Đây là kênh huy động vốn chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi mà nguồn vốn chủ sở hữu không thể đáp ứng đủ yêu cầu về vốn. Theo một thống kê của VCCI có đến hơn 74% doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng nguồn vốn tín dụng ngân hàng là nguồn chính để huy động vốn, chính tâm lý này đang hạn chế tính năng động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, mà đặc biệt nghiêm trọng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo điều tra của Bộ KH và ĐT chỉ 1/3 DNVVN tiếp cận được vốn vay ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận được và 1/3 không thể tiếp cận. Chủ yếu là do các doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng về
tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính, lập kế hoạch kinh doanh và vay vốn. Những điều kiện này thường chỉ doanh nghiệp lớn có uy tín và thương hiệu mới có khả năng đáp ứng được. Một phần cũng do hệ thống ngân hàng hiện nay không có khả năng cung ứng vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Theo một khảo sát không chính thức về cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng Việt nam hiện nay, cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn chỉ chiếm chưa tới 15% tổng nguồn vốn, từ 2008 đến nay hệ thống ngân hàng thường xuyên gặp khó khăn về thanh khoản, phải lấy ngắn nuôi dài.
Lãi suất tiền vay năm 2013 đã nhìn chung đã giảm so với các năm trước, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao so với mức sinh lợi của doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp hiện nay buộc phải lựa chọn, hoặc thu hẹp sản xuất, hoặc tìm kiếm các nguồn vốn khác, như phát hành trái phiếu, cổ phiếu.