Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản ngắn hạn −Quản lý chặt chẽ các khoản phải thu

Một phần của tài liệu Phân tích báo cáo tài chính tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (Trang 115 - 118)

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC TÀI CHÍNH CỦA TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HIỂM BƯU ĐIỆN

4.2.2.1.Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản ngắn hạn −Quản lý chặt chẽ các khoản phải thu

− Quản lý chặt chẽ các khoản phải thu

Quản lý khoản phải thu khách hàng là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp của tất cả các doanh nghiệp. Đặc biệt với PTI khi các khoản phải thu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản ngắn hạn. Việc tăng khoản phải thu từ khách hàng kéo theo việc gia tăng các khoản chi phí quản lý nợ, chi phí thu hồi nợ, chi phí trả lãi tiền vay để đáp ứng nhu cầu vốn thiếu do vốn của doanh nghiệp bị khách hàng chiếm dụng. Hơn nữa, tăng khoản phải thu làm tăng rủi ro đối với doanh nghiệp dẫn đến tình trạng nợ quá hạn khó đòi hoặc không thu hồi được do khách hàng vỡ nợ, gây mất vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu có một chính sách tín dụng hợp lý doanh nghiệp sẽ thu hút được khách hàng, làm tăng doanh thu và lợi nhuận. Vì vậy, để quản lý khoản phải thu từ khách hàng, Công ty cần thực hiện một số biện pháp sau:

+ Xác định chính sách tín dụng thương mại với khách hàng: Công ty cần xem xét, đánh giá các yếu tố sau:

Mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu và tăng lợi nhuận của công ty.

Tình trạng cạnh tranh: Công ty cần xem xét tình hình bán chịu của các đối thủ cạnh tranh để có đối sách bán chịu thích hợp và có lợi.

Tình trạng tài chính của Công ty: Công ty không thể mở rộng việc bán chịu cho khách hàng khi đã có nợ phải thu ở mức cao và có sự thiếu hụt vốn lớn vốn bằng tiền trong cân đối thu chi bằng tiền.

+ Phân tích khách hàng, xác định đối tượng bán chịu

Đây là khâu rất quan trọng để Công ty xác định rõ khách hàng là ai và quyết định thực hiện chính sách thương mại như thế nào. Do vậy, để thẩm định độ rủi ro cần có sự phân tích đánh giá khả năng trả nợ và uy tín của khách hàng, nhất là với những khách hàng tiềm năng. Trên cơ sở đó quyết định hình thức hợp đồng.

+ Xác định điều kiện thanh toán:

Công ty cần quyết định thời hạn thanh toán và tỷ lệ chiếu khấu thanh toán. Chiết khấu thanh toán là phần giảm trừ một số tiền nhất định cho khách hàng khi khách hàng trả tiền trước thời hạn thanh toán. Chiếu khấu thanh toán được xác định bằng một tỷ lệ phần trăm tính theo doanh số mua hàng ghi trên hóa đơn. Việc tăng tỷ lệ chiết khấu thanh toán sẽ thúc đẩy khách hàng thanh toán sớm trước hạn và thu hút thêm đươc khách hàng mới làm tăng doanh thu, giảm chi phí thu hồi nợ nhưng sẽ làm giảm số tiền thực thu. Vì vậy, Công ty cần cân nhắc tỷ lệ chiết khấu cho phù hợp.

+ Thường xuyên kiểm soát nợ phải thu:

Công ty phải mở sổ theo dõi chi tiết nợ phải thu và tình hình thanh toán với khách hàng, thường xuyên xem xét, đánh giá tình hình nợ phải thu và dự đoán nợ phải thu từ khách hàng.

+ Áp dụng các biện pháp thích hợp thu hồi nợ và bảo toàn vốn:

Đối với các khoản nợ sắp đến kỳ hạn thanh toán, Công ty phải chuẩn bị các chứng từ cần thiết đồng thời thực hiện kịp thời các thủ tục thanh toán, nhắc nhở, đôn đốc khách hàng. Đối với các khoản nợ quá hạn, Công ty phải chủ động áp dụng

các biện pháp tích cực và thích hợp để thu hồi. Bên cạnh đó, Công ty phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn và có thể chia nợ quá hạn thành các giai đoạn để có biện pháp thu hồi thích hợp.

Ngoài ra, việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi để chủ động bảo toàn vốn ngắn hạn phải dựa trên cơ sở là thời gian quá hạn trả nợ và tổng mức nợ của khách hàng. Công ty cần chia thời gian quá hạn trả nợ và tổng nợ ra các mức khác nhau, tương ứng với mỗi mức sẽ có tỷ lệ trích lập dự phòng phù hợp. Mặt khác, việc thường xuyên nhận định, đánh giá về khoản phải thu sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động thu nợ.

Tóm lại, quản lý chặt chẽ các khoản phải thu, thúc đẩy công tác thanh toán nợ là một trong những biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, giảm lượng vốn ứ đọng ở khâu thanh toán, nhanh chóng thu hồi và quay vòng vốn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh cũng như hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty.

− Xây dựng mô hình quản lý tiền mặt

Tiền mặt là loại tài sản không sinh lãi, do vậy trong quản lý tiền mặt thì việc tối thiểu hóa lượng tiền mặt phải giữ là mục tiêu quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc giữa tiền mặt trong kinh doanh cũng là vấn đè cần thiết, bởi nó đảm bảo giao dịch kinh doanh hàng ngày, tạo lợi thế cho việc mua hàng của công ty.

Quản lý tiền mặt là quản lý tiền giấy, tiền gửi ngân hàng và các loại tài sản gắn với tiền mặt như các loại chứng khoán có khả năng thanh khoản cao. Các loại chứng khoán gần như tiền mặt giữ vai trò như một “bước đệm” cho tiền mặt, vì nếu số dư tiền mặt nhiều Công ty có thể đầu tư vào chứng khoán có khả năng thanh khoản cao, nhưng khi cần thiết cũng có thể chuyển đổi chúng sang tiền mặt một cách dễ dàng và ít tốn kém chi phí. Do đó, căn cứ vào nhu cầu sử dụng tiền mặt, Công ty cần cân nhắc lượng tiền mặt dự trữ và lượng tiền đầu tư cho các chứng khoán một cách hợp lý nhằm tối ưu hóa lượng tiền nắm giữ.

4.2.2.2. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản dài hạn

Đối với các công trình xây dựng cơ bản dở dang, Công ty cần có biện pháp thích hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công, nhanh chóng hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng.

Đối với hoạt động đầu tư mua sắm đổi mới TSCĐ, Công ty cần phân tích đánh giá đúng thực trạng số lượng, chất lượng và tính đồng bộ của TSCĐ. Từ đó, Công ty xác định được nhu cầu về số lượng, năng lực và tính đồng bộ của TSCĐ trong những năm tiếp theo. Trên cơ sở kết hợp của kết quả phân tích và dự báo khả năng vốn của Công ty, Công ty cần tiến hành xây dựng chiến lược đầu tư TSCĐ. Chiến lược đầu tư ngoài việc xác định số lượng TSCĐ cần mua sắm còn phải xác định được trình độ công nghệ mà các TSCĐ đó phải đáp ứng. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Đầu tư TSCĐ một cách hợp lý, đúng hướng có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh cho Công ty đồng thời tăng cường lợi nhuận.

Tóm lại, làm tốt công tác mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản kết hợp với việc tăng cường quản lý, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng và nâng cấp phương tiện, máy móc thiết bị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty.

Một phần của tài liệu Phân tích báo cáo tài chính tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (Trang 115 - 118)