II. Các chiến lược kinh doanh của Công ty
1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong một doanh nghiệp, vai trò của nhân lực và vấn đề tổ chức nhân sự là hết sức quan trọng đối với khả năng thực hiện thành công các chiến lược mà Công ty đề ra. Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực có thể phân cấp như sau: đội ngũ lãnh đạo cấp cao, đội ngũ phụ trách chuyên môn và đội ngũ thừa hành. Hoạt động quản trị của đội ngũ lãnh đạo cấp cao tác động lên các bộ phận nhân sự tham gia vào tất cả các hoạt động tác nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
1.1. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ
a. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao:
Đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến các quyết định chiến lược và khả năng tổ chức thực hiện chiến lược. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao cần có một chính sách rõ rệt về sự phân ranh giới giữa các loại công việc, có tầm nhìn chung dài hạn nhất định về lĩnh vực kinh doanh nhằm đạt được một thế thuận lợi trong cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu đội ngũ lãnh đạo
cấp cao của doanh nghiệp không đề ra được chính sách căn bản, rõ rệt mà để các biến cố tự phát, đa dạng hóa một cách ngẫu nhiên thì kết cuộc sẽ là lãng phí tài nguyên nhân lực và vốn của doanh nghiệp.
b. Đội ngũ nghiệp vụ chuyên môn:
Đây là đội ngũ tiên phong trong việc thực hiện các nghiệp vụ tác nghiệp để thực hiện chiến lược, bao gồm lãnh đạo và nhân viên các phòng ban chuyên môn của công ty. Để nâng cao chất lượng của đội ngũ này, cơ chế tuyển dụng của Công ty phải đưa ra những tiêu chí cụ thể để có thể tuyển dụng được những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của từng bộ phận chức năng. Công ty cần có chính sách khuyến khích đội ngũ chuyên môn có ý thức nâng cao trình độ nghiệp vụ trong lĩnh vực mình phụ trách và có sự liên hệ với các phòng ban khác đề tạo được một không khí cạnh tranh lành mạnh, thi đua cùng hoàn thành các chỉ tiêu bộ phận và có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các chiến lược chức năng. Văn hóa doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ chính đội ngũ cán bộ các phòng ban nghiệp vụ.
c. Đội ngũ nhân viên, công nhân:
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công nhân, nhân viên thể hiện sự lành nghề và khả năng tiếp thu công nghệ mới trong công việc mà họ được phân công đảm nhiệm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Các buổi học tập rút kinh nghiệm và phổ biến những kiến thức mới về công nghệ, kĩ thuật tại chỗ cần được tổ chức thường xuyên vì đây là hình thức tốt nhất để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ công nhân và nó tạo điều kiện cho các công nhân lành nghề phổ biến kinh nghiệm cho những công nhân mới và tạo được sự gắn kết giữa họ với nhau.
1.2. Tăng cường chất lượng đời sống làm việc
Tạo cho người lao động một đời sống làm việc chất lượng cao là một trong những mục tiêu của doanh nghiệp. Tùy theo vị trí công việc, các cán bộ, nhân viên của Công ty được trang bị các đồ dùng thiết bị phục vụ cho công việc của mình, điện thoại, máy vi tính, đồng phục, bảo hộ… Bên cạnh đó cần đảm bảo thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và có chính sách đãi ngộ đối với những người làm việc ngoài giờ…
Tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất là nhằm khuyến khích người lao động phấn đấu hết mình vì sự nghiệp chung của Công ty.
1.3. Chính sách tiền lương
Chính sách tiền lương là động lực chính để khuyến khích người lao động tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, khuyến khích sự sáng tạo nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Hiện nay tại Công ty, lương được cơ cấu thành 2 phần: theo hệ số thanh bảng lương đối với lao động gián tiếp và theo khoán sản phẩm đối với các lao động trực tiếp. Ngoài ra, Công ty có quy định chế độ khen thưởng hợp lý và cụ thể để khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo và trách nhiệm của người lao động.
1.4. Kế hoạch tuyển dụng và đào tạo
Tại Công ty, phòng tổ chức lao động có trách nhiệm xem xét và lập kế hoạch tuyển dụng bổ sung lao động kịp thời khi cần thiết, phân định các loại công việc khác nhau để kí hợp đồng ngắn hạn hoặc dài hạn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động từng thời điểm và tránh dôi dư lao động khi không có việc.
Việc phân công lao động hợp lý giúp tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất hoạt động của các trang thiết bị, tiết kiệm thời gian và công sức, bổ sung kinh nghiệm, thúc đẩy sự tìm tòi và phát minh sáng kiến… Nhìn chung, cùng với việc đổi mới mô hình quản lý, Công ty TNHH Tân Hoa cần phân bổ nguồn lực hợp lý, phân công chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng cho từng bộ phận nghiệp vụ nhằm mục đích nâng cao sự chuyên môn hóa của các bộ phận nghiệp vụ và nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty.