Trước thế mạnh của giặc, Trần QuốcTuấn và nhà Trần chủ động vừa đánh vừa rút lui chiến lược

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Vai trò của Trần Hưng Đạo trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên ở thế kỷ XIII (Trang 33 - 40)

rút lui chiến lược

Nét nổi bật nhất trong tài năng quân sự Trần Quốc Tuấn là quyền biến, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược và chiến thuật. Tuy trong tư tưởng là quyết tâm đánh giặc nhưng trước khí thế áp đảo của kẻ thù, ông đã biết rút lui chiến lược để tránh đương đầu ngay với thế mạnh của giặc, làm thất bại âm mưu của chúng. Trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên, ông đều thực hiện rút lui chiến lược, bỏ lại sau lưng nhiều làng mạc, đất đai và thậm chí cả thủ đô Thăng Long yêu quý, để bảo toàn lực lượng, làm thất bại bước đầu kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của giặc và làm cho giặc thêm kiêu căng chủ quan.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), Trần Quốc Tuấn giữ cương vị là Quốc công tiết chế, Tổng chỉ huy toàn quân Đại Việt. Bấy giờ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng sục sôi trong toàn dân và toàn quân, nhất là sau Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng. Để triển khai lực lượng, Trần Quốc Tuấn đã điều động các vương hầu, quý tộc đem quân của mình và quân các lộ về Đông Bộ Đầu, tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ngay tại Thăng Long, rồi sau đó chia quân đóng giữ ở những vùng xung yếu. Ông ra lệnh điều đại bộ phận quân chủ lực lên trấn giữ vùng biên giới phía bắc và đông bắc Tổ quốc. Quân của Điện tiền tướng quân Phạm Ngũ Lão và các tướng chốt giữ ở một số cửa ải quan trọng suốt từ biên giới cho đến Chi Lăng, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn giữ Tuyên Quang, Hoài Thượng Hầu Trần Văn Lộng đóng giữ vùng Tam Đái (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), Quản quân Nguyễn Lộc đóng quân ở châu Thất Nguyên (Tràng Định, Lạng Sơn). Còn đích thân Trần Quốc Tuấn đem quân đóng đại bản doanh ở Nội Bàng (vùng Chũ, Bắc Giang).

Xem xét cách phòng thủ trên, chúng ta thấy rằng, ngay từ đầu vua Trần cũng như Trần Quốc Tuấn muốn dồn lực lượng ra ngăn chặn giặc ở biên giới, quyết tâm bảo vệ kinh đô. Nhưng trước sức tấn công mạnh mẽ của giặc, quân ta bị nhiều tổn thất, Trần Quốc Tuấn đã quyết định linh hoạt thay đổi phương châm tác chiến, từng bước rút lui để bảo toàn lực lượng.

Trên hướng đông bắc, Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy hàng chục vạn quân, từ Quảng Châu ồ ạt tiến vào Lạng Sơn. Tuy ta chặn giặc rất kiên quyết ở các ải Khâu Ôn, Khả Ly, Động Bản, Chi Lăng,…, nhưng thế giặc quá mạnh nên không thể lập tức ngăn chặn. Trước tình thế bất lợi đó, Trần Quốc Tuấn đã ra lệnh cho quân triều đình rút khỏi Nội Bàng về Phả Lại, Vạn Kiếp (Chí Linh- Hải Dương) và Bình Than (khoảng sông Lục Đầu ngày nay) để tổ

chức đánh chặn giặc ở đó. Bấy giờ, nghe tin quân ta không ngăn được giặc, phải rút lui, vua Trần cấp tốc ra Hải Đông gặp Trần Quốc Tuấn. Tại Vạn Kiếp, nhà vua đã ướm hỏi Trần Quốc Tuấn xem có nên hàng giặc hay không, nhưng Quốc công tiết chế đã khẳng khái trả lời: “Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng” [5; 11- a]. Điều này chứng tỏ, Trần Quốc Tuấn đã tính toán các khả năng và có biện pháp đối phó hiệu quả đảm bảo chiến thắng. Vì thế, Trần Quốc Tuấn đã bình tĩnh, cùng vua Trần nghị bàn phương lược chống giặc. Theo kế hoạch tác chiến đã xác định, Trần Quốc Tuấn chọn núi Phả Lại, Vạn Kiếp, sông Bình Than tổ chức trận đánh lớn có ý nghĩa chiến lược. Một lực lượng khá lớn thủy binh, bộ binh được triển khai bố trí tại đây, hình thành một chiến tuyến để ngăn chặn và đánh tan quân giặc. Lực lượng quân đội được tăng cường về mặt trận Vạn Kiếp - Bình Than rất lớn. Tại Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn đã huy động thêm quân, dân các lộ và quân đội riêng của các vương hầu để bổ sung lực lượng, tăng cường sức chiến đấu. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, được sự hưởng ứng của mọi người, trong tay Tiết chế Trần Quốc Tuấn đã có tới 20 vạn quân. Nhìn thấy lực lượng quân đội hùng hậu, vua Trần Nhân Tông đã cảm tác hai câu thơ:

“Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh” (Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ Hoan Diễn còn kia chục vạn quân).

Có một lực lượng khá mạnh, Trần Quốc Tuấn dựa vào địa thế hiểm yếu ở nơi đóng quân cho xây dựng một phòng tuyến chặn giặc ở Vạn Kiếp và sông Bình Than. Quân đội được bố trí đóng giữ ở Vạn Kiếp, Phả Lại, Bắc Giang. Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ huy một đạo quân thủy hơn nghìn chiến thuyền chốt giữ cách Vạn Kiếp mười dặm.

Như vậy, sau khi đã tập hợp được binh lực, Trần Quốc Tuấn định dùng tất cả lực lượng đó, dựa vào địa thế của vùng Vạn Kiếp và sông Bình Than để ngăn chặn bước tiến của quân thù.

Quân Nguyên tiến đến Bình Than và cũng quyết tâm đánh lớn với ta. Địa hình ở Vạn Kiếp - Bình Than có nhiều sông ngòi, trở ngại cho việc hợp đồng tác chiến của kỵ binh, nên Thoát Hoan đã ra lệnh cướp thuyền của dân và gấp rút lập công trường đóng chiến thuyền mới, tổ chức đạo thủy binh và ra lệnh cho Ô Mã Nhi thống lĩnh. Tại Vạn Kiếp lúc này, ta và

giặc cùng ở cái thế đại quân đối diện nhau, chủ tướng hai bên đều có mặt. Ý định của Thoát Hoan là dựa vào lực lượng rất lớn, được chuẩn bị chu đáo, đánh trận quyết định ở Vạn Kiếp, tiêu diệt lực lượng chủ lực quân Trần, rồi tiến về Thăng Long. Sau đó, y định hợp sức cùng đạo quân của tướng Naxirútđin tiến công trên hướng tây bắc xuống và cánh quân Toa Đô từ phía nam ra, thực hành hợp vây chiếm kinh đô, bắt sống triều đình nhà Trần để giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh.

Ngày 11 tháng 2 năm 1285, quân Nguyên bắt đầu tiến công vào chiến tuyến Bình Than. Với binh lực vượt trội và thực tế thế trận ở Bình Than - Vạn Kiếp không có lợi cho quân Trần nên Thoát Hoan đã tung quân thủy bộ tiến công ào ạt vào chiến tuyến quân ta. Quân đội nhà Trần đã kiên quyết đánh trả. Vua Trần đã chỉ huy quân Thánh Dực có hơn 1000 thuyền đến tăng viện. Sau bốn ngày kịch chiến, Trần Quốc Tuấn nhận thấy chưa thể đánh bại được quân Nguyên nên ông đã quyết định rút quân khỏi Vạn Kiếp về bảo vệ Thăng Long. Ở Thăng Long, quân ta cũng tổ chức một tuyến phòng ngự dọc theo sông Hồng. Nhưng trước thế mạnh của quân xâm lược, một lần nữa triều đình và đại quân ta lại rút khỏi Thăng Long để bảo toàn lực lượng.

Thành công trong chỉ đạo chiến lược của Trần Quốc Tuấn là đã nhanh chóng nhận thức được tình huống, kịp thời rút lui chiến lược. Chủ trương rút khỏi Vạn Kiếp và Thăng Long đã đánh dấu sự thay đổi lớn về ý định chiến lược cũng như phương thức tác chiến chiến lược của Trần Quốc Tuấn. Trên chiến trường xuất hiện hình thái chiến tranh mới. Việc chủ động tiến đánh và rút lui chiến lược của Trần Quốc Tuấn đã làm thất bại một bước kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Thoát Hoan.

Quân ta chủ động rút lui, một lần nữa khiến cho quân Nguyên mất đối tượng tác chiến, không thực hiện được kế hoạch chiến lược là nhanh chóng đánh tan quân ta, bắt sống vua Trần. Nắm trong tay một đạo quân đông và sức tiến công áp đảo, Thoát Hoan rất mong có những trận hội chiến lớn. Tuy chiếm được kinh đô Đại Việt không mấy khó khăn, nhưng Thoát Hoan lại không yên tâm khi tiến vào Thăng Long trống rỗng, không hiểu nổi ý định của quân Trần ra sao.

Từ Thăng Long, Trần Quốc Tuấn cho quân rút về Thiên Trường và Trường Yên, nhưng ông đã tính đến khả năng bị quân Nguyên truy kích, nên đã sử dụng một số đơn vị quân đội bố trí ở Đa Mạc, Hải Thị và ở một số nơi từ Thiên Trường đến Trường Yên, làm nhiệm vụ chặn đánh địch. Thoát Hoan chia quân thủy, bộ hai đường đuổi theo;

Mangkhuđai và Bônkhađa tiến theo đường bộ; Lý Hằng và Ô Mã Nhi đuổi theo đường thủy. Nhưng trên đường truy đuổi, quân Nguyên đã bị quân ta bất ngờ chặn đánh quyết liệt ở Đa Mạc, Hải Thị và nhiều nơi. Không thể tiếp tục tiến xuống Thiên Trường và Trường Yên, Thoát Hoan phải cho quân quay về Thăng Long. Không đuổi kịp vua Trần và đại quân ta, Thoát Hoan cho quân đóng trong thành và rải quân chốt giữ trên các trục đường giao thông từ Thăng Long đến Lạng Sơn.

Đáng chú ý là trong lúc cho quân rút lui chiến lược ở mặt trận phía bắc thì Trần Quốc Tuấn và triều đình chủ trương chặn đứng đạo quân Toa Đô từ phía nam đánh ra. Mục đích là để bảo vệ căn cứ Thiên Trường và Trường Yên. Nhưng chủ trương này cũng không thực hiện được. Trần Quang Khải buộc phải lui quân từng bước về Thanh Hóa. Khi quân của Toa Đô bắt đầu tiến từ Nghệ An qua Thanh Hóa ra bắc; để phối hợp với Toa Đô, Thoát Hoan ở Thăng Long lập tức thúc quân đánh xuống Thiên Trường, tiếp tục thực hiện kế hoạch hợp vây. Quân ta ở vào thế bất lợi, nằm giữa hai gọng kìm của địch. Tình huống đặt ra đòi hỏi bộ chỉ huy tối cao Đại Việt phải có kế hoạch đối phó chính xác: thực hiện phản công để phá kế hoạch hợp vây của địch, hay dựa vào địa thế của vùng Thiên Trường, Trường Yên để tổ chức phòng ngự? Trần Quốc Tuấn đã không chọn phương án trên, mà đã quyết định cho quân đội cùng triều đình nhà Trần rút khỏi căn cứ Thiên Trường và Trường Yên một cách tài tình và ngoạn mục.

Trong tình thế quân địch đang ở hai thế tiến công, tổ chức rút lui như thế nào, rút về đâu, theo đường nào để làm thất bại âm mưu hợp vây của địch, bảo toàn lực lượng ta và điều quan trọng nhất là lợi dụng thời gian, không gian tạo thời cơ và thế trận để sau này chuyển sang phản công đánh bại quân địch; đó là bài toán chiến lược nhất lúc này. Trần Quốc Tuấn đã tổ chức, chỉ huy thực hành cuộc rút lui kì diệu. Ông cho một lực lượng và binh thuyền, trong đó có cả thuyền ngự nhưng không có vua, từ Thiên Trường ra cửa Giao Hải theo đường biển ngược theo hướng đông bắc, đổ bộ lên vùng Ba Chẽ. Lực lượng này cơ động lên hướng đông bắc nhằm hai mục đích: một là, nghi binh đánh lừa địch tạo thuận lợi cho đại quân ta rút lui an toàn vào Thanh Hóa; hai là, triển khai sẵn một lực lượng ở những địa bàn trọng yếu phía đông bắc, sẵn sàng đánh địch trên đường rút lui của chúng khi quân ta chuyển sang phản công. Thoát Hoan đã bị mắc mưu Trần Quốc Tuấn, y ra lệnh cho Lý Hằng, Ô Mã Nhi, Gião Kỳ, Tănggutai đem binh thuyền đuổi theo thuyền ngự, nhưng không bắt được vua Trần. Ngày 14 tháng 4 năm 1285, đến Ba Chẽ, quân Nguyên chỉ trông thấy những chiếc thuyền bỏ không. Quân giặc truy đuổi nhưng bị mất hút không biết vua Trần đi

đâu. Kỳ thực lúc ấy, vua Trần đã rút lui bằng thuyền nhỏ, men theo đường biển vào Nghệ An an toàn.

Tướng giặc không tài nào phán đoán nổi việc Trần Quốc Tuấn cho quân rút vào Thanh Hóa, nơi mà chiến sự ác liệt vừa diễn ra và đạo quân Toa Đô vừa đi qua. Bị bất ngờ, Thoát Hoan phải điều quân rất lúng túng. Y liền ra lệnh cho Toa Đô quay trở lại Thanh Hóa với nhiệm vụ truy kích vua Trần, trong khi đạo quân này vừa từ Thanh Hóa đến Trường Yên, còn đang mệt mỏi và đói khát. Chính vì thế Toa Đô cũng rất bị động, chẳng biết vua Trần và quân Trần ở đâu.

Việc rút khỏi Thiên Trường và Trường Yên rồi nghi binh bằng một đội quân nhỏ lên phía bắc, còn đại quân và triều đình tiến vào Thanh Hóa khi quân Toa Đô đã từ Thanh Hóa tiến ra bắc đã làm thất bại âm mưu bao vây tiêu diệt của quân địch.

Đây là một cuộc rút lui ngoạn mục, thể hiện sự thông minh tài trí của Trần Quốc Tuấn. Rút vào Thanh Hóa, nhà Trần có hậu phương lớn gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình để kháng chiến lâu dài với kẻ thù. Với thành công này, Trần Hưng Đạo đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Thoát Hoan.

Như vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến lần thứ hai, nhờ thường xuyên nắm bắt thực tế, Trần Quốc Tuấn đã kịp thời thay đổi ý định và phương thức tác chiến chiến lược một cách linh hoạt và sáng tạo để chủ động rút lui và thoát khỏi vòng vây dày đặc của kẻ thù ở Nội Bàng, Vạn Kiếp và Thăng Long, bảo toàn được lực lượng quân ta, làm thất bại kế hoạch tiến công đánh nhanh thắng nhanh của địch. Tiếp đó, trong tình thế bị quân Nguyên tiến công từ hai phía bắc và nam, Trần Quốc Tuấn cũng đã có quyết định táo bạo và sáng suốt khi rút khỏi các căn cứ Thiên Trường và Trường Yên, làm thất bại âm mưu bao vây bắt gọn vua tôi triều Trần để kết thúc chiến tranh của địch. Cuộc rút lui chiến lược trong cuộc kháng chiến lần thứ hai đã thể hiện sự chỉ đạo chiến lược tài tình và linh hoạt của Trần Quốc Tuấn.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), ở giai đoạn đầu Trần Quốc Tuấn cũng chủ trương rút lui chiến lược, nhưng khác hai lần trước, cuộc lui quân lần này đã nằm trong tính toán chiến lược ngay từ đầu của ông. Bấy giờ, quân dân ta bước vào cuộc kháng chiến với một khí thế đầy quyết tâm, tin tưởng. Qua kinh nghiệm dày dặn, phong phú của hai cuộc kháng chiến trước, Trần Quốc Tuấn đã đề ra kế hoạch đánh giặc rất chủ động:

- Đối với kỵ binh và bộ binh của nhà Nguyên tiến vào nước ta qua đường bộ, Trần Hưng Đạo chủ trương chưa giao chiến ngay mà tạm thời rút lui, bảo toàn lực lượng để dồn sức cho trận đánh quyết định khi có cơ hội. Nhân dân các địa phương trên các tuyến hành quân của giặc nói riêng và nhân dân cả nước nói chung phải triệt để thực hiện kế thanh dã, quyết không để quân giặc có thể cướp được lương thực và thực phẩm.

- Đối với đạo thủy binh và đoàn thuyền lương, phải quyết tâm đánh tan ngay khi chúng chưa kịp tiến vào nước ta, phá vỡ âm mưu phối hợp giữa kỵ binh, bộ binh với thủy binh của chúng, đồng thời tiêu diệt nguồn tiếp tế hậu cần của đội quân xâm lăng khổng lồ này. Nhiệm vụ tiêu diệt thủy binh và đoàn thuyền lương của giặc được giao cho phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.

Hai đạo kỵ binh và bộ binh do Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích chỉ huy, do không bị đánh trả một cách quyết liệt, cho nên đã tiến xuống Vạn Kiếp một cách khá dễ dàng. Đạo thủy binh của Ô Mã Nhi, tuy bị đánh một số trận khá mạnh ở Ngọc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh) và ở An Bang (Quảng Yên, Quảng Ninh) nhưng Trần Khánh Dư không đủ sức ngăn cản nên chúng đã vượt qua được để rồi sau đó, hợp binh với Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích tại Vạn Kiếp.

Ý đồ của Thoát Hoan trong việc chiếm đóng Vạn Kiếp lần này thâm hiểm hơn, y chủ trương biến vùng này thành một căn cứ vững chắc để ngăn chặn không cho quân Trần quay lại chiếm Vạn Kiếp như trong lần trước. Vì vậy, theo lệnh của Thoát Hoan, tướng Lưu Uyên chỉ huy hơn hai vạn quân thủy bộ đánh chiếm sông Vạn Kiếp (sông Lục Đầu) và thành Linh Sơn (ở núi Chí Linh), tướng Trịnh Bằng Phi chỉ huy hơn hai vạn quân lo việc củng cố và trấn giữ căn cứ Vạn Kiếp.

Ngày 27 tháng 1 năm 1288, từ Vạn Kiếp, Thoát Hoan chia quân làm ba đạo tiến về Thăng Long. Triều đình và quân dân ta tạm rút khỏi kinh thành. Khi quân Nguyên tiến vào, kinh thành Thăng Long đã bỏ ngõ, triều đình nhà Trần và quân ta rút về đóng ở các căn cứ trên sông Hồng. Thoát Hoan đem quân bộ tiến đánh các căn cứ của quân Trần, đồng thời Ô Mã Nhi đem quân rượt đuổi vua Trần và đe dọa: “Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời,

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Vai trò của Trần Hưng Đạo trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên ở thế kỷ XIII (Trang 33 - 40)