Vấn đề quản lý nợ trong cuộc khủng hoảng

Một phần của tài liệu KHỦNG HOẢNG tài CHÍNH CHÂU á 1997 và bài học KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM (Trang 28 - 30)

7. Kết cấu bài nghiên cứu

2.5.Vấn đề quản lý nợ trong cuộc khủng hoảng

Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng châu Á 1997 đó là nợ nước ngoài. Để bù lại khoản thâm hụt nghiêm trọng về tài khoản vãng lai, các nước Châu Á đã chọn cách vay nợ nước ngoài ngắn hạn. Nợ nước ngoài ngắn hạn của các nước Đông Á tăng nhanh trong thời kỳ 1991-1996 và hầu hết các khoản vay này đều không dự phòng rủi ro biến động ngoại hối.

Khi khủng hoảng bùng nổ, người ta mới thấy nợ nước ngoài của khu vực này còn lớn hơn nhiều so với dự tính của Chính phủ, điều này cho thấy các nước này vay nợ nước ngoài một cách ồ ạt, không có biện pháp quản lý phù hợp khiến lượng vốn vay nợ vượt quá tầm kiểm soát. Vốn ngắn hạn nước ngoài gián tiếp làm tăng cầu hàng hóa trong nước, tăng giá đồng nội tệ.

Tăng trưởng cao dựa trên vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng và không cân đối (70-80% là vốn ngắn hạn theo luồng đầu tư gián tiếp), cũng như khả năng quản lý vay nợ kém khiến gánh nặng nợ nước ngoài ngày một lớn và khi các khoản nợ đến hạn thì đã gây sức ép nặng nề lên hệ thống ngân hàng thương mại và cầu ngoại tệ tăng đột biến. Chính các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn và khó đòi do đầu tư không hiệu quả dẫn đến hàng loạt các ngân hàng, công ty tài chính mất khả năng thanh toán, mở màn cho cuộc khủng hoảng.

Sở dĩ các nước Đông Á vay được nhiều tiền là do sau khủng hoảng Mêhicô 1994, các chủ nợ cho rằng Đông Á là khu vực ổn định hơn để đầu tư, đồng thời Chính phủ các nước Đông Á đã tiến hành tự do hoá tài khoản vốn không thích hợp, các quy định về quản lý ngoại hối bị xoá bỏ đi đôi với thành lập một số tổ chức tài chính để tiếp nhận và phân phối vốn. Sau khi các đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng thì gánh nặng nợ nước ngoài lại tăng thêm.

Nợ nước ngoài lớn, trong khi đó nguồn dự trữ ngoại tệ không đủ lực để can thiệp vào tình hình tài chính tiền tệ quốc gia. Đáng lo ngại, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao, ví dụ ở Thái Lan nợ ngắn hạn chiếm 45% tổng nợ, trong khi đó cũng ở Thái Lan dự trữ ngoại tệ liên tục giảm từ 31,6% so với GDP năm 1994 xuống 29,5% năm 1995 và năm 1996 xuống còn 26,6% so với GDP.

Ở Hàn Quốc, tình trạng nợ còn trầm trọng hơn, tổng nợ nước ngoài năm 1998 của Hàn Quốc lên đến 110 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn đến 80 tỷ USD. Từ số liệu trên, ta có thể thấy tình trạng nợ nước ngoài trầm trọng không có khả năng trả đã đưa các nước Châu Á tới với cuộc khủng hoảng năm 1997. Từ cuộc khủng hoảng này có thể rút ra, vấn đề quản lý nợ nước ngoài rất quan trọng đối với một quốc gia.

CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CHÂU Á 1997 ĐẾN VIỆT NAM VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Một phần của tài liệu KHỦNG HOẢNG tài CHÍNH CHÂU á 1997 và bài học KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM (Trang 28 - 30)