Thực trạng đạo đức của cán bộ, đảng viên

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đạo đức đối với Đảng cộng sản Cầm quyền và vận dụng trong giai đoạn hiện nay (Trang 66 - 78)

1.1.1 .Về đạo đức

2.1.1.Thực trạng đạo đức của cán bộ, đảng viên

Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực;năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng từng bước được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Thành tựu 25 năm đổi mới là thành quả của toàn

Đảng toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” Trung ương nhấn rất mạnh về những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, thừa nhận có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kì, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Đây là sự đánh giá hết sức thẳng thắn, với tinh thần tự phê bình và phê bình rất cao. Trong đó nổi lên vấn đề đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…

Có thể khái quát những biểu hiện của tình trạng suy thoái về mặt đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên ở Việt Nam hiện nay, đó là:

* Trước hết suy thoái đạo đức trong chính trị tư tưởng

- Sự suy giảm tính tích cực chính trị.

Tính tích cực chính trị là khái niệm chỉ tính hăng hái, chủ động, sáng tạo trong hoạt động của các giai cấp, chính đảng, của công chức và quan chức trong bộ máy nhà nước, của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức chính trị- xã hội nhằm tạo ra những biến đổi xã hội hợp quy luật: tính tích cực chính trị là tính tiên phong chính trị của giai cấp, chính đảng có tác dụng dẫn dắt, lôi kéo…như “đầu tàu” đưa “đoàn tàu xã hội” tiến lên phía trước.

Sự suy giảm tính tích cực chính trị biểu hiện ở sự suy giảm về bản lĩnh chính trị, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, phẩm chất cách mạng. Đó là thái độ thờ ơ vô trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước. Thấy việc đúng cần làm thì không tích cực ủng hộ, không gương

mẫu thực hiện. Thấy việc sai thì không kiên quyết đấu tranh, không dám hy sinh quyền lợi, lợi ích của cá nhân mình. Đã có người dao động hoài nghi lý tưởng cộng sản. Họ muốn đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa hay con đường xã hội- dân chủ, muốn thực hiện đa nguyên, đa đảng, ca ngợi tự do dân chủ tư sản. Thậm chí có Người đã phản bội lại Đảng, phản bội lại Tổ quốc, chạy sang hàng ngũ kẻ thù để xuyên tạc chống phá cách mạng, chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước…

Sự suy thoái tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay tuy mức độ nặng nhẹ, đậm nhạt có khác nhau, nhưng tựu trung đều bộc lộ dưới dạng: nhẹ thì ngại học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, tự bằng lòng với những nhận thức đơn giản, mơ hồ về Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dao động, phai nhạt về lý tưởng, mục tiêu và con đường phát triển đất nước, mơ hồ về bản chất giai cấp công nhân của Đảng; không chấp hành nghiêm túc kỷ luật Đảng, kỷ cương của Nhà nước. Nặng thì thiếu lòng tin, phủ nhận thành quả cách mạng và giá trị truyền thống dân tộc; cơ hội chính trị, chủ nghĩa cá nhân…đi đến tán phát tài liệu, truyền bá quan điểm sai trái, đi ngược Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật trở thành tác nhân, điều kiện cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình và tự diễn biến. Đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc về việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã liên hệ đặt câu hỏi: Vì sao chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ? Vì anh phản bội lại lý tưởng, anh cơ hội, hữu khuynh, tê liệt sức chiến đấu, không phản ứng trước những hiện tượng nói bậy, nói sai;đảng viên nói trái đường lối, Cương lĩnh, không khép mình vào tổ chức kỷ luật, thế thì làm sao Đảng có sức mạnh được! Và đồng chí Tổng Bí thư cũng nhắc lại ý kiến một số đồng chí lão thành cách mạng về việc lo ngại tình trạng phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên

hiện nay: Ngày xưa các cụ rất nhiệt tình, kiên định cách mạng, chả ngại gì, nhịn đói đi hoạt động cách mạng, tù tội chả sợ, sống chết vì Đảng, bây giờ thì khó được như vậy. Chẳng chịu học hành, nghiên cứu gì, về chỉ thấy giao lưu, chè chén, vui vẻ…Đây là vấn đề cực kì quan trọng…

Rõ ràng, suy thoái tư tưởng chính trị là rất nguy hiểm, bởi nó sẽ làm mất uy tín, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, từ đó có thể dẫn đến chỗ làm biến đổi bản chất chế độ, làm cho những nguyên tắc, quan điểm của Đảng bị chệch hướng, lệch chuẩn đạo đức những cán bộ, đảng viên, tổ chức của Đảng;làm suy giảm khả năng đề kháng và sức mạnh của cơ thể xã hội chủ nghĩa, của tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. V.I.Lênin đã từng nói “không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sại lầm của bản thân chúng ta”[43, tr.311]. Do vậy, đánh giá đúng tình hình, xác định đúng nguyên nhân và có những giải pháp cụ thể kiên quyết khắc phục có hiệu quả tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên là vấn đề vừa mang tính cơ bản, vừa mang tính cấp bách ở nước ta hiện nay.

Theo báo cáo kết quả tổng hợp nghiên cứu đề tài: Những giải pháp và điều kiện phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay (đề tài khoa học xã hội cấp nhà nước, mã số KX.04/06-10): Qua điều tra xã hội học đã tiến hành khảo sát trên phạm vi cả nước, với 3000 phiếu phát ra, chia làm 2 đợt đã thu được kết quả như sau:

Về việc học tập nghị quyết của Đảng: có 1/5 cán bộ, đảng viên quan tâm đến việc học tập, tiếp thu nghị quyết; 13,5% không quan tâm; 59,6% cho rằng đây là chuyện bình thường; 35% cho rằng nghị quyết được thực hiện nghiêm túc tại đơn vị; số còn lại cho rằng còn mang nặng tính hình thức.

Về chủ trương, đường lối, mục tiêu, lý tưởng của Đảng: một bộ phận cán bộ, đảng viên cho rằng hiện nay không hoàn toàn tin tưởng vào những gì

mà thế hệ đi trước đã theo đuổi; 18,2% cho rằng khó trả lời, 2,8% và 15% tuổi dưới 30 cho rằng tính tất yếu của chế độ xã hội chủ nghĩa là không đúng.

Về động cơ gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam: một tỷ lệ khá cao trả lời mục tiêu vào Đảng là để tiến thân; 36.1% cho rằng động cơ chính của những người ở cơ quan họ vào Đảng là để đủ điều kiện tiến thân.

Về tuyên truyền các quan điểm sai trái với cương lĩnh, điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, phát tán tài liệu trái phép: chỉ có 0,9% cho rằng ở cơ quan họ thường xuyên có hiện tượng tán phát tài liệu trái với quan điểm của Đảng và 2,1% cho rằng thỉnh thoảng mới có trường hợp này. Song hiện tượng khá phổ biến là trao đổi, phê phán đường lối, chủ trương của Đảng, đôi khi phiến diện, gây hậu quả xấu trong cơ quan, đơn vị. Hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng

- Tệ cơ hội chính trị

Đây là biểu hiện khá phổ biến và tệ hại nhất hiện nay của sự thoái hóa về đạo đức chính trị và việc đấu tranh xử lý nó cũng hết sức phức tạp. Tệ cơ hội chính trị biểu hiện “nhạy bén” về chính trị không nhằm mục tiêu cách mạng chung, nó tồn tại dưới nhiều màu sắc, danh nghĩa, động cơ khác nhau. Thực tế cho thấy, có người đã dùng nhiều thủ đoạn để đầu cơ, tranh giành quyền lợi và tranh giành địa vị, quyền lực chính trị. Thường ở họ, lời nói không đi đôi với việc làm, mọi hoạt động của họ đều vì cá nhân họ. Với họ, sự khôn ngoan trở thành âm mưu, thông minh trở thành lưu manh chính trị, chức quyền thành công cụ của chủ nghĩa cá nhân. Họ đã tìm những khe hở của chính sách, của pháp luật, với quyền lực và quyền hạn của mình tìm mọi cách để vô hiệu hóa pháp luật, làm giàu bất chính. Biểu hiện khác là, bên ngoài họ tỏ ra trung thành với lý tưởng, song bên trong, họ tìm mọi thủ đoạn để được thăng quan tiến chức hòng mưu lợi cá nhân. Với những người này,

khi tham vọng cá nhân không đạt được thì có thái độ bất mãn đi đến nói xấu chế độ, nói xấu Đảng, số ít còn điên cuồng chống lại vai trò lãnh đạo của Đảng, phục vụ động cơ chính trị của mình.

- Quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của dân.

Chế độ ta là chế độ dân chủ, các tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị là những tổ chức, cơ quan thực hiện quyền lực của nhân dân. Người cán bộ, đảng viên đã được bổ nhiệm, đề bạt hay do dân bầu, về nguyên tắc đều là những người được nhân dân tín nhiệm và ủy quyền cho họ thực hiện quyền lực về lợi ích của xã hội và của nhân dân. Do đó, quan liêu, chuyên quyền, độc đoán “đè đầu cưỡi cổ” dân là trái với bản chất chế độ dân chủ, làm tha hóa quyền lực của hệ thống chính trị, và do đó cũng là biểu hiện của suy thoái về đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, thoát ly thực tiễn, ngại học tập, lười suy nghĩ, coi thường ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong cơ quan Nhà nước, cụ thể là: cấp dưới không chấp hành quy định, chỉ thị của cấp trên, tự đặt ra các quy định sai trái. Cá nhân không chấp hành nghiêm quyết định của tập thể;phát ngôn tùy tiện, bất chấp nguyên tắc của Đảng. Trong sinh hoạt Đảng có trình trạng nể nang, né tránh, không nói thẳng, nói thật nhưng trong thực tế thì liên kết ngầm, chống đối nhau, nghi kị lẫn nhau. Quan hệ đồng chí nhiều khi bị cấp bậc, chức vụ, lợi lộc, tiền bạc chi phối. Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng”[ 16, tr.48].

Nghị quyết Đại hội XI nhấn mạnh: “tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”[17, tr.175].

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán gay gắt những người có đầu óc “quan cách mạng”. Người viết: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông “vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”[27, tr.88]. Người từng nhắc nhở, từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng, do đó phải luôn luôn gần gũi nhân dân, hiểu biết nhân dân và muốn lãnh đạo được nhân dân thì phải học hỏi dân: “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”[28, tr.432]. Người còn nhấn mạnh: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[27, tr.335].

Thực tế chứng minh, có quyền, nếu mất cảnh giác, thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thường dễ dẫn tới lạm quyền, lợi dụng quyền, rơi vào tình trạng suy thoái biến chất, suy thoái về đạo đức cách mạng.

* Thứ hai sự suy thoái đạo đức trong hoạt động kinh tế, lãnh đạo

kinh tế.

Sự suy thoái đạo đức trầm trọng, tệ hại, chủ yếu của một bộ phận cán bộ hiện nay chính là lợi dụng chức vụ, quyền hành được giao phó để trục lợi, làm giàu bất chính, cụ thể là:

Lợi dụng chức quyền để trao đổi quyền lực, mua chức, bán quyền, tệ chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy lợi, chạy tội, chạy bằng cấp…một số người coi đây là một kiểu đầu tư(theo cơ chế thị trường).

Tệ lạm dụng quyền lực theo tính chất gia trưởng (một người làm quan cả họ được nhờ). Tệ tham quyền cố vị, tệ thiếu tinh thần trách nhiệm, khi xảy ra hậu quả, họ tìm mọi lý do để đổ lỗi cho khách quan, đổ vấy cho nhau.

Lạm dụng chức quyền, địa vị công tác mưu lợi ích riêng không chỉ là hiện tượng cá biệt mà đã mạng tính phổ biến, móc nối nhau ngày càng nghiêm trọng.

Tệ tham nhũng là biểu hiện sự tha hóa về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Đại hội X khẳng định lại và nhấn mạnh: quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng. Đại hội XI nhấn mạnh thêm, phải tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng còn làm cho nhân cách cán bộ bị tha hóa. Đồng tiền bất chính dẫn con người đến những thói hư tật xấu như cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm…Lợi dụng chức quyền được Đảng và nhân dân giao cho, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đã vơ vét của công, tham ô, sách nhiễu, tiêu xài công quỹ vô tội vạ…

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đạo đức đối với Đảng cộng sản Cầm quyền và vận dụng trong giai đoạn hiện nay (Trang 66 - 78)