Bài tập về nhà tự nghiên cứu.

Một phần của tài liệu CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA (Trang 42 - 50)

Đề 1: Phân tích hình tượng “Chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Châu?

1. Mở bài:

- Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) thuộc lớp nhà văn chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Sau năm 1975, ông chủ yếu tiếp cận đời sống ở góc độ thế sự. Các nhà nghiên cứu đánh giá ông là một trong những cây bút tiên phong “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

- Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu sáng tác năm 1983, sau đưa vào tập truyện ngắn cùng tên xuất bản năm 1987.

- Nêu vấn đề: Đây là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn trong thời kì đổi mới. Tác phẩm thành công không chỉ bởi nghệ thuât xây dựng nhân vật đặc sắc mà ở tác phẩm này, Nguyễn Minh Châu còn tạo ra được một hình tượng nghệ thuật mang tính ẩn dụ: hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa”.

2. Thân bài:

- Truyện ngắn có nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa”, và quả thật, hình ảnh chiếc thuyền gần như xuắt hiện xuyên suốt trong câu chuyện mà nhà văn mang đến cho người đọc.

- Để có tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ Phùng đến một vùng ven biển miền Trung từng là chiến trường cũ của anh, đã dự tính bố cục, đã “phục kích” mấy buổi sáng để “chộp” được một cảnh thật ưng ý. Giây phút ấy đã tới, đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra “một cảnh đắt trời cho” trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: cảnh “chiếc thuyền ngoài xa”.

- Hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” được nhà văn khắc hoạ rất ấn tượng: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoà vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Hình ảnh đó mang một “vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích” – vẻ đẹp của “một bức tranh bằng mực Tàu của một danh hoạ thời cổ”, và tất cả vẻ đẹp đó đã được nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh thu vào một tấm ảnh mà nó “được treo ở rất nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”.

- Hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” giờ đã hoá thân thành một tác phẩm nghệ thuật để mọi người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng với tất cả những vẻ đẹp về màu sắc, đường nét và bố cục,…và khi thưởng thức bức ảnh đó, những người sành nghệ thuật có thể có cái cảm giác “bối rối” và “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào” và còn

khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”… như cái cảm giác mà “tôi” đã từng có. Tức là bức ảnh đã khiến cho tâm hồn người thưởng thức rung động thật sự và một cảm xúc thẩm mĩ đang dấy lên trong lòng và tâm hồn như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi. Điều này có nghĩa là cái đẹp đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người.

- Song, dù có là người sành nghệ thuật đến đâu, cũng không ai khám phá ra được: là những con người, những cuộc đời, những số phận đầy trớ trêu, nghịch lí đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống quay quắt bên trong chiếc thuyền “đẹp như mơ” ấy. Một người vợ nhẫn nhục cam chịu một cách tự nguyện những trận đòn thịnh nộ của anh chồng với “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” chỉ vì chiếc thuyền ấy, gia đình ấy với trên dưới mười con người cần có ông ta chèo chống lúc phong ba; Một đứa con trai yêu mẹ đến nỗi định giết cả bố mình… Cái sự thật bên trong ấy chỉ được người thợ chụp ảnh nhận ra khi chiếc thuyền đam thẳng vào bờ – Tức là ở một khoảng cách gần, rất gần.

 Với chi tiết này, câu chuyện dường như đã mở ra hai hình ảnh, hai thế giới khác hẳn: chiếc thuyền ngoài xa mang lại vẻ đẹp hoàn mĩ cho một tấm ảnh, còn chiếc thuyền khi đến gần lại làm vỡ ra một hiện thực nghiệt ngã đến xót xa của số phận con người. Vậy nên, có thể nói hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa” đích thực là một hình ảnh ẩn dụ nghệ thuật hoàn toàn có dụng ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Giải mã hình tượng ẩn dụ đó, người đọc sẽ nhận ra một thông điệp mà nhà văn truyền đi, rằng cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.

Chính vì thế, cho dù chỉ là một bức ảnh “hoàn toàn tĩnh vật” (hay nói đúng hơn là vẫn có con người nhưng đó chỉ là “những bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng” nhưng nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh của chúng ta – cũng là người đã trực tiếp nhận ra những số phận ẩn tàng bên trong nó - bao giờ cũng như thấy “một người đàn bà bước ra” sau mỗi lần suy tư, ngắm nhìn thành quả nghệ thuật mà mình tạo ra nhờ cái giây phút “trời cho” ấy.

Trước Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nam Cao đã từng quan niệm: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Trăng sáng). Là người đi sau, Nguyễn Minh Châu không lặp lại quan niệm đó, vì hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” mang vẻ đẹp nghệ thuật thực sự chứ không hề là “ánh trăng lừa dối”. Điều mà nhà văn muốn người đọc lưu tâm là cần phải có cái nhìn đa chiều, phổ quát mới có thể cảm nhận hết cái gai góc, phức tạp của cuộc đời này.

Đề 2: Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu?

Hướng dẫn

1. Đặt vấn đề:

- Một trong những ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm văn học là góp phần nhân đạo hóa con người. tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó lên tiếng vì con người, bảo vệ và ca ngợi con người, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực để cuộc sống con người ngày được tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

- Với ý nghĩa đó, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có giá trị nhân đạo sâu sắc.

2. Giải quyết vấn đề:

2.1. Giải thích khái niệm:

- Nói đến giá trị nhân đạo là muốn nói đến:

+ Thái độ cảm thông của nhà văn đối với số phận con người, nhất là những con người nghèo khổ, bất hạnh.

+ Đó còn là thái độ ca ngợi, khẳng định của nhà văn về những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.

+ Tố cáo thế lực chà đạp nên sự bất hạnh của con người.

+ Qua đó, nhà văn thể hiện những khao khát về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc cho con người.

2.2. Những biểu hiện:

a. Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa trước nhất thể hiện ở thái độ cảm thông của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với cuộc sống của những con người nghèo khổ nơi vùng biển.

+ Nhà nào cũng trên dưới chục đứa phải sống chen chúc nhau trong những chiếc thuyền lưới vó chật hẹp.

+ Vào những vụ bắc, biển động hàng tháng, thuyền không ra biển được “cả nhà vợ chồng con cái phải ăn toàn cây xương rồng luộc chấm muối.

- Nguyễn Minh Châu hết sức cảm thông trước tình cảnh người đàn bà hàng chài thường xuyên bị chồng đánh đập.

+ Nếu không cảm thông và xót xa cho cuộc đời bất hạnh của chị, tác giả không chú ý kĩ từng nét ngoại hình lam lũ đáng thương ở người đàn bà hàng chài.

+ Khuôn mặt mệt mỏi, tấm lưng áo bạc thếch và rách rưới, cặp mắt nhìn xuống chân, tay buông thõng xuống ra vẻ người nhẫn nhục và cam chịu.

- Hơn thế nữa, nhà văn còn muốn bênh vực cho chị, không muốn cho chị bị chồng đánh đập tàn nhẫn.

+ Vì vậy, trong tác phẩm, ít nhất hai lần tác giả đã để cho nghệ sĩ Phùng xông ra hai lần bênh vực cho chị đến nỗi anh phải bị thương.

+ Chúng ta có thể hiểu, nghệ sĩ Phùng cũng chính là hóa thân của nhà văn trong tác phẩm, là nhân vật mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm nhiều suy nghĩ và hành động của mình.

- Nhà văn cũng cảm thông với với tình cảnh của người chồng vũ phu:

+ Cũng chính vì cuộc sống quá nghèo khổ lại phải lao động vất vả để nuôi một gia đình đông con nên anh con trai cục tính nhưng hiền lành không bao giờ biết đánh vợ xưa kia, giờ đã trở thành một người chồng vũ phu thường xuyên đánh đập vợ một cách tàn nhẫn ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.

+ Có thể nói, người đàn ông hàng chài thô bạo ấy là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, lam lũ. Lão lầm lì đánh vợ như một thói quen để giải tỏa tâm lí và nỗi khổ triền miên của đời mình.

- Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phê phán mạnh mẽ hành động vũ phu của người chồng.

+ Ông muốn giúp người đọc thấy rõ tình trạng bạo lực trong gia đình như một mảng tối còn tồn tại trong xã hội ta những năm tám mươi của thế kỉ trước.

+ Thông qua hình ảnh của người chồng thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn, tác giả đã báo động với mọi người về một hiện tượng nhức nhối của xã hội.

+ Gióng lên một hồi chuông báo động về cái ác, Nguyễn minh Châu muốn đấu tranh cho cái thiện được tồn tại. Đó chính là một trong những biểu hiện về giá trị nhân đạo của tác phẩm.

b. Nguyễn Minh Châu là nhà văn luôn đứng về cái đẹp, cái thiện. Đi tìm, phát hiện, ngợi ca, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người, đó là biểu hiện sâu sắc của gía trị nhân đạo trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”.

- Trước năm 1975, trong bối cảnh lịch sử chóng ngoại xâm của dân tộc, Nguyễn Minh Châu xây dựng vẻ đẹp lí tưởng, yêu nước, anh hùng của con người Việt Nam thời chống Mĩ.

+ Họ là Lãm, là Nguyệt trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.

+ Đó là những con người thật cao đẹp, họ biết hy sinh hạnh phúc cá nhân cho tình yêu Tổ quốc, biết gác lại những tình cảm của cá nhân mình cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

- Sau năm 1975, cuộc sống hiện ra nhiều chiều, nhiều mặt đối lập, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào hiện thực để nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa dạng, nhiều chiều.

+ Có như vậy, ông mới phát hiện ra được những vẻ đẹp còn khuất lấp trong cái lấm láp bụi bặm của đời thường.

+ Hình ảnh người đàn bà hàng chài xấu xí, nhẫn nhục vẫn lóe lên vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, một vẻ đẹp đầy nữ tính, vị tha của người phụ nữ ở một miền biển còn đói nghèo, lạc hậu.

- Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn minh Châu đã thể hiện một cái nhìn rất nhân đạo về con người.

+ Ông đã phát hiện và khẳng định nhiều phẩm chất cao đẹp ở người phụ nữ có cái vẻ ngoài xấu xí và cam chịu, nhẫn nhục này.

+ Bằng cái nhìn đa dạng và nhiều chiều và sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đã giúp ta cảm nhận được một tấm lòng vị tha và giàu đức hy sinh của chị.

~ Đối với chồng, mặc dù bị ngược đãi, người vợ vẫn chịu đựng và cảm thông chứ không hề trách móc hay lên án, tố cáo.

~ Chị hiểu rằng, chồng đánh mình cũng vì những lẽ riêng rất đời thường. Đó là dophair sống trong đói nghèo, lạc hậu, con cái nheo nhóc, không gian sống chật hẹp, tù đọng.

~ Chị hiểu chính cái môi trường đầy khó khăn ấy đã khiến một anh con trai cục tính nhưng hiền lành biến thành một gã đàn ông thô bạo, dã man. Trước tòa, chị cố bênh vực cho chồng, dó là một tấm lòng vị tha rất đáng trân trọng ở chị.

~ Đối với con, chị là người mẹ giàu đức hy sinh. Chị nói: đàn bà ở thuyền hcunsg tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình. Chị đã chấp nhận sự đau khổ để hy sinh cho cuộc sống của đàn con.

~ Chị chấp nhận bị chồng đánh, có điều chỉ xin chồng đánh ở trên bờ để các con đừng nhìn thấy. Đó là một cách ứng xử rất nhân bản. Chị không muốn con chứng kiến những điều điều xấu có thể làm hủy hoại nhân cách của chúng và chị cũng không muốn gieo vào lòng các con thái độ căm thù đối với người cha của chúng.

- Tác giả còn giúp ta nhận ra lí do chị không thể bỏ chồng thật có lí, điều đó chứng tỏ chị không phải là người phụ nữ nông nổi, thiếu suy nghĩ, nhuc nhược, hèn nhát mà là người phụ nữ thật sâu sắc và từng trải, biết suy nghĩ, cân nhắc cho từng hành động của mình.

+ Chị cho biết: đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa.

+ Nguyễn Minh Châu còn giúp ta cảm nhận được những khát vọng hạnh phúc trong lòng người đàn bà hàng chài nghèo khổ này.

~ Trong đau khổ triền miêm, chị hết sức trân trọng những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi.

~ Phải yêu thương con người lắm nhà văn mới chú ý đến từng chuyển biến nhỏ trên gương mặt của chị khi nói về hạnh phúc. Nhà văn cho ta biết, khi nói về hạnh phúc,

lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của chị chợt ửng sáng lên như một nụ cười.

~ Chị nói: Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con chúng tôi nó được ăn no cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

- Có thể nói, người đàn bà hàng chài là biểu tượng cho tình mẫu tử, biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc gia đình.

+ Thông qua suy nghĩ của chị về gia đình và hạnh phúc, tác giả đã giúp ta hiểu ra được một gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên, cho dù gia đình ấy còn nhiều cảnh ngang trái, khổ đau, nhưng chị vẫn nâng niu, trân trọng từng chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình có được.

+ Đó là thái độ cảm thông, cái nhìn hết sức nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với con người.

c. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa còn thể hiện ngay trong quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu: Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc đời và vì cuộc đời, vì con người.

- Cách kết thúc tác phẩm đã cho người đọc nhiều suy nghĩ. Là tấm ảnh đen trắng nhưng mỗi lần nhìn vào, Phùng đều thấy hiện lên cái màu hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh.

+ Vậy thì đâu chỉ là ảnh nghệ thuật mà chính là hiện thực cuộc đời. Nếu chỉ đơn thuần là ảnh nghệ thuật đen trắng thì sao lại có được cái màu hồng hồng của ánh sương mai do ánh mặt trời của ánh bình minh buổi sáng phản chiếu?

Một phần của tài liệu CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA (Trang 42 - 50)