Tình hình sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả trong thời gian đã có nhiều chuyển biến đáng kể: tổng diện tích, năng suất, sản lượng cây ăn quả tăng mỗi năm, chủng loại đa dạng và phong phú hơn, có nhiều loại cây ăn quả tham gia xuất khẩu, trong đó có nhiều cây ăn quả đặc sản, nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, một số mô hình sản xuất được công nhận EurepGAP và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thực trạng sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả cũng còn không ít tồn tại: diện tích sản xuất từng loại cây ăn quả còn nhỏ lẻ, không tập trung, chất lượng quả không đồng đều, quản lý giống chưa chặt chẽ, thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghệ bảo quản còn hạn chế, thiết bị chế biến chưa tiên tiến, tiêu thụ nội địa là chính, lại bị canh tranh bởi trái cây nhập khẩu, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ còn nhiều hạn chế, xúc tiến thương mại còn chậm và thiếu đa dạng, xuất khẩu tăng nhưng chưa bền vững,...Mặt khác, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành cây ăn quả có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng gặp không ít khó khăn: áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm cây ăn quả càng gay gắt hơn do hàng trái cây ngoại nhập tràn vào nước ta với nhiều chủng loại chất lượng cao, bao bì mẫu mã đẹp, bảo quản tốt đã làm cho trái cây trong nước bị cạnh tranh ngay tại sân nhà.
Vì vậy, để cây ăn quả có thể phát triển bền vững, hội nhập được với thị trường khu vực và thế giới, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, phát huy vai trò của các doanh nghiệp và sự nỗ lực vươn lên của bà con nông dân.