Quản lí nhà trường phổ thông

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh bán trú tại trường trung học phổ thông hà lang, huyện chiêm hóa, tỉnh tuyên quang (Trang 25 - 27)

Nhà trường là cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, có đội ngũ các nhà sư phạm được đào tạo đặc biệt, được xã hội phân công chuyên trách; có nội dung chương trình được chọn lọc và có hệ phương pháp giáo dục, và các phương tiện giáo dục đặc thù, đã được thực tiễn kiểm nghiệm [24, tr. 51].

Quản lí nhà trường là quản lí giáo dục được thực hiện trong phạm vi xác định của một đơn vị giáo dục nhà trường, nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ theo yêu cầu của xã hội.

Một số tác giả đã định nghĩa về quản lí nhà trường và nội dung quản lí nhà trường cụ thể như sau:

Theo tác giả Phạm Minh Hạc: “Quản lí nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lí giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh” [12, tr.64]

Theo tác giả Đặng Quốc Bảo, nội dung của quản lý nhà trường bao gồm 10 nhân tố cơ bản và mối liên hệ tương tác của chúng. Các nhân tố đó liên hệ tương tác với nhau và đều hướng vào trung tâm đó là sự phát triển của nhà trường. Quản lý nhà trường là một chuỗi hoạt động quản lý mang tính tổ chức sư phạm của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên và học sinh, đến các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm làm cho quá trình giáo dục và đào tạo vận hành một cách tối ưu, tiến tới mục tiêu dự kiến [1].

Như vậy quản lý nhà trường là hoạt động của các cơ quan quản lý nhằm tập hợp và tổ chức các hoạt động của giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục khác, cũng như huy động tối đa các nguồn lực giáo dục để nâng cao chất lượng GD&ĐT trong nhà trường. Mục đích của QL nhà trường là đưa nhà trường từ trạng thái hiện tại, chuyển biến lên một trạng thái phát triển mới bằng phương thức xây dựng và phát triển mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ cho việc tăng cường chất lượng GD; nhà trường là một thiết chế tổ chức riêng biệt trong hệ thống tổ chức xã hội, thực hiện chức năng tái tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự duy trì và phát triển xã hội.

Cụ thể hơn quản lí nhà trường do chủ thể quản lý bên trong nhà trường bao gồm các hoạt động: Quản lý giáo viên, quản lí học sinh, quản lý quá trình dạy học và giáo dục, quản lý cơ sở vật chất trang thiết bị trường học, quản lí tài chính trường học, quản lí lớp học như nhiệm vụ của giáo viên, quản lý mối quan hệ giữa nhà trường và cộng đồng. Với các trường có học sinh nội trú, bán trú thì thêm các nhiệm vụ quản lý các điều kiện cuộc sống, ăn ở, sinh hoạt cho học sinh nội trú, bán trú [15].

Từ những khái niệm và phân tích trên đây thì quản lý nhà trường là một hệ thống hoạt động có mục đích có kế hoạch, hợp qui luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho nhà trường vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thể hiện tính chất nhà trường XHCN, mà điểm hội tụ là hoạt động dạy học, giáo dục.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh bán trú tại trường trung học phổ thông hà lang, huyện chiêm hóa, tỉnh tuyên quang (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w