Thực hiện kế hoạch kiểm toán

Một phần của tài liệu Bài giảng Kiểm toán tài chính – Bài 3: Quy trình kiểm toán (Trang 26 - 27)

IV. Thủ tục kiểm toán khác

3.2.Thực hiện kế hoạch kiểm toán

Thông thường, nếu như ở giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, các kiểm toán viên có thể chỉ cần thu thập các tài liệu cần thiết về khách thể kiểm toán và tiến hành lập kế hoạch kiểm toán tại văn phòng của mình thì giai đoạn thực hành kiểm toán, họ phải tiếp xúc trực tiếp với khách thể kiểm toán, từng người được phân công các công việc kiểm toán cụ thể sẽ làm việc với các cá nhân phụ trách các công việc tương ứng của khách thể kiểm toán.

Thực hiện kế hoạch kiểm toán là quá trình thực hiện chương trình (thực hiện các công việc kiểm toán cụ thể) để thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và tin cậy (tương ứng với kết luận kiểm toán).

Thực chất của quá trình này là việc thực hiện các trắc nghiệm đã được thiết kế, bao gồm: thủ tục, lựa chọn quy mô mẫu chọn, các phần tử được chọn để kiểm tra và thời gian thực hiện của từng loại trắc nghiệm cụ thể.

Như vậy là sản phẩm của việc thực hiện kế hoạch kiểm toán chính là các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp cho việc ra kết luận kiểm toán trong giai đoạn 3 của quá trình kiểm toán (đó là kết thúc kiểm toán).

Những cách thức, những bước công việc cụ thể để thu thập các bằng chứng kiểm toán này được gọi là thủ tục kiểm toán. Các thủ tục kiểm toán này bao gồm nhiều loại, được thực hiện theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào đối tượng kiểm toán cụ thể. Các thủ tục kiểm toán này mặc dù đa dạng nhưng đều dựa trên cơ sở kết hợp các trắc nghiệm mà chúng ta đã được học trong chương thứ nhất và việc thực hiện các trắc nghiệm này với mức độ như thế nào thì còn tùy thuộc vào kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ mà kiểm toán viên đã thực hiện trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán.

Trong thực tế kiểm toán, khi tiến hành các trắc nghiệm trực tiếp số dư, kiểm toán viên thường gắn liền với việc kiểm tra các nghiệp vụ trọng yếu phát sinh trong kỳ đã dẫn đến hình thành tổng số phát sinh và từ đó hình thành nên số dư cuối kỳ.

Do đó, trong thực tế:

 Trắc nghiệm trực tiếp số dư kết hợp với trắc nghiệm độ vững chãi của công việc sẽ hình thành nên thủ tục kiểm tra chi tiết.

 Trắc nghiệm đạt yêu cầu của công việc: còn được gọi là thủ tục kiểm soát (thủ tục kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ).

 Trắc nghiệm phân tích: thủ tục phân tích (hay quy trình phân tích).

Tóm lại, trong giai đoạn thực hiện kế hoạch kiểm toán này, kiểm toán viên sẽ thực hiện các thủ tục kiểm toán đã được thiết kế trong kế hoạch kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và có hiệu lực, phục vụ cho việc ra kết luận kiểm toán của mình. Để hiểu rõ hơn về các thủ tục mà kiểm toán viên sẽ tiến hành trong giai đoạn thực hiện kế hoạch kiểm toán này, chúng ta sẽ lần lượt đi tìm hiểu từng thủ tục kiểm toán.

Theo trình tự thông thường, trong giai đoạn này, kiểm toán viên sẽ thực hiện thủ tục kiểm soát, sau đó là thủ tục phân tích và cuối cùng là thủ tục kiểm tra chi tiết.

Một phần của tài liệu Bài giảng Kiểm toán tài chính – Bài 3: Quy trình kiểm toán (Trang 26 - 27)