Tài tình yêu

Một phần của tài liệu Tìm hiểu yếu tố truyền thống và hiện đại trong tập thơ mẹ và em của nguyễn duy (Trang 26 - 34)

Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca từ xưa tới nay. Trong phong trào Thơ mới xuất hiện những nhà thơ nổi tiếng được phong là “Ông hoàng của thơ tình” như Xuân Diệu hay người tự xưng mình là thi sĩ của

thương yêu như Nguyễn Bính, những người mà suốt đời thơ lúc nào cũng

một đi tìm bóng giai nhân như Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương… Nhiều

triết lí tình yêu đã nảy sinh từ đó. Mỗi người một định nghĩa, nhưng đặc điểm chung của các nhà thơ thời kì này là tình yêu thường gắn với nỗi buồn, chia li, tan vỡ… nghĩa là không trọn vẹn, dường như thuộc về thế giới khác, không phải thuộc về thế giới hiện hữu này.

Nguyễn Duy viết về tình yêu cũng như nhiều nhà thơ tình trước đó, ông chú trọng tới việc thể hiện các cung bậc, trạng thái của tình yêu. Và hơn thế ông cũng có những bài thơ ngọt ngào, đằm thắm viết về tình cảm gắn bó thủy chung với vợ. Đó cũng là những điều ta thường thấy trong mảng đề tài tình yêu từ xưa tới nay.

Khi thể hiện các cung bậc của tình yêu, Nguyễn Duy đến với tình yêu bằng triết lí hạnh phúc, ít khi ta thấy ở thơ ông sự chia li đổ vỡ. Đôi khi ta bắt

gặp một Nguyễn Duy lãng mạn bay bổng với những tình cảm ngây thơ trong trắng của tuổi học trò:

Lá thư học trò vu vơ dấm dúi nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau

đẹp như là không đâu vào đâu

(Kính gửi tuổi học trò)

Đó là những kỉ niệm đẹp của những cậu “học trò con trai ma quỉ” và những cô “học trò con gái thần tiên” thật ngây thơ với những tình cảm “vu vơ dấm dúi” nhưng lại để cho tất cả một kỉ niệm “chấp chới suốt đời nhau”. Nguyễn Duy đã cho chúng ta thấy những rung động của tuổi học trò tuy những tình cảm đó “không đâu vào đâu”. Trong tình yêu có đôi khi Nguyễn Duy lại tỏ ra rất điềm nhiên, lơ đãng nhưng bên trong đó lại là cả một khối tình đang như hòn than rừng rực cháy:

Em nhóm bếp củi ngo chẻ nhỏ

ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi

Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả hòn than kia đang đỏ đến hết lòng

mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng.

(Đà Lạt một lần trăng)

Những câu thơ đã vẽ ra một khung cảnh lãng mạn của đôi tình nhân, họ yêu nhau nhưng vẫn có những ngại ngùng, những điều không nói hết và trong khung cảnh vắng lặng ấy, ngọn lửa chính là tác nhân xóa tan khoảng vắng giữa hai người, ngọn lửa cũng chính là biểu tượng cho tình yêu nồng cháy của

nhân vật trữ tình. Ý thơ gợi cho ta nhớ tới những lời tỏ tình thầm kín, duyên dáng trong ca dao xưa.

Gặp đây mận mới hỏi đào Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

(Ca dao)

Và ở điểm này thì Nguyễn Duy cũng rất giống như những nhà thơ tình lãng mạn, cũng có những tình cảm ngượng ngùng không dám nói để đến độ phải tương tư như Nguyễn Bính:

Nắng mưa là bệnh của giời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

(Tương tư)

Nguyễn Duy không chỉ tỏ ra là một nhà thơ tình thấu hiểu được mọi cung bậc, trạng thái của tình yêu mà còn là một con người có trái tim yêu tha thiết:

Hãy để anh là người yêu của em đừng do dự, đừng nhìn anh như thế

em biết đấy chẳng một ai có thể yêu em hơn chính bản thân mình

(Thơ tình tặng em)

Nhà thơ muốn dành tất cả cho người mình yêu:

Hãy để anh thức cùng em đêm nay đêm sẽ ngắn và nhuộm màu êm ả hãy để anh hôn em bằng nụ hôn say đắm

vị ngọt ngào hơi thở của tình yêu

Khi những phút giây lãng mạn, ý tứ qua đi, tình yêu trong thơ Nguyễn Duy lại là những gì gần gũi thân thương, là những vấn vương không thể nói rõ được. Đó có thể là một chút cảm giác ngọt ngào trong một chiều mưa bất chợt:

Trắng trong từng hạt rơi rơi để cho em nép vào tôi thế này

Trắng trong từng hạt bay bay để cho tay chạm vào tay giật mình

(Đám mây dừng lại trên trời)

Không chỉ vậy, khi yêu Nguyễn Duy thường đi tìm những cảm giác, những rung động của trái tim, khám phá tình yêu bằng cảm xúc:

Từ môi mưa giọt xuống môi nhấm chung một hạt mưa rơi mặn mà

áo em ướt lẫn vào da tóc lẫn vào gió - gió là sợi tơ

mắt em trong đến ngây thơ

trong như nắng giữa mịt mờ mưa giăng…

(Mưa trong nắng, nắng trong mưa)

Đọc thơ tình của Nguyễn Duy ta mới phát hiện, nhà thơ dành nhiều tình yêu cho đôi mắt:

Con mắt nhãn đen thầm sau kẽ lá đủ thôi miên chạng vạng cả đời ta

(Mắt Nhãn)

Hay:

Chúng mình nhắm mắt đi em cho na mở mắt ra xem chúng mình

(Mắt Na)

Không chỉ vây, trong tình yêu ít người tránh được cảm giác cô đơn, nhớ thương mòn mỏi khi phải xa cách người mình yêu. Ca dao đã từng nói về nỗi nhớ:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than

Và bây giờ Nguyễn Duy nói về nỗi cô đơn trống vắng khi xa cách người yêu:

Ngả bàn tay nhớ bàn tay

hương thơm buổi ấy thoáng bay trở về nói nhiều cũng chỉ mình nghe nhớ nhau mình lại vuốt ve tay mình

(Ca dao vọng về)

Nguyễn Duy cũng giống như rất nhiều nhà thơ tình lãng mạn khác, ông cũng thường có những cảm giác bâng khuâng khi có một bóng hồng ngang qua:

Người con gái chợt qua đường áo em mong mỏng màn sương núi đồi

chợt rơi lại một nụ cười

và…sương rười rượi một trời phía sau đem nhan sắc tặng cho nhau em giăng cái đẹp ngang cầu ban mai

chả riêng ta…chả riêng ai để heo hút gió thở dài trên cây

sớm nay ra ngõ gặp may ước chi…mai lại người này đi qua…

Hoặc:

Yêu nhau bằng mắt cũng là yêu cõi đời đẹp đủ liêu xiêu cõi mình

tim tôi quen đập thùng thình một kho sưu tập nét hình thoáng qua

(Nét và hình)

Những phút giây ngẩn ngơ trước cái đẹp không phải chỉ có ở Nguyễn Duy mà trong thơ trung đại những nhà thơ chuẩn mực như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng có lúc dừng chân trước cảnh “gái rửa bờ sông”:

Thu vén giang sơn một cặp tròn Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn

Biết chăng chỉ có ông Hà Bá Mỉm mép cười thầm với nước non

Tình yêu được Nguyễn Duy thể hiện không sôi nổi, ồn ào, không thở than, không day dứt như những cung bậc thơ tình mà ta thường gặp. Cái tình ấy có chút gì tình cờ, vu vơ lãng mạn khi ngẫu nhiên nép chung mái hiên với một người con gái vì một cơn mưa bất chợt, có chút mạo hiểm khó dứt khi vô tình chung một chuyến xuồng đầy với “người dưng”, có chút gì cao hứng, hồn nhiên “hát om sòm” khi “nằm võng đi ra bể” với “đằng ấy”, có tiếng thở dài khi “bất chợt” người con gái qua đường “giăng cái đẹp ngang cầu ban mai”…thực chất đó chỉ là khoảng khắc nhưng đủ làm lòng người dịu ấm

trong trẻo trở lại.

Tình yêu với Nguyễn Duy còn là tình nghĩa, ông có nhiều bài triết lí về tình yêu và hạnh phúc, có cả nghiệt ngã, lạnh lùng, sòng phẳng và có cả ngọt ngào đằm thắm. Nguyễn Duy không chấp nhận sự chung chung, sướt mướt, bao biện mà dứt khoát:

nên nói rằng em yêu anh xong rồi

(Tình ca cho người li hôn)

Nói về hạnh phúc giữa “chợ đời bán bán buôn buôn tít mù” nhà thơ

nghẹn ngào:

Có hạnh phúc nào giá rẻ không em ?

(Chợ)

Tình nghĩa trong thơ Nguyễn Duy là tình vợ chồng. Nó không phải là cái tình thoảng qua như cơn mưa, như khoảng khắc bất chợt, mà nó được trải nghiệm qua thời gian nó là điểm tựa nâng đỡ tâm hồn con người nhất là khi cô đơn, khi gục ngã, yếu mềm trên đường đời. Tình yêu ở khía cạnh này Nguyễn Duy đứng ở chủ thể điểm nhìn là phái mạnh, biết ơn người đã hi sinh, chăm lo cho mình cả khi mình không nhận ra mà suốt đời người đó không bao giờ hỏi, chỉ biết im lặng chăm chút cho mình. Nguyễn Duy đã dành hẳn hai tập thơ để tri ân cho người đó. Tập thứ nhất Mẹ và em, tập thứ hai Vợ Ơi.

em vẫn nguồn nhuận bút suốt đời ta

(Nợ nhuận bút)

Nhà thơ biết ơn:

Nợ em lận đận tháng ngày ánh trăng ngọn gió, áo mây nợ trời

(Nợ đời)

Nói về “yêu” Nguyễn Duy xót xa thương cảm:

yêu cùng ai, ghét cùng ai để cơm áo vẹo hai vai em gầy

(Xin đừng buồn em nhé)

Tình yêu ấy là tình nghĩa thủy chung, là hi sinh thấu hiểu trân trọng. Tác giả đã từng chấp nhận bán đi một ít “vàng ròng” của tâm hồn để bớt đi nỗi “vất vả, bàn tay xanh xao” của người vợ trước cái đói rét vì đàn con mà

tần tảo sớm hôm. Tình cảm ấy không ồn ào, sôi nổi mà kết tinh lắng đọng qua thời gian, nó là “rượu chôn lâu đằm lịm” để dành đến “cuối đời đem ra nhấm”, nó được thử thách qua bao sóng gió “ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm”. Qua Nguyễn Duy ta mới thây thấm thía câu ca dao của cha ông từ xưa

để lại:

Gái thương chồng đương đông buổi chợ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm

Cái nắng “quái” của chiều hôm là cái nắng đã tàn nhưng mặn mà và sâu lắng. Khi người đàn ông đã trải nghiệm qua cuộc sống đầy khó khăn vất vả, đến lúc ngoảnh nhìn lại mới thấy yêu, thấy nợ người phụ nữ đã đi cùng mình, cùng mình chia sẻ những cay đắng ngọt bùi. Khi đã nhận ra điều đó thì họ rất trân trọng nâng niu và cố sống tốt với người vợ của mình ở những ngày sau. Nguyễn Duy cũng là một trong số những người đàn ông sớm nghiệm ra điều đó.

Tình yêu với Nguyễn Duy thật giản dị: làm gì để mang đền cho nhau hạnh phúc, để được bình yên mãn nguyện khi ở bên nhau. Hạnh phúc nhất của vợ chồng là được “trời cho sống ta cùng già em ạ”. Tình yêu đâu phải

không có khổ đau tan vỡ nhưng những vần thơ sâu sắc nhất về tình yêu của Nguyễn Duy vẫn là những vẫn thơ triết lí về hạnh phúc. Sự đủ đầy, trọn vẹn của hạnh phúc nằm trong quan niệm giá trị của mỗi cá nhân và nó chỉ thực sự tồn tại khi chính người trong cuộc cảm nhận được và trân trọng nó.

Từ trong ca dao dân ca, đến văn học trung đại rồi Thơ mới trình làng không biết đã có đến bao nhiêu người nói đến hai chữ tình yêu mà ở đó không ai giống ai. Mỗi người lại cho ta thấy một cái nhìn mới mẻ về tình yêu. Nếu như “ông hoàng của thơ tình” Xuân Diệu lúc nào cũng ham muốn, khát khao một tình yêu nồng nàn cháy bỏng, nếu như ở nhà thơ quê mùa Nguyễn Bính lúc nào cũng buồn với những cuộc tình tan hợp…thì ở Nguyễn Duy ta thấy

ông lại có hẳn triết lí về tình yêu. Nguyễn Duy ít nói tới sự chia li tan hợp nhưng ông lại cho ta biết bên cạnh tình yêu phải có cả nghĩa tình. Cái nghĩa tình chồng vợ mà Nguyễn Duy nâng niu trân trọng gợi cho ta nhớ tới hình ảnh của những đôi vợ chồng trong ca dao:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Hay hình ảnh người vợ tảo tần khuya sớm trong thơ Tú Xương:

Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm con với một chồng Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo mặt nước buổi đò đông

(Thương vợ)

Với đề tài tình yêu Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ tình khác thường viết về những cung bậc trạng thái khác nhau của tình yêu. Bên cạnh việc kế thừa Nguyễn Duy còn bổ sung thêm cho đề tài tình yêu khi nói về tình cảm vợ chồng, ông đã cho người đọc thấy được tình yêu thương gắn bó của vợ chồng, đó là thứ tình cảm thiêng liêng và truyền thống trong gia đình Việt từ xưa tới nay.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu yếu tố truyền thống và hiện đại trong tập thơ mẹ và em của nguyễn duy (Trang 26 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(63 trang)