6.2.1 Đối với nông dân
Sản xuất phải đúng theo những qui định tiêu chuẩn của thương lái hay các đại lý thu mua.
Phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm nơi tiêu thụ cũng như là tìm kiếm những thông tin về sản xuất, giá cả và thị trường tiêu thụ thông qua các trung gian trong kênh phân phối.
6.2.2 Đối với thương lái
Chủ động tìm đối tác liên kết tiêu thụ nông sản hàng hoá.
Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu của các doanh nghiệp theo từng thời điểm, từng vụ trong năm mà có kế hoạch ký hợp đồng sản xuất ngay từ đầu vụ.
Xây dựng và hình thành hệ thống tiêu thụ với vai trò trung gian liên kết giữa vùng nguyên liệu của nông dân đến các doanh nghiệp chế biến.
6.2.3 Đối với doanh nghiệp
Chủ động xây dựng và củng cố hệ thống tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở thu hút lượng thương lái địa phương và thương lái đường dài làm vệ tinh cho doanh nghiệp.
tạo trong nước, song phải đặt biệt tránh tình trạng đầu tư ồ ạt hoặc thiếu đồng bộ giữa nhà máy và vùng nguyên liệu, nhằm góp phần đạt công suất chế biến cao nhất có thể.
6.2.4 Đối với chính quyền địa phương
Giải pháp căn cơ nhất của địa phương là phải xây dựng các chợ đầu mối nông sản. Các cấp, cơ quan chức năng cần thúc đẩy hợp tác và hoàn thiện các thoả thuận liên quan đến hợp đồng mua bán.
Thêm vào đó, các cơ chế, chính sách liên quan đến vốn cho phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến, xây dựng chợ đầu mối với các điều kiện hợp lý về hạ tầng như: đường giao thông, hệ thống kho bảo quản, phương tiện vận chuyển,... cũng tạo động lực đáng kể trong việc đạt mục tiêu của ngành trong những năm tới.
Mô hình 4 nhà “nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp” cần được áp dụng triệt để. Nông dân làm ra bất cứ sản phẩm gì, cần được kết hợp với nhà doanh nghiệp để có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu chất lượng sản phẩm ra sao thì doanh nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất đúng yêu cầu kỹ thuật để có sản phẩm ấy. Như thế, doanh nghiệp mới chế biến và tiêu thụ sản phẩm với giá tốt nhất. Muốn có sự kết hợp hài hòa và hữu cơ đó, nhà nước cần có biện pháp, chính sách thích hợp để khuyến khích. Mỗi người trong “4 nhà” đều phải có trình độ khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.
Cần đẩy mạnh phong trào hợp tác xã, kinh tế trang trại thích hợp với đội ngũ nhân sự qua đào tạo trường lớp, xác định qui mô ngành nghề kinh doanh lấy mục đích lợi nhuận và phục vụ nhân dân làm tiêu chí cơ bản, dần dần đưa các hợp tác xã trở thành các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ hàng hoá qui mô tập trung.
Nên thành lập riêng một địa chỉ web giới thiệu về hàng hoá nông sản của huyện để mở rộng và thu hút thị trường tiêu thụ. Song song đó, vấn đề xây dựng thương hiệu cho bưởi Năm Roi cũng cần phải được quan tâm thực hiện một cách nhanh, mạnh và chính xác.
6.2.5 Về phía Nhà nước
Đầu tư giống xác nhận trên diện rộng và triệt để loại bỏ những giống bưởi không đảm bảo chất lượng.
Xây dựng hiệu quả các mô hình kỹ thuật trồng và chế biến nông sản tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ.
Cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp nên đi sâu vào phân tích bản chất một cách có hệ thống. Vì hiện nay phần lớn thông tin về thị trường chỉ đề cập đến hiện tượng (biến động giá cả, sản lượng tiêu thụ.) mà chưa đi sâu vào phân tích hệ thống (nguyên nhân của hiện tượng tiêu thụ, dự đoán khả năng và các ngưỡng của các yêu cầu).
CHƯƠNG 7
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
7.1 KẾT LUẬN
Ngành trồng bưởi huyện Châu Thành có diện tích giảm liên tục qua ba năm 2006 – 2008 nhưng năng suất và sản lượng thu hoạch không giảm. Tuy nhiên, thị trường đầu ra không đảm bảo, giá cả biến động nhiều gây khó khăn cho các tác nhân trong kênh marketing bưởi, cụ thể gây khó khăn cho nông dân - tác nhân chính cung cấp sản phẩm bưởi. Dây chuyền cung cấp bưởi vẫn tồn tại nhiều trung gian phân phối và thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong kênh. Nông dân trồng bưởi chủ yếu sản xuất nhỏ, manh mún và làm theo kinh nghiệm, chưa hình thành được hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Các thành viên trong kênh không quá khó khăn để tiếp cận thông tin, nhưng thông tin có thể không đảm bảo độ tin cậy. Trong kênh marketing, thương lái thu gom là một trong những tác nhân kiếm được lợi nhuận biên cao nhất.
Nghiên cứu này chưa thể đưa ra kết luận được về sự phân chia lợi nhuận giữa các thành viên trong kênh là hiệu quả hay chưa và đòi hỏi phải có thêm thông tin để hỗ trợ trong việc đánh giá nhưng những dữ liệu thu thập được nói lên rằng có sự chênh lệch lợi ích không nhỏ giữa các thành viên trong kênh marketing bưởi.
7.2 KIẾN NGHỊ
Đề tài đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy ngành sản xuất bưởi phát triển ổn định và gia tăng sức mạnh liên kết ngành.
* Hình thành hệ thống thông tin thị trường. Với hệ thống đó, các thành viên trong kênh có thể tiếp cận thông tin hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, nên tổ chức các khóa đào tạo và tập huấn cụ thể và chuyên sâu cho từng tác nhân trong kênh riêng biệt với từng chủ đề liên quan ngay tại vườn (nông dân) hoặc cơ sở kinh doanh (thương lái/bán sỉ). Ngoài ra, nên nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện công việc này một cách đồng bộ và xuyên suốt từng khâu trong kênh, không thể chỉ tập trung vào một đối tượng. Các cơ quan nên tổ chức mô hình kiểu mẫu với một hệ thống vận hành suôn sẻ từ khâu thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm cho các nhân tố của chuỗi giá trị đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm đạt chất lượng.
*Xây dựng kênh cung ứng và tiêu thụ bưởi hiệu quả trong hệ thống marketing bưởi nhằm giảm chi phí bằng cách giảm bớt các trung gian trong kênh.
* Hình thành hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trái cây nhằm liên kết các nông dân riêng lẻ, những thương lái nhỏ và các doanh nghiệp. Các khóa học về công nghệ sau thu họach cần thiết được tổ chức cho tất cả các tác nhân tham gia nhằm tăng nhận thức và vai trò của từng tác nhân trong kênh.
* Các cơ quan chức năng hoạch định chiến lược về việc tiêu thụ bưởi, cung cấp thêm nguồn thông tin về sản phẩm và công nghệ áp dụng từ các nước tiên tiến, xúc tiến thương mại, tìm thị trường xuất khẩu mới cho bưởi Việt Nam, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho từng dự án cụ thể.