Vai trò của người Hoa trong hoạt động thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Vai trò của người Hoa đối với sự phát triển của vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Trang 42 - 45)

Người Hoa đến Nam Bộ cũng mang theo nhiều nghề thủ công của mình. Hoạt động thủ công nghiệp của họ diễn ra trên nhiều lĩnh vực như sản xuất giấy, dệt vải, thuộc da, làm nhang kim hoàn, chạm khắc gỗ, hàng

mã. Nhờ vậy mà nghề thủ công ở đây đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Sản phẩm thủ công làm ra nhiều, được mua bán rộng rãi, giá thành ngày càng rẻ đã tạo ra nguồn hàng xuất khẩu quan trọng cũng như cải thiện đời sống của nhân dân nơi đây.

So với cư dân bản xứ thì hoạt động thủ công nghiệp của người Hoa có phần mạnh mẽ hơn. Nghĩa là, người Hoa có vai trò nhất định ở hoạt động này.

Trước hết, người hoa đem đến nhiều nghề thủ công mới như làm giấy, thuộc da, kim hoàn, khai mỏ… hầu như người Việt ít làm những nghề này. Chẳng hạn như Trịnh Hoài Đức đã nói “Cá biệt có một số nghề khai thác mỏ (mỏ sắt) như Ly Kinh Tú, Lương Huệ Tam, người tỉnh Phúc Kiến. Hai người này đến trưng thuê, tổ chức việc khai thác quặng sắt ở núi Lò Thổi thuộc trấn Biên Hoà, lầy được nhiều sắt tốt, đúc làm xanh chảo, mua bán mau được lời to… hay người Phúc Kíên chuyên nghề đi thu mua sắt vụn về bán hoặc nấu lại” [9; 4].

Thứ hai, có những nghề thủ công của người Hoa mà ở người Việt cũng có như dệt vải, làm gốm, chế biến nông sản, làm muối… Song người Hoa sản xuất trên quy mô lớn hơn, tinh xảo hơn, nhiều người tham gia sản xuất hơn, có kĩ thuật hơn nên sản phẩm được ưa chuộng, giá thành rẽ, mẫu mã đẹp. Về khía cạnh này thì có thể lấy ví dụ như trong nghề làm muối. Nghề muối phát triển ở trấn Vĩnh Thanh và trấn Biên Hoà. “Xứ Ba Thắc trấn Vĩnh Thanh có sản xuất nhiều muối hồng…Người Tàu chuyên nghề này, đan bao lá hình vuông, mỗi bao đựng năm, sáu cân…” [47; 3]. Ngoài ra, người Hoa từng đầu tư không nhỏ vào nghề làm gạch ngói. Gạch ngói của người Hoa sản xuất thường được sử dụng trong hầu hết các công trình xây dựng. Các mặt hàng được chế tạo từ đất sét và thuỷ tinh của người Hoa

tuy chưa thật tinh xảo nhưng đã được tiêu thụ rộng rãi khắp trong nước… Nói như vậy, không phải là phủ nhận ngành nghề thủ công của người Việt mà để thấy những cái người Việt cần học hỏi cũng như cần khẳng định chính mình. Nghề chế biến nông sản được người Hoa ưu ái vì thu nhập cao. Nghề này thu hút được nhiều nhân lực người Hoa. Cứ tính lượng người thu gom lúa gạo, chế biến lúa gạo và các loại nông sản khác thì có thể là rất đông. Người Hoa nắm độc quyền thu mua và xuất khẩu lúa gạo ra các vùng, đi các nước. Rồi từ lúa gạo, nông sản, người Hoa sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Các cơ sở chế biến lương thực mọc lên ngày càng nhiều, các nhà máy xay xát cũng không ngừng ra đời và mở rộng quy mô. Có tài liệu cho rằng cuối thế kỉ XIX có khoảng 40 nhà máy xay xát do người Hoa kiểm soát. Vậy thì có lẽ trước đó, đầu thế kỉ XIX đã xuất hiện những nhà máy này rồi. Những thực phẩm chế biến và món ăn của người Hoa góp phần làm phong phú cho văn hoá ẩm thực Nam Bộ. Trong số các nhóm người Hoa thì nhóm Quảng Đông và Triều Châu chiếm ưu thế nhất trong việc chế biến lương thực thực phẩm.

Nghề gốm của người Hoa tập trung ở Biên Hoà; Thủ Dầu Một (thuộc Đồng Nai và Bình Dương hiện nay) và Chợ Lớn. Kỹ thuật chế gốm và lò nung mang đặc điểm của Trung Hoa. Sản phẩm gốm khá đa dạng từ vật dụng sinh hoạt đến vật liệu xây dựng như gạch lát, gạch men, ngói. Có lẽ vì thế mà các chùa Hoa từ chỗ mua gạch ngói từ Trung Quốc đến chỗ mua tại đó. Sản phẩm gốm của người Hoa được tiêu dụng rộng rãi khắp miền này và có thể đã bán ra một số nước láng giềng. Trong lĩnh vực in ấn, xuất bản và các kỹ nghệ có liên quan khác, người Hoa cũng tỏ ra rất có kinh nghiệm và liên tục đầu tư. Hàng chục cơ sở sản xuất giấy của người Hoa đã ra đời trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Có cơ sở in hiện đại đã sử

dụng hàng trăm công nhân.

Thực sự, các nghề thủ công mà người Hoa tham gia hoạt động ngày càng phát triển và mở rộng quy mô. Thậm chí, Đào Trinh Nhất từng nhận xét là “từ thời Pháp thuộc người Việt chỉ còn giữ được nghề nhuộm vải thâm là độc quyền và độc đáo. Còn lại, hầu hết là sản phẩm do người Hoa làm ra” [37; 32].

Một phần của tài liệu Vai trò của người Hoa đối với sự phát triển của vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Trang 42 - 45)