ lạnh lùng, không nói chuyện, không quan tâm.
Bạo lực về tinh thần cũng là một loại hình bạo lực không kém phần nghiêm trọng so với bạo lực về thể xác, số đông phụ nữ đều cho rằng: ảnh hưởng của bạo lực tinh thần thường nặng nề hơn bạo lực thể xác. Liên quan đến vấn đề này thì Luật phòng chống bạo lực gia đình có nêu lên một số hành vi bạo lực tinh thần như:
“Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý và gây hậu quả nghiêm trọng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm...”
Một số những hành vi bạo lực tinh thần:
- Dùng lời nói để mắng nhiếc, đay nghiến nạn nhân; - Chửi mắng, lăng mạ, chì chiết;
- Xúc phạm nhân phẩm, hạ thấp uy tín (tiết lộ đời tư, phát tán tờ rơi làm ảnh hưởng đến danh dự, cưỡng ép lột bỏ quần áo trước mặt người khác...)
- Cấm đoán (quyền được chăm sóc con cái, người thân,dược làm việc, được tham gia vào công tác xã hội, quyền được giao tiếp, quyền được quyết định...)
- Đe dọa, gây áp lực tâm lý; - Nhốt, giam hãm;
- Xua đuổi, quấy rối hoặc gây áp lực thường xuyên về mặt tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Buộc tội, nghi ngờ, theo dõi;
- Phớt lờ cảm xúc của người khác, không quan tâm, đối xử lạnh nhạt; - Chê bai, chế nhạo, hạ thấp giá trị trước mặt người khác;
- Chửi mắng, mang tên bố mẹ của nạn nhân ra nguyền rủa;
- Bị đe dọa hoặc dọa nạt bằng bất cứ cách nào (đập phá đồ đạc, bị hăm dọa đánh đập hoặc đánh đập người thân...)
Bạo lực tinh thần gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nạn nhân, gây tổn thương trực tiếp lên nạn nhân và ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình đặc biệt là trẻ em. Những tiểu xảo trong bạo lực tinh thần có thể ngày càng làm cho không khí trong gia đình trở nên căng thẳng hơn và sẽ khiến tâm lý trẻ bất ổn định, gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển về thể chất của trẻ. Dần dần một cách không ý thức, trẻ học theo cách hành xử của những người cha (người mẹ) cuối cùng khi đã làm chồng (vợ) họ lại lặp lại mô hình hành xử đã bị tiêm nhiễm. Đây thực sự là một nguy cơ đe dọa đến nền tảng của gia đình trong xã hội hiện đại.
Với bạo lực thể xác, nỗi đau đớn thể hiện rõ ràng trên cơ thể người phụ nữ nhưng với bạo lực về tinh thần thì vết thương ấy nông sâu như thế nào không ai có thể đo đếm được. Bạo lực tinh thần từng ngày từng giờ gặm nhấm ý chí, tâm can của người phụ nữ khiến những nạn nhân này luôn trong tình trạng căng thẳng dẫn đến “stress”, tâm thần ở thể nhẹ hoặc thần kinh và hậu quả đau lòng nhất là nhiều người do quá bế tắc đã phải tìm đến cái chết để giải tỏa.
Bạo lực tinh thần đang dần làm mai một đi bản chất tốt đẹp vốn có của mỗi một thành viên trong gia đình, gây tan vỡ hạnh phúc lứa đôi của các cặp vợ chồng, gây đổ vỡ cuộc sống gia đình.