Ngôn ngữ là chất liệu duy nhất của mọi tác phẩm văn chương nghệ thuật, vì thế có nhiều ý kiến cho rằng: " Văn học là bộ môn khoa học - nghệ thuật của ngôn từ". Phan Cự Đệ viết: "Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên, là vũ khí cơ bản của nhà văn. Nhà văn phải tạo cho mình một hệ thống và một phong cách ngôn ngữ riêng. Những nhà tiểu thuyết lớn đều là những nghệ sĩ bậc thầy về tiếng nói" (Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - Tập 2 - 1975 trang 319). Chẳng những thế, để tạo nên sức sống cho " một xã hội thu
nhỏ", nhà văn sử dụng ngôn ngữ qua giọng kể, giọng miêu tả. " Ngôn ngữ trong tiểu thuyết phải là một thứ ngôn ngữ giàu tính tạo hình, đập ngay vào giác quan của người đọc. Tuy nhiên những hình tượng phải là kết quả của quá trình quan sát, so sánh trong thực tiễn chứ không phải là do đầu óc tưởng tượng của nhà văn bịa đặt ra". ( Phan Cự Đệ - Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - tập 2, trang 324).
Khi viết tiểu thuyết lịch sử, nhà tiểu thuyết sẽ gặp những cái khó không nhỏ, lại ở nhiều phương diện, trong đó có cái khó nhất là ngôn ngữ của nghệ thuật kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật) và ngôn ngữ nhân vật. Điều này được Nguyễn Mộng Giác tâm sự "viết một chuyện xảy ra hai thế kỷ trước, viết làm sao đây? cho nhân vật sống và nói theo thời cổ, dĩ nhiên phải thế. Nhưng thế nào là cổ ? Họ phải nói với nhau như trong tuồng cổ, như các vua quan trong phường hát bội của Đào Tấn ? Họ phải "văn hoa" như các nhà Nho của "Lều chõng", ngược đường Trường Thi ? hay ít ra phải viết và nói theo kiểu biền ngẫu như thời Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh, Nhất Linh (trong Nho phong và Người quay tơ). Tôi băn khoăn không biết dùng thứ ngôn ngữ nào, cuối cùng mừng rỡ tìm ra một câu trả lời: ngôn ngữ
truyện Kiều, cái người ta gọi là ngôn ngữ cổ thật ra chỉ là ngôn ngữ viết. Còn ngôn ngữ nói hai thế kỷ trước thì đọc truyện Kiều có thấy cách ăn nói khác với bây giờ bao nhiêu đâu! Vả lại tôi lý luận (có thể là nguỵ biện) mình viết cho người đời nay đọc chứ có viết cho người xưa đọc đâu..." (lời tác giả - thay lời cuối sách). Lời tâm sự của tác giả xuất phát từ thực tế sinh động: vừa là người tán thành, vừa là người thẩm định hợp lý. Viết "Sông Côn mùa lũ", Nguyễn Mộng Giác có cái khó chung của người viết tiểu thuyết lịch sử về phương diện ngôn ngữ cùng với rất nhiều những khó khác. Thể hiện nhân vật theo ngôn ngữ nào khi mà hình thái xã hội đã lùi vào lịch sử trên hai thế kỷ. Những con người của quá khứ ấy nói với nhau theo chất giọng ngôn từ nào? Quan hệ giao tiếp bằng ngôn ngữ trực tuyến thế nào? Là những khó khăn không nhỏ. Chọn giải pháp ngôn ngữ truyện Kiều của tác giả chưa hoàn toàn thoả đáng vì ngôn ngữ trong Kiều đành rằng là ngôn ngữ viết, ngôn ngữ văn chương, song nó là ngôn ngữ của thơ chứ đâu phải ngôn ngữ văn xuôi . Đành rằng trong cái khó khăn muốn chọn một giải pháp tối ưu cho ngôn ngữ tác phẩm, Nguyễn Mộng Giác đã chọn đúng. Thông qua tác phẩm, ngôn ngữ mà tác giả dùng cũng có sự đồng điệu với ngôn ngữ tại thời điểm sáng tác. ở Nguyễn Mộng Giác ngôn ngữ nhân vật được sử dụng thế nào khi tác giả là người miền Trung cũng là cái khó không nhỏ. Vấn đề khó khăn thứ hai này đã được hoá giải, xem như là tối ưu " cho nên tôi bắt buộc phải viết theo tiếng Bắc là ngôn ngữ cho đến giờ mặc nhiên được xem là ngôn ngữ chuẩn của văn chương Việt " (lời tác giả - thay lời cuối sách ). Ngôn ngữ trần thuật của tác giả, ngôn ngữ nhân vật là hai yếu tố nghệ thuật, góp phần không nhỏ vào công việc cấu tạo tác phẩm, góp phần vào sự thành công của cả bộ truyện, nhất là ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ các nhân vật mang tính tạo hình và đa thanh. Có thể nói trong "Sông Côn mùa lũ", Nguyễn Mộng Giác đã sử dụng thành công ngôn ngữ ở những cấp độ khác nhau: ngôn ngữ chuẩn, thống nhất, không
rơi vào ngôn ngữ địa phương thuần tuý. Trong "Sông Côn mùa lũ", Nguyễn Mộng Giác đã sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện giàu tính tạo hình bằng các cấp độ: Miêu tả cảnh, ngôn ngữ nhân vật. Trong dựng cảnh, với bút pháp miêu tả đặc sắc phù hợp với tâm trạng nhân vật, Nguyễn Mộng Giác đã dàn dựng cảnh đêm trước quyết định ra Bắc của Nguyễn Huệ. Một màn đêm được miêu tả vừa thực vừa thơ mộng vừa linh thiêng "Trăng thượng tuần lờ mờ. ánh trăng non chiếu lên các mặt lá ướt sương bóng nhẫy, gợi hình ảnh một sức sống trầm lặng nhưng nao nao hạnh phúc. Tháp canh in bóng đen trên nền trời xám đậm. Xa xa vọng về tiếng mõ cầu cứu và tiếng chó sủa hốt hoảng" ( trang 947). Để tạo tính cách nhân vật, Nguyễn Mộng Giác chú trọng miêu tả những nét dáng vẻ bề ngoài bằng ngôn ngữ tạo hình. Đây là bề ngoài của nhân vật Nguyễn Nhạc " dưới cặp lông mày thưa, đôi mắt xếch quá mức bình thường, khiến ánh nhìn đầy vẻ nghi kỵ, diễu cợt và khinh bạc (trang 88). Nhân vật Nguyễn Huệ, nhân vật lịch sử lại được tác giả thể hiện bằng một sự phác hoạ gương mặt có mớ tóc quăn " mồ hôi ướt cả trán Huệ. Cậu đưa lưng bàn tay phải gạt mớ tóc quăn đang phủ mất một bên mắt" (trang 110). " Một mớ tóc quăn phủ lên góc trán cao, miệng hình như đang mỉm cười" ( trang 1075). "Mảng tóc quăn rũ xuống che mất con mắt phải mà Nguyễn Huệ vẫn không buồn vuốt lên" ( trang 1120). " Theo thói quen, ông lại đưa ngón tay quệt ở đầu mũi, rồi vuốt lại mảng tóc quăn ở góc trán" ( trang 1124 ). Mớ tóc quăn được sử dụng để phác hoạ gương mặt Nguyễn Huệ " đập vào giác quan của người đọc" tới hơn một lần ghi dấu ấn về gương mặt của một vĩ nhân lịch sử. Phải trăng, Nguyễn Mộng Giác đã căn cứ vào một tài liệu nào đó để phác hoạ gương mặt Nguyễn Huệ với mớ tóc quăn. Phải trăng, đây là dấu hiệu nhân tướng của một thiên tài. Ngôn ngữ tạo hình được Nguyễn Mộng Giác thể hiện sinh động, linh hoạt. Miêu tả bề ngoài với những nét như phác hoạ: Nguyễn Nhạc với đôi lông mày xếch quá mức, An với khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng, cái cổ cao,
áo có vết rách ở cùi trỏ. Sự thể hiện nội tâm nhân vật với những hình thức uyển chuyển. Nội tâm nhân vật Huệ trước tình yêu, tình thầy trò. Nội tâm nhân vật ông Giáo trước cuộc khởi nghĩa, những mâu thuẫn giữa sách vở với thực tế.
"Các hình thức ngôn ngữ trong một cuốn tiểu thuyết, có 3 hình thức chủ yếu: Ngôn ngữ người kể chuyện. Ngôn ngữ cá thể hoá của các loại nhân vật khác nhau. Ngôn ngữ không hoàn toàn trực tiếp, chuyển lời tác giả vào nhân vật một cách kín đáo (những đoạn độc thoại nội tâm khám phá ra "phép biện chứng tâm hồn" của nhân vật, đặc biệt là những đoạn độc thoại song thanh hoặc đối thoại bên trong của các nhân vật trong tiểu thuyết Đôtxtôiepxki ). Trong loại ngôn ngữ không hoàn toàn trực tiếp này, có một sự thống nhất, một sự tổng hợp khéo léo ngôn ngữ của ngôi thứ nhất và ngôn ngữ của ngôi thứ 3 trong sự trần thuật" ( Phan Cự Đệ - Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - Tập 2 - 1975- Trang 331). Ngôn ngữ tác phẩm được tác giả sử dụng qua các hình thức thể hiện tạo ra khả năng tái hiện cuộc sống trong bình diện lớn, tổng thể của tiểu thuyết. Tác giả vừa là người sáng tạo vừa là người thẩm định các nhân vật của tiểu thuyết. Vì "trong một cuốn tiểu thuyết, tất cả những ngôn ngữ không gắn trực tiếp với tính cách nhân vật đều thuộc về ngôn ngữ người kể chuyện. Ngôn ngữ của người kể chuyện tổ chức tất cả những yếu tố từ vựng khác nhau trong tác phẩm lại thành một cơ cấu hoàn chỉnh thống nhất. Người kể chuyện không những chỉ tổ chức một ngôn ngữ mà có khi còn đóng một vai trò quan trọng cả về kết cấu" (Phan Cự Đệ - Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - Tập 2 - 1975 - Trang 331- 332). Tính đa thanh trong ngôn ngữ tiểu thuyết thể hiện qua sự đan xen giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, giữa giọng của nhân vật này đan lẫn vào giọng của nhân vật khác. Đây là cuộc đối thoại giữa hai chị em An -Lãng (trong hoàn cảnh Lợi bị bắt giam).
- ... Thú thật, em không nhận ra chị nữa. Chị xem mọi người giống như những bọn mã phu lưu manh và bọn con buôn lừa đảo hàng ngày bu quanh chị như đàn ruồi.
An bĩu môi chua chát:
- Phải. Mày nói đúng. Tất cả mọi người, kể cả tao và mày, kể cả cái bọn mặc áo lụa đi kiệu mà mày xem như là thần thánh đều là ruồi nhặng tất... Tao nhìn thấy tim đen của mọi người. Chúng nó cần gì trước tiên? ( An hốt một nắm tiền kẽm ném tứ tung trước mặt em). Đó, tiền. Tiền. Có tiền trong tay, mày có thể vứt thẳng vào mặt chúng nó, chúng nó chẳng những không dám giận mà còn hí hửng rối rít cám ơn mày nữa" (trang 748). Cuộc đối thoại tiếp diễn.
"Lãng tức quá cãi lại:
- Đó là những điều xấu xa mà ở thời nào cũng có như nhà nào cũng có rác...
An cười khinh bạc:
- Lý tưởng! Chân lý! Lý tưởng là thứ gì? Chân lý là thứ gì? Mày muốn nghe bọn mã phu định nghĩa mấy cái chữ hào nhoáng loè loẹt đó không? Lý tưởng là cái mình tưởng là có lý. Chân lý là cái lý có chân. Ha ha! Bọn mã phu đúng là bọn thầy đời" (trang 749). Lời lẽ của An có cái hằn học của bất mãn, bất lực. Lời nói của An đan xen ngôn ngữ người kể chuyện - lời bọn mã phu trước những biểu hiện như một tất yếu - mặt trái của một thể chế, hạn chế của cuộc khởi nghĩa. Đây là độc thoại nội tâm nhân vật Nguyễn Huệ. Trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đứng trước khúc quanh của lịch sử - Trong đêm trắng, Nguyễn Huệ bộc lộ tâm trạng qua độc thoại nội tâm " ta dừng lại chăng ? Ta bằng lòng đứng bên này Luỹ Thầy nhìn ra phía Bắc như một kẻ ngoài cuộc, để mặc cho Nguyễn Hữu Chỉnh, họ Lê, họ Trịnh, quận Thạc, quận Liễn cùng lũ quan thị sâu xé nhau giữa một đất nước tan hoang? Như vậy, bấy nhiêu việc ta làm lâu nay chẳng hoá
ra vô ích sao? Cái gì đưa đẩy ta, thúc giục ta? Chính ta ra lệnh gióng trống thúc quân nhưng cái gì thúc ta ra lệnh? Nhất định không phải là vua anh vì nhà vua muốn ta dừng lại bên này Luỹ Thầy! Vậy thì cái gì? Hay là mệnh trời ? Đúng có thể chính lòng trời muốn ta thực hiện lẽ công bằng khi đổ quân ra Bắc" ( trang 1076). Trong ngôn ngữ nhân vật Nguyễn Huệ có đan xen ngôn ngữ nhân vật Nguyễn Nhạc - vua anh - vì trước sau Nhạc chỉ muốn dừng lại ở Phú Xuân để mặc phía Bắc cho vua Lê, chúa Trịnh.
Sự thành công của "Sông Côn mùa lũ" là kết quả của lao động nghệ thuật nghiêm túc: Nghiên cứu lịch sử, hư cấu thế sự bằng lớp cấu trúc thể hiện nội dung chặt chẽ, lô gíc, hợp lý, tạo nên sự thành công về nội dung của " Sông Côn mùa lũ ". Sự thành công của tác phẩm đã truyền tải được ba nội dung lớn " cảm hứng phê phán, cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa và cảm hứng sử thi " (Phan Cự Đệ -Tài liệu đã dẫn). Đồng thời tác giả đã tạo ra được một hình thức nghệ thuật - kết cấu tác phẩm phù hợp và ngang tầm với giá trị nội dung mà tác phẩm vươn tới và đạt được. Xuất phát từ mục đích chủ yếu tìm hiểu nội dung của "Sông Côn mùa lũ" như một tiểu thuyết lịch sử nên chúng tôi không bàn nhiều về kết cấu và nghệ thuật tác phẩm. Mặt khác, quá trình phân tích, giảng bình nội dung tác phẩm đã là một công việc phải bóc tách lớp kết cấu, cảm hiểu kết cấu của tác phẩm và ngôn ngữ nghệ thuật. Những gì thuộc về kết cấu và ngôn ngữ nghệ thuật nói đến như là sự điểm lại, không bình thêm.
Đôi lời kết luận
Tiểu thuyết, một thể loại có ưu thế lớn nhất tạo nên sự đồ sộ, hoành tráng của mỗi nền văn học. Sinh sau đẻ muộn so với nhiều loại hình khác của văn học, tiểu thuyết xứng đáng là chiếc máy cái của mọi nền văn học. Đồng thời vẫn còn đang phát triển - chưa định hình, chưa đông cứng. Tiểu thuyết lịch sử được xem như là một thể tài của tiểu thuyết hướng tới đề tài lịch sử. Những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, tiểu thuyết lịch sử phát triển tương đối mạnh mẽ với những tên tuổi: Hà Ân, Thái Vũ, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Văn Phú, Vũ Ngọc Đĩnh. ở ngoài nước với những tên tuổi: Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao... Dù viết ở trong hay ngoài nước, những tác phẩm đều tập trung phản ánh lịch sử theo hai hướng chính: lịch sử là cứu cánh, lịch sử là phương tiện. Cùng với tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết viễn tưởng - sáng tạo ở thời tương lai - sẽ tạo nên sự phong phú, đa dạng sinh động cho đời sống văn học. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, những phương tiện giải trí nghe, nhìn với nhiều hình thức, với thời lượng phát sóng phủ sóng đủ đáp ứng nhu cầu giải trí của đại đa số quần chúng, thì giải trí bằng tiểu thuyết, bằng văn học nói chung vẫn rất cần thiết. Mặt khác, đời sống vật chất hiện nay được nâng lên rõ rệt, hơn nữa cường độ lao động cũng phải gia tăng để phù hợp với thu nhập. Nhiều hình thức giải trí, du lịch được cơ chế mở của chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, thu hút quần chúng bạn đọc vào những hình thức giải trí như là sự ăn liền qua nghe nhìn, như là sự thư giãn hoàn toàn qua du lịch. Vì lẽ trên, bạn đọc đối với tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử có phần thưa vắng hơn trước là điều tất nhiên và cũng là hợp với sự phát triển chung của hội nhập. Tiểu thuyết nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng thường có độ dài dễ gây ngợp cho bạn đọc. Mặc dù mặt bằng dân trí hiện nay đang được nâng lên tầm cao mới, song
sản phẩm mà tiểu thuyết trao cho độc giả là những con chữ im lặng trong từng trang sách, đòi hỏi độc giả phải đối thoại với chính đối tượng chỉ biết "im lặng", để tự tìm tòi, khám phá, Tiếp nhận tiểu thuyết không đơn thuần là hình thức giải trí, nó là sự chiếm lĩnh một xã hội thu nhỏ trong tác phẩm. Vì tiểu thuyết đòi hỏi văn hoá đọc ở một tầm cao, nên không là món ăn tinh thần cho tất thảy mọi người, lại đặt bên cạnh nhiều hình thức giải trí nhất là loại hình nghệ thuật thứ bẩy, bạn đọc tiểu thuyết ngày càng chọn lọc hơn. Đời sống văn hoá đọc như trên đã đề cập, sẽ gây cho các nhà tiều thuyết không ít những trăn trở về sự đón nhận tác phẩm của bạn đọc và cộng đồng xã hội. Nhìn đơn thuần ở góc độ vật chất, nhà tiểu thuyết sáng tác không phải vì tiền, không phải vì tác phẩm bị xem như là một loại hàng hoá, song không thể không có ăn mà sống được. Mặt khác ở góc độ tinh thần tác phẩm của nhà tiểu thuyết là đối thoại của tác giả với cuộc sống và là nhịp cầu tâm giao với độc giả. Thiếu vắng độc giả, thiếu vắng tâm giao mà độc giả là đồng tác giả, đây là một nỗi buồn khổ lớn nhất của các nhà tiểu thuyết