Phương pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh bán trú tại trường trung học phổ thông hà lang, huyện chiêm hóa, tỉnh tuyên quang (Trang 32 - 35)

sinh Phương pháp nêu gương

Nêu gương là phương pháp cơ bản để giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh và người thầy chính là tấm gương cho học sinh học tập bởi không có phương pháp giáo dục gì tốt hơn bằng phương pháp dùng chính nhân cách của mình dùng để giáo dục nhân cách học sinh. Thầy muốn học sinh phải ngoan ngoãn, chăm chỉ, có lối sống lành mạnh, ứng xử tốt đối với mọi người xung quanh… thì chính bản thân thầy cô phải là những người mẫu mực về hành vi, về lời ăn, tiếng nói, mẫu mực về lối sống và cách ứng xử. Đó là những yêu cầu cơ bản đòi hỏi những người làm công tác giáo dục cần phải luôn luôn rèn luyện, nỗ lực phấn đấu để công tác giáo dục cho học sinh đạt hiệu quả. Phương pháp nêu gương có thể dùng các tấm gương của học sinh, của chính thầy cô có kĩ năng sống chuẩn mực để học sinh học tập và làm theo. Bên cạnh đó cũng cần chỉ ra những bạn học sinh có kĩ năng, hành vi, ngôn ngữ ứng xử không tốt để học sinh có thể nhận xét, đánh giá từ đó có thể tránh được những hành vi tương tự.

Từ phương pháp nêu gương, học sinh có thể đánh giá được người khác, đánh giá được bản thân mình, làm theo gương tốt, tránh những gương xấu và rút ra những bài học cho bản thân mình trong việc học tập và rèn luyện kĩ năng sống cho bản thân.

Phương pháp thuyết trình

Thuyết trình là phương pháp dạy học trong đó giáo viên dùng lời nói sinh động, gợi cảm, thuyết phục để truyền thụ hệ thống kiến thức bộ môn cho học sinh theo một chủ đích nhất định nhờ đó học sinh tiếp thu bài giảng một

cách có ý thức. Vậy để hiểu sâu sắc về kĩ năng sống giáo viên cần dùng phương pháp thuyết trình để giải thích cho học sinh về mục tiêu giáo dục kĩ năng sống, các kĩ năng sống, những biểu hiện của kĩ năng sống trong hành vi của con người và xã hội. Khi sử dụng phương pháp này giáo viên cần chú ý tạo hứng thú, động cơ, nhu cầu muốn tìm hiểu của học sinh thì mục tiêu bài học mới đạt hiệu quả.

Phương pháp động não

Động não là phương pháp giúp cho học sinh trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó. Đây là phương pháp làm cho học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo khi tham gia vào quá trình giáo dục. Học sinh có thể đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề nào đó mà mình đã có những hiểu biết nhất định qua đó có thể cung cấp được những thông tin cơ bản, thiết thực cho hoạt động giáo dục.

Phương pháp nghiên cứu tình huống

Tình huống sử dụng trong giáo dục kĩ năng sống thường là một câu chuyện hoặc một tình huống có thật được kể lại hoặc qua quan sát video nhưng không ở dạng văn bản và từ tình huống giáo viên có thể nêu vấn đề cho học sinh hình thành những kĩ năng cần thiết đạt được mục tiêu đề ra.

Phương pháp trò chơi

Phương pháp trò chơi là tổ chức cho học sinh chơi một trò chơi nào đó phù hợp với lứa tuổi học sinh để thông qua đó mà tìm hiểu một vấn đề, biểu hiện thái độ hành vi một cách vô tư và hồn nhiên nhất như “Giải các ô chữ”, “Đuổi hình bắt chữ”… Bằng trò chơi, hoạt động học tập diễn ra nhẹ nhàng, sinh động lôi cuốn học sinh vào quá trình học tập một cách tự nhiên hứng thú và cũng từ các trò chơi việc giao tiếp giữa giáo viên và học sinh; học sinh với học sinh sẽ được nhiều hơn.

Qua các trò chơi học sinh được hình thành năng lực quan sát, được rèn luyện kĩ năng nhận xét, đánh giá hành vi. Đây là phương pháp đặc trưng trong rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh mà giáo viên và các nhà quản lí cần chú ý trong công tác giáo dục phẩm chất năng lực cho học sinh.

Phương pháp hoạt động nhóm

Hoạt động nhóm là hoạt động trong đó tất cả mọi người cùng tham gia hoặc trao đổi về một vấn đề nào đó. Tức là GV tổ chức cho HS tham gia trao đổi về một vấn đề học tập, văn hóa, môi trường, kĩ năng nào đó và khi làm việc nhóm các thành viên trong nhóm phải tham gia thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực, hợp tác để đạt được một sự hiểu biết chung nào đó.

Trong thảo luận nhóm các thành viên đều được trình bày ý kiến của mình, lắng nghe và tôn trọng. Việc bày tỏ ý kiến của mình và lắng nghe những ý kiến phát biểu của các thành viên trong nhóm sẽ giúp học sinh rèn được các kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng hợp tác, kĩ năng giải quyết tình huống, kĩ năng ra quyết định…

Hoạt động nhóm sẽ giúp học sinh có ý thức làm việc tập thể, học tập tích cực, chủ động lĩnh hội những kiến thức cơ bản cho bản thân. Làm việc nhóm cũng giúp cho học sinh rèn luyện các kĩ năng sống cơ bản và những năng lực cần thiết giúp cho việc phát triển nhân cách của các em.

Phương pháp đóng vai

Phương pháp đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Qua hoạt động đóng vai học sinh có thể bày tỏ thái độ, quan điểm của mình và rèn kĩ năng cho bản thân trong lời ăn, tiếng nói trong giao tiếp. Đây là phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh trải nghiệm trong các tình huống gần với cuộc sống để sau này ra cuộc sống các em sẽ có cách ứng xử phù hợp.

Phương pháp diễn đàn

Đây là một phương pháp tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp rất hiệu quả. Qua diễn đàn học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ của bản thân về một vấn đề nào đó trực tiếp trước bạn bè, thầy cô. Với phương pháp này học sinh có thể rèn được những kĩ năng sống như: rèn kĩ năng thuyết trình, tranh luận, sử dụng ngôn ngữ, cách giao tiếp, cách sử dụng phương tiện hỗ trợ…

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh bán trú tại trường trung học phổ thông hà lang, huyện chiêm hóa, tỉnh tuyên quang (Trang 32 - 35)