Giới hạn quyền liên quan

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Trang 68 - 70)

Giới hạn quyền liên quan là việc pháp luật qui định các trường hợp sử dụng, khai thác tác phẩm của chủ sở hữu quyền liên quan mà không phải xin phép hoặc trả thù lao cho chủ sở hữu quyền liên quan. Theo qui định Điều 32 Luật SHTT, các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân. Các qui định về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và quyền liên quan nói riêng đều có qui định đối với việc sử dụng các sản phẩm trí tuệ vào mục đích nghiên cứu khoa học thì không phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao. Khoa học là sự kế thừa giữa các thế hệ với những nghiên cứu và sáng tạo mới trên nền tảng các thành tựu khoa học đã có. Do vậy, qui định trên cũng là một trong các điều kiện thúc đẩy khoa học phát triển.

b) Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy ;

c) Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin. Theo qui định tại khoản 1 điều 24 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006, Trích dẫn hợp lý là việc sử dụng các trích đoạn nhằm mục đích thuần tuý đưa tin, phải phù hợp với các điều kiện sau: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin; Số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để

trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn.

d) Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng. Bản sao tạm thời là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện, thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ trong trung tâm lưu trữ chính thức. Qui định này trong phạm vi hẹp chỉ đối với tổ chức phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng, và mục đích sử dụng cũng chỉ được nhằm mục đích phát sóng.

Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao [26, Điều 33]. Tỉ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác do các chủ thể quyền hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thoả thuận.

Các chủ sở hữu quyền liên quan có thể ủy thác cho tổ chức đại diện tập thể quyền liên quan thực hiện việc thu và phân phối tiền, thù lao và các quyền lợi vật chất khác khi tác phẩm quyền liên quan được khai thác, sử dụng. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được ủy thác được hưởng một khoản phí nhất định theo thoả thuận.

Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền liên quan trong các trường hợp sau đây không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác

giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ [26, khoản 1 Điều 35].

b) Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật [26, khoản 2 Điều 35].

Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)