1.2. Những yếu tố tác động đến việc hình thành khu vực thương mại Đông
1.2.3. Về văn hóa-xã hội
Khi nhắc đến yếu tố “văn hóa” trong văn minh phương Đông, người ta thường nhấn mạnh đến yếu tố “đồng chủng, đồng văn”, tức mối quan hệ mật thiết về chủng tộc người trong khu vực và các mối tương đồng về văn hóa. Cư dân Đông Á có sự đa dạng về tộc người, Nhật Bản và Hàn Quốc (Triều Tiên) có cơ cấu tương đối thuần nhất, hầu như chỉ một tộc người và một số ít dân tộc thiểu số. Trung Quốc và Việt Nam lại là hai quốc gia có số lượng tộc người đông đảo, phân bố khắp nơi trên toàn bộ lãnh thổ nhưng trong đó chỉ một tộc người chiếm ưu thế tuyệt đối, đó là người Hán ở Trung Quốc và người Kinh (Việt) ở Việt Nam. Chính sự đa dạng và thuần nhất ấy đã góp phần tạo nên những đặc điểm riêng về văn hóa ở mỗi quốc gia. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, mẫu số chung của cư dân Đông Á thuộc đại chủng Mongoloid với các đặc điểm chung như da vàng, tóc đen, mũi thấp… Đồng văn trong văn hóa Á Đông tức nói đến những tương đồng về văn hiến, chữ viết, trong đó văn hóa Trung Hoa nằm ở vị trí trung tâm tạo nên mối liên hệ tưởng chừng như vô hình mà sâu sắc.
Đông Bắc Á chịu tác động trực tiếp của nền văn minh Trung Hoa và chính những ảnh hưởng ấy đã góp phần tạo nên nhiều điểm tương đồng của khu vực, đặc biệt trong thơ văn, nghệ thuật, thiết chế chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng... Văn minh Trung Quốc được xem như một nền văn minh độc lập, không có liên hệ “họ hàng” với bất kì nền văn minh nào khác, theo đó văn minh Nhật Bản, Hàn
Quốc là những nền văn minh vệ tinh, xoay quanh trục lớn ấy. Các nền văn minh này đều mô phỏng các đặc điểm nổi bật của văn minh Trung Quốc và ít nhiều ảnh hưởng, tạo ra được những đặc điểm và sắc thái riêng, những giá trị riêng. Các yếu tố của cư dân nông nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ở từng quốc gia riêng biệt nhưng về bản chất vẫn nằm trong mối tương quan chung của khu vực, theo Phan Huy Lê nét đặc trưng truyền thống của văn hóa Á Đông nằm ở: “Sự coi trọng vai trò của gia đình, xem như tế bào của xã hội, là cơ sở để nuôi dạy con cái trong quan niệm “tu thân, tề gia”; Ý thức cộng đồng cao với nhiều hình thái và cấp độ trong một phức hợp liên kết của quan hệ huyết thống, quan hệ láng giềng, quan hệ quê hương, quan hệ bạn bè, quan hệ chủ-tớ và quan hệ quốc gia dân tộc. Bản chất người Á Đông luôn luôn đặt cá nhân con người trong mối quan hệ với cộng đồng, tập thể, bài trừ chủ nghĩa cá nhân; Tinh thần nhân văn, tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc cao biểu thị trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc được phản ánh sâu sắc trong văn học nghệ thuật và di sản văn hóa của mỗi nước; Tinh thần lao động cần cù, siêng năng, khéo tay, chăm chỉ; Truyền thống coi trọng học vấn và đạo lý. Phẩm chất con người được biểu thị trong nhiều đặc điểm, quan trọng nhất vẫn là hiếu, trung và nghĩa; Lối sống hài hòa, gắn chặt với thiên nhiên. Đặc điểm của văn minh nông nghiệp lấy cây lúa làm nền tảng duy trì sản xuất kết hợp với mối quan hệ cộng đồng bền chặt tạo nên triết lý sống hòa mình vào thiên nhiên” [35, tr. 15-16].
Các quốc gia trong cùng một khu vực địa lý thường có những điểm tương đồng tạo nên đặc điểm văn hóa riêng của từng vùng. Sự tương đồng về văn hóa thường có quá trình phát triển lâu dài giữa giao lưu, học hỏi và pha trộn cùng với tiến trình của thời gian. Tương đồng về văn hóa được hiểu trên nhiều cấp độ, các yếu tố như chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chữ viết… là những sợi dây vô hình
gắn kết các quốc gia trong cùng khu vực. Tương đồng văn hóa còn là đặc điểm để nhận diện các nền văn minh, đồng thời cũng tạo ra sắc thái độc đáo của nó.
Tiền đề văn hóa - xã hội giúp chúng ta nhận biết rõ ràng hơn mối quan hệ ràng buộc cũng như tác động qua lại giữa các quốc gia trong khu vực đồng thời chỉ ra những hệ quả mà nó để lại. Chính những đặc điểm chung về văn hóa - xã hội đã tạo nên sự hài hòa, dễ nhận biết của từng nền văn hóa. Văn hóa Đông Bắc Á có sự giao thoa đa dạng giữa nhiều vùng nhưng vẫn giữ được cái riêng. Hơn hết, nền văn hóa Đông Bắc Á có sự giao lưu, tiếp xúc do quá trình tiếp biến, di cư lâu đời giữa các cộng đồng trong khu vực, tạo nên sự phân bổ đan xen, đa dạng nhưng hài hòa. Về phương diện tôn giáo, Đông Bắc Á cũng tồn tại những tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị của nhiều quốc gia như Phật giáo, Nho giáo… Tác động của tôn giáo không những đem lại sự tương đồng trong niềm tin dân tộc và còn làm nảy sinh tình cảm “tương thân tương ái” của cư dân các vùng chịu ảnh hưởng. Giá trị tôn giáo đã trở thành những đặc điểm riêng để nhận diện quốc gia, qua đó tạo nên mối liên hệ vô hình, gắn kết. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ít nhiều đã tạo ra được những cái riêng, những đặc điểm riêng từng dân tộc nhưng vẫn nằm trong cái chung của tổng thể, điều đó đã góp phần tạo nên những điểm tương đồng, những sự bổ sung lẫn nhau về văn hóa thúc đẩy quan hệ hợp tác khu vực.