Liên kết 3 bên hướng tới triển vọng khu vực thương mại tự do Đông Bắc Á không thể không nói đến vai trò và tác động của cơ chế hợp tác ASEAN+3, qua đó các nước khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy liên kết khu vực. Những năm gần đây, Trung Quốc tích cực tham gia hợp tác 10+3 và hợp tác kinh tế 3 nước Trung - Nhật - Hàn. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo 10+3 và trong các cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn, Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều ý kiến mang tính chiến lược và kiến nghị thiết thực khả thi về hợp tác kinh tế khu vực Đông Á. Trung Quốc cho rằng, khung hợp tác 10+3 cần phải tôn trọng tính đa dạng trong tình hình thực tế của các nước và thực tế phát triển kinh tế mất cân bằng giữa các nước, tuân thủ nguyên tắc cùng tạo thuận lợi cho nhau, cùng có lợi, tiến dần theo trình tự, coi trọng hiệu quả thực tế, kiên trì lấy hợp tác vốn có của ASEAN làm cơ sở, quan tâm đầy đủ tới lợi ích của các bên, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ. Trung Quốc chủ trương các nước Đông Á thúc đẩy hơn nữa trao đổi và hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, hợp tác tiểu vùng và an ninh truyền thống.
Tại Hội nghị thượng đỉnh 10+3 họp ở Phnom Penh năm 2002, Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến thiếp lập Khu mậu dịch tự do Đông Bắc Á, bao gồm Trung
Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để xây dựng FTA Đông Bắc Á trong bối cảnh các nước trong khu vực này chưa có thói quen hợp tác đa phương và những mâu thuẫn tiềm tàng trong nội nộ, Trung Quốc đề nghị thiết lập Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - Nhật Bản đầu tiên, trên cơ sở FTA song phương này sẽ mở rộng thêm sự tham gia của Hàn Quốc.
Nhận thức được vai trò ngày càng tăng của Đông Bắc Á trong khu vực và thế giới, Trung Quốc rất coi trọng hợp tác giữa ba nước Trung - Nhật - Hàn. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, năm 2003, ba nước đã ký Tuyên ngôn thúc đẩy liên hiệp hợp tác ba bên Trung - Nhật - Hàn, đồng thời xác định khuôn khổ và hướng hợp tác của ba nước, và đồng ý tiến hành nghiên cứu mang tính khả thi đối với vấn đề xây dựng FTA. Đây là một động thái thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã từng đề nghị xây dựng cơ chế gặp gỡ giữa bộ trưởng kinh tế và thương mại ba nước, nhằm tăng cường và phối hợp nhịp nhàng hợp tác giữa ba bên, xây dựng cơ chế đàm phán giữa các ban ngành giám sát chất lượng, kiểm định… giữa 3 nước, nhằm kịp thời phát hiện và giải quyết vấn đề, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại phát triển lành mạnh, thúc đẩy hợp tác công nghệ thông tin giữa 3 nước, tăng cường giao lưu nhân dân 3 nước.
Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức tháng 12/2008 tại Fukuoka (Nhật Bản) diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chìm vào cuộc khủng hoảng tài chính, khu vực Đông Bắc Á cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm như khủng hoảng kinh tế, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên… Ba nước Trung - Nhật - Hàn với vai trò là những người đứng đầu khu vực đang cố gắng tìm cách khắc phục khó khăn kinh tế, đưa khu vực này thoát
khỏi khủng hoảng, duy trì sự phát triển ổn định. Tại hội nghị, ba bên đã ký kết một số văn kiện như: “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác ba nước”, “Kế hoạch hành động hợp tác Trung - Nhật - Hàn”, “Tuyên bố chung về vấn đề tiền tệ, kinh tế quốc tế”. Nội dung chủ yếu của “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác ba nước” là đặt cơ sở vững chắc cho thúc đẩy hợp tác giữa 3 nước. Tuyên bố xác định nền kinh tế của 3 nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cả 3 nước đều đối mặt với cơ hội và thách thức, đều có nguyện vọng và trách nhiệm chung trong hợp tác khu vực. “Kế hoạch hành động hợp tác Trung - Nhật - Hàn” tập trung trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học kĩ thuật và bảo vệ môi trường, văn hóa xã hội, hợp tác quốc tế. Trong đó xác định tăng cường hợp tác với ASEAN, củng cố vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á. Ba nước Trung - Nhật - Hàn xây dựng vững chắc cơ chế đối thoại, đồng thời về kinh tế, nghiên cứu chung về khu vực mậu dịch tự Đông Bắc Á đã hoàn thành cuối năm 2008, nghiên cứu chuyên sâu hơn bắt đầu vào năm 2009. Đây là một bước tiến mới trong tiến trình hợp tác Đông Á cũng như tiến tới một FTA của khu vực Đông Bắc Á.
2.2.2. Nỗ lực của Nhật Bản
Trước sự trỗi dậy thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh hợp tác đa phương ngày càng đa dạng, Nhật Bản chợt bừng tỉnh và thay đổi chính sách phát triển. Trong sự biến đổi nhanh chóng của thế giới, Nhật Bản không thể tự cô lập mình, sự thay đổi trong chiến lược đã khẳng định bước đi đúng đắn. Nhật Bản đã tiến hành nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định liên đới kinh tế (EPA). Chiến lược hợp tác kinh tế khu vực không chỉ để kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc mà còn khẳng định tâm quan trọng của quan hệ tương hỗ về lợi ích kinh tế, chính trị.
Trước trào lưu của thế giới và khu vực, Nhật Bản đã bắt đầu thay đổi chính sách ngoại giao kinh tế của mình, hướng nhiều hơn đến việc thúc đẩy các hiệp thương mại tự do theo xu hướng toàn cầu hóa. Quá trình này được khởi động từ những năm 1998, theo đó Nhật Bản chủ trương xây dựng FTA với Hàn Quốc, ASEAN và Mỹ. Chiến lược FTA của Nhật Bản được bắt đầu tiến hành từ năm 1999 bằng sự kiện Nhật Bản và Hàn Quốc thoả thuận cùng nghiên cứu khả năng và hiệu quả của một FTA giữa hai nước. Hiện nay, mặc dù hai nước vẫn chưa thể đi đến một hiệp định thương mại nhưng điều này đã đánh dấu bước chuyển biến lớn trong xu thế hợp tác, hội nhập khu vực. Lợi thế của FTA song phương đã thúc đẩy Nhật Bản tạo dựng và tiến hành chiến lược của mình. Rõ ràng, trong đàm phán song phương các quốc gia đạt được sự đồng thuận nhanh hơn so với đàm phán trong khuôn khổ đa phương. Thành công trong đàm phán góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.
Các đối tác trong chiến lược FTA của Nhật Bản thường gắn liền với lợi ích thương mại của nước này, và vì thế những khu vực như Đông Á, Bắc Mỹ hay châu Âu được ưu tiên trên hết. Xét về lợi thế, Đông Á vừa là “ao nhà” vừa là nơi Nhật Bản có tỷ lệ trao đổi thương mại cao nhất, do đó việc ký kết FTA với các quốc gia Đông Á, đặc biệt trong khu vực Đông Bắc Á sẽ thúc đẩy thương mại và tự do hóa nhiều hơn. Mức độ tự do hóa được thể hiện qua mức thuế một nước áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu của nước đó, mức thuế càng cao sẽ gây bất lợi cho nước xuất khẩu. Hiện nay, thuế nhập khẩu trung bình hai nước Đông Bắc Á Trung Quốc và Hàn Quốc tương ứng là 10% và 16,1%. Một tỷ lệ khá cao trong khi các quốc gia này lại là một trong những thị trường thương mại lớn của Nhật Bản. Đông Á hiện là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vì vậy
ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Nhật Bản mà cụ thể là Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Từ khi tiến hành chiến lược FTA đến nay, Nhật Bản chủ trương thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và hiệp định đối tác thương mại với các quốc gia thành viên của ASEAN. Các hiệp định này giúp Nhật Bản xóa bỏ hàng rào thuế quan vốn ngăn cản sự lưu thông của thương mại hàng hóa. Ngoài những liên kết tất yếu với các quốc gia thành viên Hiệp hội Đông Nam Á, Nhật Bản cũng tích cực tham gia ASEAN+3, xem cơ chế này như một “kênh” để hàn gắn, thúc đẩy và phát triển quan hệ 3 bên Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khuôn khổ 10+3, ba quốc gia đặc biệt phát triển ở khu vực Đông Bắc Á, vốn không mấy thiện cảm, thậm chí thù địch đã có những bước khởi đầu trong hợp tác về các vấn đề kinh tế, chính trị, mậu dịch và an ninh phi truyền thống. Bên lề những cuộc họp cấp cao ASEAN+3, ba nước cũng đã tiến hành nhiều cuộc họp thượng đỉnh 3 bên nhằm hướng tới liên kết khu vực. Đặc biệt, ý tưởng về FTA Đông Bắc Á đã bắt đầu được “thai nghén” và phát triển. FTA Đông Bắc Á sẽ là bước đi nhỏ giúp tạo lập bước đi lớn hơn, tiến đến Cộng đồng kinh tế châu Á.
2.2.3. Nỗ lực của Hàn Quốc
Trong những nền kinh tế lớn của châu Á, đặc biệt trong khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc là một quốc gia có những thay đổi vượt bậc về kinh tế, những thay đổi và điều chỉnh trong chính sách đã góp phần đưa Hàn Quốc thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Hàn Quốc vẫn còn là một nước nghèo, kiệt quệ về kinh tế với GDP vỏn vẹn 79 USD/người. Nhưng đến trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á 1997 - 1998 nổ ra, GDP bình quân đã có bước tăng trưởng vượt
bậc đạt 11.385 USD/người (1996), giá trị xuất khẩu đạt hơn 129 tỷ USD, nền kinh tế đứng vị trí thứ 11 trên thế giới. Sự thay đổi thần kỳ của Hàn Quốc do nhiều nguyên nhân, hơn hết đó là chính sách phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu. Tổng kim ngạch buôn bán, thương mại chiếm tới 70% GDP của nước này.
Trong bối cảnh hợp tác quốc tế và khu vực đang là xu thế chung, Hàn Quốc cũng không phải ngoại lệ khi tích cực tham gia tiến trình này. Nền kinh tế thế giới đang biến đổi từng ngày mà kết cấu là những mạng lưới quan hệ sâu rộng giữa nhiều nước, vì thế việc thích nghi với những thay đổi là thực sự cần thiết. Trước năm 2004, Hàn Quốc hầu như chưa ký một FTA nào, tuy nhiên gần đây thái độ của họ dường như đã thay đổi, biểu hiện rõ nét là việc tích cực tham gia vào các liên kết thương mại khu vực. Với đặc điểm nền kinh tế dựa vào ngoại thương, sự phát triển phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ với các nước bên ngoài, nhưng đến 4/2004, Hàn Quốc mới chính thức thiết lập FTA đầu tiên của mình với Chile. Chính bước đi đầu tiên này đã đặt nền móng vững chắc cho tiến trình hội nhập tiếp theo. Hiện nay, Hàn Quốc đang tăng cường tham gia FTA với nhiều quốc gia, tuy nhiên bước đi này rất thận trọng do mong muốn giảm thiểu những bất lợi gây ra cho những lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, công nghiệp và quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Tác động của FTA là duy trì thị trường xuất khẩu đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ bên ngoài, tạo cơ hội hợp tác đa dạng với các nước lớn, do đó chính phủ Hàn Quốc gia tăng mục tiêu thiết lập FTA với nhiều đối tác quan trọng trong lẫn ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Mỹ… và đóng góp vào việc xây dựng khu vực thương mại chung của khu vực.
FTA với Chile đã giúp Hàn Quốc cởi mở hơn với làn sóng hội nhập khu vực. Tuy vậy, với ASEAN, Hàn Quốc càng hiểu rõ tầm quan trọng về chính trị
và kinh tế của tổ chức này. ASEAN được xem như một đối tác lớn, trọng yếu trước hết do cùng vị trí địa lý ở Đông Á và thị trường rộng mở đầy tiềm năng. Sự kết hợp ASEAN và Hàn Quốc sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả đôi bên. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc ở Bali năm 2003, Hàn Quốc đề xuất cùng với ASEAN thăm dò khả năng xây dựng khu vực thương mại tự do giữa hai bên. Dựa trên tiền đề này, vào tháng 12/2004, Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc tại Vientiane, Lào, hai bên đã thống nhất Tuyên bố chung về hợp tác kinh tế toàn diện định hướng mục tiêu thiết lập khu vực thương mại tự do trên các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư. Tiếp đó, vào tháng 12/2005, Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc tại Kuala Lumpur, Malaysia, hai bên tiếp tục ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện tạo cơ sở, nền tảng cho quan hệ bền vững giữa hai bên đồng thời đặt mục tiêu tiến đến một khu vực thương mại tự do. Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ 6/2007 (Thái Lan chưa tham gia), theo đó, Hàn Quốc miễn thuế gần 8.000 mặt hàng của ASEAN; các nước ASEAN giảm thuế còn từ 0 đến 5% đối với 45% số mặt hàng của Hàn Quốc. FTA mở ra triển vọng tăng xuất khẩu của ASEAN vào thị trường Hàn Quốc và tăng năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc trên thị trường ASEAN.
FTA ASEAN - Hàn Quốc là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với một thực thể kinh tế thống nhất của khu vực Đông Nam Á. Hàn Quốc đã có những bước đi đúng đắn khi chọn lựa con đường hội nhập kinh tế khu vực, tham gia FTA là điều kiện đẩy mạnh hợp tác thương mại và tạo lập hướng đi chắc chắn tiến đến Cộng đồng Đông Á. Ngoài ASEAN, Hàn Quốc cũng bắt đầu đàm phán FTA với Singapore từ năm 2004. Hai nước chính thức thỏa thuận về FTA toàn diện vào tháng 11/2004 trên chín lĩnh vực về thương mại hàng hóa và dịch vụ,
đầu tư, mua sắm chính phủ, thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) và sở hữu trí tuệ. Hiện tại Seoul cũng đang đẩy mạnh hoàn tất các hiệp định thương mại tự do song phương với một số thành viên của ASEAN nhằm đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch thương mại.
Theo các học giả Hàn Quốc, để xúc tiến FTA Đông Bắc Á, cần phải thực hiện việc xây dựng thể chế ở các cấp độ khác nhau gồm: “Hội đồng Hợp tác kinh tế Đông Bắc Á, Định chế Hợp tác kinh tế Đông Bắc Á và Ngân hàng phát triển Đông Bắc Á” [6, tr. 70]. Tuy nhiên, đó chi là những vấn đề mang tính lý thuyết vì thực tế diễn ra hoàn toàn khác. Việc hướng tới một FTA Đông Bắc Á không thể “một sớm một chiều”, Hàn Quốc nhận ra rằng định hướng FTA khu vực cần phải được bắt đầu từ các FTA song phương mà cụ thể là FTA Hàn - Nhật hoặc Hàn -Trung. Trong năm 2012, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu khởi động đàm phán FTA với Trung Quốc, dự định hoàn thành trong 2 năm. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tăng mạnh trong vòng hai thập kỷ qua, với tổng kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân 18,6% mỗi năm, đạt 245,6 tỷ USD trong năm 2011. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Trung Quốc. Về việc thiết lập hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, thoả thuận nghiên cứu khả năng và hiệu quả của một FTA song phương đã bắt đầu từ năm 1999. Các cuộc đàm phán được tiến hành từ tháng 12/2003 nhưng bị bỏ dở từ năm 2004. Hiện nay, hai nước vẫn chưa đi đến một sự thoả thuận cụ thể do những bất đồng về điều kiện đánh thuế trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp cũng như việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan.