4. NỘI DUNG VÀ CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.2.1 Phân tích định tính về dự báo kết quả mô hình
Trước khi đi vào phân tích định tính, đề tài sẽ làm rõ khái niệm về truyền dẫn tỷ giá hối đoái xuyên suốt trong bài nghiên cứu của mình. Có nhiều tác giả với những quan điểm khác nhau về truyền dẫn tỷ giá tuỳ theo mục đích nghiên cứu, chẳng hạn Goldberg và Knetter (1997) cho rằng truyền dẫn tỷ giá hối đoái là phần trăm thay đổi của giá nhập khẩu (tính theo đồng nội tệ) khi tỷ giá thay đổi. McCarthy (2000) lại xem xét dưới góc độ là sự biến động tỷ giá và giá nhập khẩu đến lạm phát. Nhưng theo quan điểm xuyên suốt đề tài, “truyền dẫn tỷ giá hối đoái là phần trăm thay đổi của các chỉ số giá trong nước khi tỷ giá hối đoái danh nghĩa thay đổi 1%”, quan điểm này phù hợp với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Thật vậy, tác giả đồng ý rằng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ quá trình sản xuất trong nước, tỷ trọng nhập khẩu này chiếm phần lớn trong tổng giá trị nhập khẩu quốc gia. Ngoài ra người dân Việt Nam khá hướng ngoại và luôn mong muốn được xài hàng ngoại. Tuy
nhiên, đối với công thức tính CPI mà nước ta sử dụng từ năm 2000 đến nay, lương thực, thực phẩm luôn chiếm một tỷ trong lớn trên 40% rổ hàng hóa, nhưng khi quan sát về các hàng hóa nhập khẩu thì lương thực thực phẩm lại chiếm tỷ trọng không lớn vì nước ta là nước nông nghiệp và chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng này hơn là nhập khẩu. Tất cả những điều này dự đoán một sự truyền dẫn lớn hơn trong chỉ số giá nhập khẩu IMP và chỉ số giá sản xuất PPI so với chỉ số giá tiêu dùng CPI. Dự đoán này là phù hợp với những nghiên cứu trước đây liên quan đến sự truyền dẫn tỷ giá hối đoái đến các chỉ số giá tại Việt Nam.
Nhưng, một điều hết sức thú vị trong bài nghiên cứu, tác giả dự đoán rằng mức độ tác động của tỷ giá đến ba chỉ số IMP, PPI và CPI là thấp tại Việt Nam trong giai đoạn khảo sát, dự đoán này không giống những nghiên cứu trước đây. Các tác giả trước lý luận rằng độ lớn của mức truyền dẫn tỷ giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường lạm phát, mức phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, độ tự do hóa thương mại, chính sách lạm phát mục tiêu, mà Việt Nam lại là một nước thường xuyên có tình trạng lạm phát cao, mức phụ thuộc vào hàng nhập khẩu lớn nên sẽ có một mức độ truyền dẫn lớn. Theo quan điểm của đề tài, cách lý luận ấy là không sai, tuy nhiên còn nhiều vấn đề thực tế mà chúng ta chưa hề xét đến.
Thứ nhất, Việt Nam tồn tại tình trạng hai tỷ giá, một tỷ giá chính thức được công bố và điều chỉnh với Ngân hàng nhà nước, một tỷ giá tự do quyết định bởi cung cầu ngoại tệ trên thị trường, lưu ý là tỷ giá tự do luôn cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với tỷ giá chính thức. Hiện tượng này xảy ra bởi vì nước ta có lạm phát cao, người dân thiếu niềm tin vào VNĐ nên chuyển sang nắm giữ ngoại tệ và vàng, đồng thời lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam rất hạn chế, chỉ ưu tiên mua bán ngoại tệ với những doanh nghiệp hay ngành mà nhà nước khuyến khích, số doanh nghiệp còn lại để phục vụ công việc sản xuất kinh doanh của mình buộc lòng phải tìm đến thị trường tự do với mức tỷ giá cao hơn nhiều. Đến đây, tác giả cho rằng trên thực tế các doanh nghiệp đã “gồng mình” với tỷ giá cao rồi, chưa cần xem xét đến VNĐ có mất giá hay không, nghĩa là các chỉ số giá đã bị tác động trước khi có sự điều chỉnh tỷ giá, việc phá giá đồng nội tệ có thể chỉ góp thêm
phần nhỏ vào gia tăng các chỉ số giá thông qua cơ chế tỷ giá chính thức tăng dẫn đến tỷ giá trên thị trường tự do tăng, quan trọng là 1% tăng lên trong tỷ giá chính thức sẽ khiến tỷ giá tự do tăng lên ít hay nhiều? Thiết nghĩ vấn đề này nên được nghiên cứu trong thời gian sắp tới, nhưng theo ý kiến của tác giả, tỷ giá tự do sẽ tăng lên ít hơn sự tăng lên trong tỷ giá chính thức. Do vậy, dù đồng nội tệ thời điểm t bị phá giá chính thức, nhưng các doanh nghiệp đã bị sự phá giá trước trên thị trường tác động, khả năng các chỉ số giá đã bị tác động trước, vì vậy theo suy đoán, cú sốc tỷ giá thời điểm t sẽ tác động không lớn đến các chỉ số giá, đặc biệt là khi thực hiện kiểm định, đề tài và các nghiên cứu trước đều sử dụng số liệu là tỷ giá chính thức được công bố bởi ngân hàng nhà nước (thông qua NEER).
Thứ hai, tác giả tin rằng nhiều doanh nghiệp sẽ không dễ dàng chịu ngồi yên để rủi ro tỷ giá tác động mạnh khi nhập khẩu hàng hóa hay nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị. Thay vào đó, họ sẽ có những cách thức để phòng tránh cũng như làm giảm mức độ tác động. Khi đồng Việt Nam mất giá, các nhà nhập khẩu trong nước sẽ bất lợi, tuy nhiên, trong ngắn hạn các hợp đồng đã được kí kết, thường là 1 năm hoặc hơn thế nên khả năng việc gia tăng tỷ giá sẽ chưa tác động tức thì đến họ. Đồng thời, khi nghiên cứu thị trường ngoại tệ, các doanh nghiệp sẽ có thể dự đoán về sự thay đổi tỷ giá, thông qua đó họ sẽ đưa ra những cách thức để hạn chế tối đa tác động của tỷ giá bằng nhiều cách thức như mua bán song hành ngoại tệ, lưu trữ ngoại tệ trước, mua bán các hợp đồng phái sinh. Do đó, khi tỷ giá thay đổi theo chiều hướng bất lợi, họ sẽ giảm thiểu mức tác động này đến mức tối đa trong khả năng của họ, tức là trong ngắn hạn có thể không bị tác động nhiều, trong trung và dài hạn nhờ có sự phòng bị nên giảm thiểu được rủi ro. Điều quan trọng là họ có lợi dụng việc gia tăng tỷ giá để trục lợi hay không, bằng cách vẫn gia tăng giá bán cao hơn mức tỷ giá tác động đến giá đầu vào của họ. Điều này rất khó biết được nhưng thiết nghĩ đa phần các doanh nghiệp còn phải phụ thuộc vào sự cạnh tranh, nên khả năng họ trục lợi qua con đường này là rất thấp. Sự giải thích trên là lý do tại sao tác giả cho rằng mức độ truyền dẫn đến các chỉ số giá sẽ ở mức thấp mặc dù tỷ giá có tăng.
Thứ ba, Sử dụng lý thuyết định giá theo thị trường, Mann (1986) thảo luận một số biến vĩ mô có thể tác động đến mức truyền dẫn. Một là biến động tỉ giá hối đoái. Biến động tỉ giá hối đoái lớn có thể khiến các nhà nhập khẩu cảnh giác hơn với sự thay đổi giá và sẵn sàng điều chỉnh biên lợi nhuận, do đó làm giảm mức truyền dẫn. Wei và Parsley (1995) và Engel và Rogers (1998) cung cấp một số bằng chứng thực nghiệm kiểm định những giả thiết này. Do đó sự truyền dẫn sẽ yếu hơn ở những nước nơi mà tỉ giá hối đoái biến động hơn. Một biến vĩ mô khác được đề cập bởi Mann (1986) là sự không chắc chắn của tổng cầu. Sự thay đổi tổng cầu kết hợp với thay đổi tỉ giá sẽ theo làm thay đổi biên lợi nhuận của những nhà nhập khẩu trong môi trường cạnh tranh không hoàn hảo, do đó làm giảm mức độ truyền dẫn. Nếu giả thiết này là đúng, sự truyền dẫn sẽ yếu hơn ở những nước mà tổng cầu biến động nhiều. Thật vậy, Việt Nam là một quốc gia có mức độ biến động tỷ giá hối đoái và tổng cầu lớn, do đó tác giả dự đoán rằng mức độ truyền dẫn tỷ giá đến các chỉ số giá sẽ trở nên thấp hơn. (phụ lục 3 cho thấy mức biến động tỷ giá và tổng cầu cao tại Việt Nam)
Thứ tư, tình trạng đô la hóa không quá cao của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2007 góp phần làm giảm mức độ truyền dẫn tỷ giá hối đoái. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia có tình trạng đô la hóa chỉ cao vừa phải và đô la hóa không chính thức. Tình trạng đô la hóa ở Việt nam xảy ra bởi vì các nguyên nhân như Người Việt Nam làm việc cho các công ty nước ngoài nhiều, lượng kiều hối chuyển về nước khá lớn, thu nhập từ dịch vụ du lịch từ khách nước ngoài ngày một tăng. Trong đó, có một nguyên nhân đặc trưng ở nước ta là tình trạng buôn lậu qua biên giới diễn ra mạnh làm phát sinh nhu cầu về sử dụng ngoại tệ, đồng thời tâm lý người Việt cũng góp phần quan trọng khi họ chuộng sử dụng tiền USD hơn VNĐ khi giao dịch mua bán nhà cửa, đất đai, xe hơi, gửi ngân hàng, thậm chí là quà cáp hay biếu xén. Nhận biết được những nguyên nhân này, nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách để ngăn chặn và làm giảm đô la hóa như đưa ra nghị định 63/1998/NĐ-CP của chính phủ ngày 17/8 1998 về viêc nghiêm cấm niêm yết hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ, qui định phạt hành chính cụ thể ở nghị định 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008… Nhờ vậy, tình trạng đô la hóa ở nước ta trong thời gian từ 2000-2010 không quá cao, chỉ ở
mức trung bình dưới 30%, điều này góp phần giúp người Việt bớt ưa chuộng sử dụng ngoại tệ trong tiêu dùng, sản xuất hơn, thay vào đó sẽ tăng cường sử dụng VNĐ, làm giảm tác động của tỷ giá hối đoái.
Trên đây là các cơ sở chính để tác giả dự đoán về mức độ truyền dẫn tỷ giá hối đoái đến các chỉ số giá là thấp tại Việt Nam - một dự đoán có thể nói trái ngược với hiểu biết chung về truyền dẫn tỷ giá và các kết quả nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, tác giả lại tự tin vào dự đoán của mình bởi vì Việt Nam có những đặc thù riêng rất rõ nét so với các quốc gia khác trên thế giới, những đặc thù này có thể khiến sự truyền dẫn tỷ giá của nước ta đi khác hướng so với nhận thức chung và sự hiểu biết của nhiều người. Đặc biệt, theo tìm hiểu của tác giả, bài nghiên cứu của Trần Mai Anh và Nguyễn Đình Minh Anh cũng cho ra kết quả thấp là mức độ truyền dẫn tỷ giá bình quân đến giá nhập khẩu và giá tiêu dùng lần lượt là 0.13 và 0.065 trong 6 tháng đầu. Vượt qua khỏi khuôn khổ và những quan điểm chung, tác giả cho rằng nếu kết quả là đúng như mong đợi thì không có gì quá khó hiểu cả, thậm chí còn có thể đóng góp tích cực vào quá trình nghiên cứu sự truyền dẫn tỷ giá hối đoái của nước ta, mang một quan điểm mới trái ngược với quan điểm trước đây.
Đề tài sẽ tiến hành kiểm định lại dự đoán trên thông qua công cụ định lượng Vectơ tự hồi quy (VAR), một công cụ đã được sử dụng trong bài nghiên cứu của McCarthy năm 2006 và được sử dụng trong hầu hết các bài nghiên cứu ít ỏi về vấn đề truyền dẫn của Việt Nam.